Bắc Giang phấn đấu đến 2030 trở thành tỉnh có nền công nghiệp phát triển

29/09/2018 07:14 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, thời gian tới tỉnh tập trung chuyển dịch cơ cấu, phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên. Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh có nền công nghiệp phát triển.

Theo đó, tỉnh phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng ít tài nguyên, nhiên liệu, có giá trị gia tăng cao, hướng tới mục tiêu xuất khẩu, đóng góp nhiều cho ngân sách tỉnh.

Bắc Giang chú trọng các ngành công nghiệp ưu tiên gồm: chế biến nông lâm sản; ưu tiên phát triển, thu hút dự án sản xuất sản phẩm chế biến hướng đến xuất khẩu (gỗ, rau, quả xuất khẩu), đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm tập trung ở các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Hiệp Hòa.

Ngành công nghiệp cơ khí tập trung vào 3 lĩnh vực chính gồm: sản xuất, lắp ráp thiết bị, máy móc, công cụ và phụ tùng phục vụ các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm...; sản xuất phụ tùng, linh kiện, cụm chi tiết, gia công cơ khí, đúc, rèn, tạo phôi lớn, nhiệt luyện, xử lý bề mặt, cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm tiêu chuẩn để chế tạo chi tiết, phụ tùng cho sản xuất thiết bị đồng bộ, máy công cụ, sản xuất ô tô, xe máy; cơ khí chính xác, khuôn mẫu, vật liệu cắt gọt và gia công áp lực…, tập trung ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Chú thích ảnh
Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 115.100 tỷ đồng,
Ảnh: BGP/Trâm Anh

Cùng đó, tỉnh trung phát triển công nghiệp dệt, sản xuất công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt nhằm tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất; từng bước khắc phục tình trạng phụ thuộc nguyên, phụ liệu nhập khẩu, đáp ứng yêu cầu tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); đối với may mặc (sử dụng nhiều lao động địa phương) tập trung tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế... theo hướng tăng cường đầu tư chiều sâu, tham gia vào các công đoạn thiết kế mẫu mã, tiếp thị, tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị tăng thêm trong sản phẩm và giảm dần tỷ lệ gia công.

Ngành công nghiệp điện tử hướng tới mục tiêu xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với các sản phẩm gồm máy tính và các thiết bị ngoại vi, linh kiện bán dẫn, linh kiện điện tử các loại cho các thiết bị điện tử gia dụng, điện thoại di động..., tập trung tại các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp tại các huyện Việt Yên, Tân Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng, thành phố Bắc Giang.

Để phát triển kinh tế, tỉnh đã mở rộng nhà máy nhiệt điện Sơn Động; xây dựng nhà máy nhiệt điện An Khánh công suất 650 MW; ưu tiên xây dựng Nhà máy Điện Pin năng lượng mặt trời tại huyện Yên Thế; Điện gió tại huyện Sơn Động; tiếp tục kêu gọi các dự án sản xuất Pin năng lượng mặt trời tại các khu công nghiệp, gắn với việc xử lý môi trường.

Bắc Giang phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 227.000 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 28,4%/năm; từ nay đến năm 2030 thành lập mới 5 khu công nghiệp, với tổng diện tích tăng thêm 2.168 ha; sau năm 2030 thành lập mới 4 khu công nghiệp, với tổng diện tích tăng thêm 1.100 ha; đến năm 2020 toàn tỉnh có 1.440 doanh nghiệp và năm 2030 có ít nhất 2.228 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

Để đạt mục tiêu, tỉnh Bắc Giang rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được phát triển theo không gian vùng động lực gắn liền với các trục giao thông chính của tỉnh. Thực hiện rà soát các quy hoạch khác nhằm thực hiện đồng bộ với quy hoạch phát triển công nghiệp như quy hoạch giao thông, quy hoạch hệ thống lưới điện, cấp nước, thông tin liên lạc.

Đồng thời, tỉnh quan tâm thực hiện hiệu quả các giải pháp về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp công nghiệp; đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp; liên kết hợp tác vùng phát triển công nghiệp; các giải pháp về đất đai, bảo vệ môi trường, cải cách thủ tục hành chính...

Hiện tổng số dự án đầu tư đã thu hút, thực hiện của tỉnh Bắc Giang là 1.482 dự án; trong đó có 1.134 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký đạt trên 81.900 tỷ đồng và 348 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt trên 4,13 tỷ USD; trong đó, lĩnh vực công nghiệp có 766 dự án (chiếm 51,69% tổng số dự án), trong đó có 444 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đạt trên 58.400 tỷ đồng và 322 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký đạt trên 3,72 tỷ USD.

Các dự án công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang chủ yếu là sản xuất, gia công linh kiện điện tử với 160 dự án; dự án sản xuất vật liệu xây dựng (chủ yếu là sản xuất gạch nung) với 86 dự án; dự án sản xuất, gia công hàng may mặc có 78 dự án; dự án sản xuất, gia công cơ khí với 74 dự án; còn lại là các dự án trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ; chế biến nông sản; sản xuất nước sạch; chế biến khoáng sản…

Đáng chú ý, trong số các dự án sản xuất công nghiệp ở tỉnh có 8 dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời (đều là các dự án của các nhà đầu tư nước ngoài), điều này cho thấy, lĩnh vực sản xuất pin năng lượng mặt trời cũng thu hút được khá nhiều các nhà đầu tư quan tâm.

Đến nay đã có 12 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, trong đó nhiều nhất là các nhà đầu tư Hàn Quốc với 218 dự án; tiếp đến là Trung Quốc có 95 dự án; Nhật Bản có 22 dự án; còn lại là các quốc gia khác.

Năm 2018, tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp toàn tỉnh Bắc Giang có 19.247 cơ sở; trong đó có 1.320 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tăng 906 doanh nghiệp so với năm 2010. Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 131.260 nghìn tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 8,9 lần so với năm 2010.

Tổng số lao động ngành công nghiệp của tỉnh là 245.172 người, chiếm 23,79% lực lượng lao động toàn tỉnh. Giai đoạn 2011-2017, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho khoảng 66.000 lao động; thu nhập bình quân của người lao động trong các khu công nghiệp hiện đạt khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Việt Hùng - TTXVN

2018 sẽ đẩy mạnh kiểm soát ô nhiễm môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp

2018 sẽ đẩy mạnh kiểm soát ô nhiễm môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp

Trong năm 2017, Tổng cục Môi trường đã đẩy mạnh công tác kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường; tích cực, chủ động, khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các hoạt động kiểm tra, khắc phục, xử lý kịp thời các điểm nóng về môi trường, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng, dư luận.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm