Bầu cử Mỹ 2020: Các bang 'chiến địa' có khả năng quyết định cuộc đua vào Nhà Trắng​

23/10/2020 13:49 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 có thể được quyết định trên cơ sở lá phiếu đại cử tri của 14 bang chiến địa và dao động, trong đó bao gồm cả một số bang mà đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump từng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016.       

Bầu cử Mỹ 2020: Chủ đề dịch COVID-19 và chăm sóc y tế làm 'nóng' cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống

Bầu cử Mỹ 2020: Chủ đề dịch COVID-19 và chăm sóc y tế làm 'nóng' cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống

Hai ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa và Dân chủ đã bước lên sân khấu để bắt đầu cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tại Đại học Belmont ở thành phố Nashville, bang Tennesse, vào sáng 23/10 (giờ Việt Nam).

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, đối với 6 bang chiến địa gồm Florida, Arizona, Pennsylvania, Wisconsin, Michigan và Carolina Bắc, cuộc đua giữa Tổng thống Trump của đảng Cộng hòa và ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden đang diễn ra rất quyết liệt. Dù khó có thể giành chiến thắng ở cả 6 bang này và thu về được tổng cộng 101 phiếu đại cử tri, song cơ hội đang khá cân bằng giữa ông Trump và ông Biden.

Với tầm quan trọng của mình trong các cuộc bầu cử gần đây, Florida có lẽ tiếp tục trở thành "nút thắt" quan trọng nhất quyết định cơ hội thắng cử của mỗi ứng cử viên. Thực tế này buộc cả hai ứng cử viên đều đẩy mạnh các hoạt động tranh cử trực tiếp, chi nhiều khoản tiền lớn phục vụ quảng cáo tranh cử, chú trọng tới các nhóm cử tri thiểu số cũng như các khu vực bầu cử vốn không đóng vai trò quan trọng trong các cuộc bầu cử trước đây.     

Trong khi đó, các bang từng có truyền thống ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng hòa trong các kỳ bầu cử gần đây hoặc từng rơi vào tay Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 như Arizona, Michigan, Wisconsin, Carolina Bắc cũng cho thấy những diễn biến hết sức phức tạp. Việc thay đổi, chuyển dịch cơ cấu dân cư kéo theo sự đa dạng về các nhóm cử tri trong thời gian qua khiến hai ứng cử viên tập trung vào việc mở rộng tranh giành các nhóm cử tri độc lập, cử tri dao động, đáng chú ý như cử tri nữ giới sinh sống tại các khu vực ngoại ô.    

Hai ứng cử viên tổng thống cũng ganh đua quyết liệt khi triển khai nhiều hoạt động tranh cử tại 8 bang được cho là dao động trong cuộc bầu cử năm nay gồm Nevada, Georgia, Iowa, New Hampshire, Minnesota, Texas, Ohio và Colorado. Với việc phân bổ 107 phiếu đại cử tri, các bang dao động trên đóng vai trò rất lớn tới cơ hội thắng cử của cả hai ứng cử viên, và diễn biến cuộc đua cũng đang cho thấy một ưu thế nhỉnh hơn dành cho Tổng thống Trump.  

Chú thích ảnh
Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden (phải) tại vòng tranh luận trực tiếp cuối cùng ở thành phố Nashville, bang Tennesse tối 22/10/2020 (giờ Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Dù còn hơn 1 tuần nữa mới đến ngày bầu cử 3/11, song số phiếu bầu được cử tri bỏ phiếu sớm đã đạt gần 90% mức bỏ phiếu sớm so với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Tỷ lệ này cho thấy rằng tổng số người Mỹ bỏ phiếu sớm năm nay có thể lên mức cao kỷ lục trong lịch sử. Phân tích của The Washington Post cho thấy ở một số bang miền Nam và Đông Bắc như Alabama, Mississippi và Virginia, số lượng phiếu được bỏ sớm đã vượt mức được ghi nhận trong cuộc bầu cử cách đây 4 năm.          

Trong khi đó, số liệu của U.S. Elections Project tính đến chiều 22/10 cho thấy 48,5 triệu cử tri đã bỏ phiếu, chiếm 34,5% tổng số cử tri đã đi bầu trong cả cuộc bầu cử năm 2016. Cũng theo dữ liệu này, có tới 34 triệu người đã tiến hành bỏ phiếu bầu cử qua đường bưu điện, cao hơn gấp đôi so với chỉ 14,5 triệu người tiến hành bỏ phiếu trực tiếp tại các điểm bầu cử. Texas hiện là bang có số lượng cử tri đi bỏ phiếu sớm nhiều nhất (5,9 triệu phiếu), tiếp theo là các bang California (5,1 triệu) và Florida (4,2 triệu). Ngoài ra, có tới 14 bang khác có hơn 1 triệu cử tri đã bỏ phiếu.               

Việc đảng Dân chủ thúc đẩy các chính sách liên quan đến vấn để bỏ phiếu qua đường bưu điện thời gian qua đã giúp tỷ lệ cử tri bầu cử theo hình thức này tăng lên đáng kể, nhất là đối với cử tri ủng hộ đảng này. Số liệu không đầy đủ tại 19 bang được thống kê bầu cử sớm cho thấy hơn 11 triệu người là cử tri đảng Dân chủ đã tiến hành bỏ phiếu sớm, so với 6 triệu cử tri đảng Cộng hòa và 5 triệu cử tri độc lập. Một số bang như New Hampshire đã thúc đẩy việc bỏ phiếu qua đường bưu điện cho tất cả các cử tri đủ điều kiện.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm