Báo chí Anh thận trọng về tương lai của tân Thủ tướng Boris Johnson

24/07/2019 15:32 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Tân Chủ tịch đảng Bảo thủ Anh - ông Boris Johnson sẽ trở thành chủ nhân mới của Nhà số 10 phố Downing trong ngày 24/7, sau khi bà Theresa May chính thức đệ đơn từ chức lên Nữ hoàng Anh trước đó cùng ngày. Báo chí xứ sở sương mù đã dành nhiều bài viết bình luận về sự kiện này với những dự đoán đầy thận trọng.   

Thủ tướng Anh Theresa May chúc mừng Boris Johnson trở thành nhà lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ

Thủ tướng Anh Theresa May chúc mừng Boris Johnson trở thành nhà lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ

Ngay sau khi đảng Bảo thủ cầm quyền công bố kết quả bầu cử xác định ông Boris Johnson trở thành nhà lãnh đạo mới của đảng này, ngày 23/7, Thủ tướng Anh sắp ra đi Theresa May đã chúc mừng thắng lợi của cựu thị trưởng London.

Phóng viên TTXVN Anh dẫn tờ Financial Times cho rằng hiếm có một Thủ tướng thời bình nào của Anh lại phải đối mặt với nhiều tình huống khó khăn đang chờ đợi như ông Johnson khi ông đảm nhiệm cương vị này. Những bước đi tiếp theo của tân Thủ tướng Johnson chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới số phận những thế hệ tương lai của nước Anh và "sức khỏe" hiện tại của nền kinh tế châu Âu.   

Những khó khăn trong "mê cung" mà bà May từng gặp tại Hạ viện cũng sẽ chờ đón ông Johnson trong những tháng tới vì đa số ghế đảng Bảo thủ tại Hạ viện có thể xuống còn quá bán có 1 ghế nếu như tại cuộc bầu cử phụ vào tuần tới đảng Bảo thủ thất thế. Nhóm những nghị sĩ Bảo thủ kỳ cựu tuyên bố họ sẽ bỏ phiếu để lật đổ chính phủ còn hơn là để cho thảm họa Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu - EU) không thỏa thuận xảy ra. Tuy nhiên việc thể hiện lập trường cứng rắn của ông Johnson trong suốt chiến dịch tranh cử sẽ dẫn đến kết quả là ông sẽ không bị tự đóng khung nhốt mình.   

Trong khi đó, tờ The Economist đã mô tả ông Johnson là đỉnh cao của sự kết hợp giữa sức lôi cuốn, đầu óc chính trị thực tế và cả tính khí thẳng thừng. Trong nhãn quan của ông Johnson, hầu như không có khái niệm thỏa hiệp. Không phải vì ông tin rằng mọi cuộc đàm phán sẽ phải kết thúc bằng việc một bên sẽ thất bại, mà bởi vì ông là người không quan tâm đến các chi tiết. Do vậy, thật khó mà biết được ông Johnson sẽ là Thủ tướng như thế nào. Economist cảnh báo ông Johnson là việc trở thành Thủ tướng khác xa với việc là một Thị trưởng thành phố.

Chú thích ảnh
Ông Boris Johnson phát biểu tại London, Anh ngày 23/7/2019, sau khi được bầu làm Chủ tịch đảng Bảo thủ. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Johnson sẽ phải đưa ra những quyết định lớn hơn rất nhiều và những người chống đối ông sẽ nhiều hơn và có quyền lực mạnh rất lớn. Một thực tế đó là đảng Bảo thủ hiện nay chỉ chiếm đa số ghế tại Hạ viện quá bán có 2 ghế. Nếu như Công đảng đối lập đoàn kết lại để chống chính phủ thì cũng tạo ra thách thức đủ lớn cho những nghị sĩ bảo thủ nổi loạn gồm những người ủng hộ Brexit "cứng" và những nghị sĩ Bảo thủ thuộc phe ôn hòa, những người thuộc phe của bà May tại Hạ viện sẽ hoàn toàn có thể "đánh đắm" những kế hoạch của ông Johnson.   

Tờ The Times cho rằng dù có thắng lớn trong cuộc tranh cử vừa qua, nhưng việc sắp xếp nội các của tân Thủ tướng Johnson sẽ phải là một sự cân bằng tinh tế. Nếu như bổ nhiệm nội các của mình toàn những người thuộc phe Brexiteers (ủng hộ Brexit), ông Johnson sẽ đối mặt với rủi ro thổi bùng "liên minh những người chống đối", do các chính khách uy tín như Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond và Bộ trưởng Tư pháp David Gauke và những nghị sĩ phản đối Brexit không thỏa thuận trong Quốc hội đứng đầu. Những nghị sĩ ủng hộ EU tin rằng chỉ cần 20 nghị sĩ Bảo thủ nổi loạn là có thể kéo chính phủ của ông Johnson sụp đổ nếu như ông Johnson cố gắng tiến hành Brexit không thỏa thuận.   

Ông Johnson - một người ủng hộ Brexit - đã gây chấn động khi nói rằng Anh phải Brexit vào đúng hạn chót (31/10), cho dù có đạt được thỏa thuận hay không. Brexit "không thỏa thuận" bị nhiều người trong và ngoài Quốc hội Anh coi như một viễn cảnh "cheo leo bên bờ vực" cần phải tránh bằng mọi giá. Rời đi mà không có thỏa thuận đồng nghĩa với việc Anh sẽ phải đột ngột ra khỏi EU mà không có một giai đoạn chuyển tiếp - giai đoạn giúp các doanh nghiệp thích nghi với môi trường bên ngoài EU.

Điều này cũng có nghĩa rằng Anh sẽ phải trở lại tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các mức thuế quan nhập khẩu tự động vốn sẽ gây ảnh hưởng tới thương mại và tiêu dùng. Đồng bảng Anh đang được trao đổi ở mức thấp nhất trong gần 2 năm qua so với đồng USD và đồng euro do lo ngại về một Brexit không thỏa thuận sẽ đột ngột cắt đứt các mối quan hệ thương mại của Anh.    

Việc không thể biết trước được Brexit sẽ diễn ra như thế nào đã gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế Anh khi nhiều doanh nghiệp dừng việc đầu tư cho tới khi họ biết nhiều hơn về mối quan hệ trong tương lai giữa Anh với EU - đối tác thương mại lớn nhất của nước này với tư cách là một khối.   

Mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 0,5% trong quý I/2019 được coi như là kết quả của việc tăng sản xuất và dự trữ hàng hóa trước thời hạn chót 29/3 như kế hoạch ban đầu của Brexit. Nhưng GDP trong quý II/2019 đã phản ánh tình trạng bất ổn và sự lưỡng lự trong quyết định đầu tư, phần lớn là do Brexit gây ra.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm