9 Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2018

28/06/2018 11:03 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 1/7/2018, 9 Luật sẽ có hiệu lực thi hành. Đó là các Luật: Quản lý nợ công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Thủy lợi; Luật Đường sắt; Luật Tiếp cận thông tin.

Quản lý rủi ro đối với nợ công

Luật Quản lý nợ công gồm 10 chương, 63 điều. Việc quản lý nợ công theo nguyên tắc nhà nước thống nhất quản lý và giao một cơ quan là Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính.

Luật tăng cường thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, tăng thẩm quyền của tập thể, hạn chế quy định thẩm quyền của cá nhân; gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân với trách nhiệm quản lý huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công. Một trong những điểm thay đổi quan trọng tại Luật là trước đây nhiệm vụ chủ trì, tổ chức, thực hiện vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài… được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nay chuyển về Bộ Tài chính.

Nhằm bảo đảm khả năng trả nợ, quản lý rủi ro đối với nợ công, Luật đưa việc bảo đảm khả năng trả nợ, quản lý rủi ro đối với nợ công về Quỹ tích lũy trả nợ. Quỹ tích lũy trả nợ được lập để đảm bảo nguồn ngoại tệ trả nợ. Luật bổ sung khái niệm mới về "Ngưỡng cảnh báo nợ công" để cảnh báo khi mức nợ công tiến gần đến mức trần và theo đó thực hiện các biện pháp để xử lý, kiểm soát. Mức ngưỡng nợ công do Quốc hội quyết định trong từng thời kỳ.

So với Luật Quản lý nợ công năm 2009, việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ được quy định theo hướng siết chặt đối với từng nhóm đối tượng, bổ sung quy định về quản lý rủi ro bảo lãnh Chính phủ. Việc quản lý nợ chính quyền địa phương được quy định chặt chẽ, xác định rõ trách nhiệm, điều kiện vay và trả nợ của chính quyền địa phương.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải giải trình, chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý nợ công của cơ quan, tổ chức. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chú thích ảnh
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại của cơ quan đại diện

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài chỉ quy định sửa đổi, bổ sung đối với 11 điều trong số 36 điều của Luật hiện hành.

Liên quan đến các nhiệm vụ của cơ quan đại diện, Luật đã sửa đổi, bổ sung về mặt kỹ thuật của quy định về một số nhiệm vụ lãnh sự của cơ quan đại diện để bảo đảm phù hợp với pháp luật chuyên ngành; bổ sung quy định về nhiệm vụ của cơ quan đại diện thống nhất quản lý thông tin đối ngoại tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận để phù hợp với nhiệm vụ của cơ quan đại diện về thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận; sửa đổi, bổ sung quy định về kinh phí hoạt động thường xuyên dành cho lĩnh vực thương mại của cơ quan đại diện và quy định về quản lý các dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý kinh phí, đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện.

Luật bổ sung quy định làm rõ nhiệm vụ bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn đối với thành viên và trụ sở cơ quan đại diện; bổ sung quy định về việc cơ quan đại diện tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng năm về hoạt động của các đoàn được cử đi công tác nước ngoài nhằm thể chế hóa Quy chế về thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại do Bộ Chính trị ban hành. Luật quy định về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp 2013.

Xây dựng lực lượng Cảnh vệ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

Luật Cảnh vệ có 6 chương, 33 điều. Về đối tượng cảnh vệ, biện pháp, chế độ cảnh vệ áp dụng đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngoài ra, khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam được áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ. Biện pháp cảnh vệ được áp dụng đối với khu vực trọng yếu, các sự kiện đặc biệt quan trọng. Các quy định về đối tượng cảnh vệ, biện pháp về chế độ quy định tại chương này cơ bản kế thừa các quy định của Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005. Theo đó, không bổ sung đối tượng cảnh vệ.

Luật nêu rõ 4 trường hợp cán bộ, chiến sỹ đang thi hành nhiệm vụ được nổ súng. Đó là; Nổ súng trong trường hợp cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ. Nổ súng vào đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả. Nổ súng để vô hiệu hóa đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối với cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ được nổ súng trong các trường hợp khác theo quy định của luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Khắc phục bất cập trong quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 8 chương, 76 điều. Luật bổ sung đối tượng được trang bị vũ khí gồm có cảnh sát biển, cơ yếu, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

Về quy định nổ súng, Luật quy định cụ thể các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự; theo đó, căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, Luật quy định thành nhóm các trường hợp nổ súng sau khi đã cảnh báo và nhóm các trường hợp nổ súng không cần cảnh báo. Đồng thời, Luật quy định nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng theo hướng: khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng và phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra... nhằm bảo đảm tính khái quát áp dụng chung cho các loại vũ khí quân dụng trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự. Với quy định này, khi thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ cần căn cứ vào dấu hiệu tội phạm, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội hoặc quyết định của người có thẩm quyền để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) có 9 chương, 78 điều, trong đó, Luật bổ sung 1 điều quy định về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước, về cơ bản, nguyên tắc bồi thường được kế thừa như quy định của luật hiện hành. Theo đó, việc giải quyết bồi thường được giải quyết tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; được kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.

Luật đã mở rộng nguyên tắc giải quyết bồi thường, cho phép người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ngay ra tòa án khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự; kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự tại Tòa án đối với yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự. Người bị thiệt hại có quyền lựa chọn cơ chế giải quyết bồi thường phù hợp nhưng khi cơ quan giải quyết bồi thường đã thụ lý yêu cầu bồi thường thì người đó không được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết bồi thường. Luật không quy định kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại.

Luật sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định về thiệt hại được bồi thường nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thời gian qua, đồng thời bảo đảm việc giải quyết bồi thường nhanh chóng, hiệu quả.

Nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia

Luật Chuyển giao công nghệ gồm 60 điều, được bố cục thành 6 chương. Luật bổ sung cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; bổ sung, sửa đổi quy định về thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; bổ sung giải pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ; bổ sung quy định về chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp; sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ.

Trong đó, Luật quy định quản lý chặt chẽ hơn đối với chuyển giao công nghệ không thuộc Danh mục hạn chế, cấm chuyển giao công nghệ. Theo đó, Luật có quy định bắt buộc đăng ký đối với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, chuyển giao công nghệ từ  Việt Nam ra nước ngoài và chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước. Bên cạnh đó, Luật bổ sung một loạt biện pháp nhằm tạo cơ chế phát triển nguồn cung, thúc đẩy nguồn cầu và phát triển các tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ.

Để thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân có thể tiếp cận, thụ hưởng công nghệ, kỹ thuật canh tác tiên tiến, hiện đại, Luật đã dành một điều quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, trong đó, quy định hình thức, phương thức chuyển giao công nghệ đặc thù trong nông nghiệp.

Tạo động lực cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi

Luật Thủy lợi quy định rõ nguyên tắc trong đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, trong đó, Nhà nước chỉ tập trung đầu tư các công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi lớn; công trình thủy lợi khó huy động các nguồn lực xã hội; công trình thủy lợi kết hợp phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai; công trình thủy lợi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu

Quy định chuyển từ ''phí'' sang ''giá'' sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội, từ thủy lợi ''phục vụ'' sang thủy lợi ''dịch vụ'', gắn trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ thủy lợi và bên sử dụng dịch vụ thủy lợi; giúp người sử dụng dịch vụ thủy lợi hiểu rõ bản chất nước là hàng hóa, coi dịch vụ thủy lợi là chi phí đầu vào trong sản xuất, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi không phân biệt nguồn vốn đầu tư; kinh phí hỗ trợ được ngân sách Nhà nước bảo đảm; Chính phủ sẽ quy định cụ thể nhằm đảm bảo tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện, bảo đảm ổn định trong phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân nông thôn. Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật thủy lợi để xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến bảo đảm tính khả thi khi Luật có hiệu lực thi hành. Luật gồm 10 chương, 60 điều.

Nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và bảo đảm an toàn đường sắt

Luật Đường sắt gồm 10 chương, 87 điều, tăng 2 chương, giảm 27 điều so với Luật Đường sắt năm 2005, với đầy đủ các quy định điều chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực đường sắt, có vai trò quan trọng và tác động rất lớn tới sự phát triển của ngành đường sắt nói riêng và kinh tế- xã hội của Việt Nam nói chung.

Chính sách phát triển đường sắt đã được Luật bổ sung quy định đầy đủ, chi tiết trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh đường sắt, công nghiệp đường sắt, phát triển đường sắt chuyên dùng. Đặc biệt, đối với chính sách ưu tiên phân bổ ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công để bảo đảm phát triển hạ tầng đường sắt quốc gia. Với những chính sách này nhằm định hướng và làm căn cứ cho Chính phủ ban hành các chính sách cụ thể trong từng giai đoạn phù hợp với thực tế phát triển trong hoạt động đường sắt. Đường sắt tốc độ cao là điểm mới của Luật.

Luật bổ sung quy định đối với niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt; tuy nhiên sẽ được thực hiện có lộ trình để bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt. Nội dung này giao Chính phủ quy định cụ thể để bảo đảm yêu cầu các phương tiện giao thông đường sắt dần được thay thế nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và bảo đảm an toàn đường sắt.

Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân

Luật Tiếp cận thông tin gồm 5 chương, 37 điều, quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Theo đó, Luật quy định chủ thể quyền tiếp cận thông tin là công dân. Bên cạnh đó, Luật quy định việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng là người mất hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người dưới 18 tuổi thực hiện quyền tiếp cận thông tin qua người đại diện pháp luật. Đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam được bảo hộ một số quyền, lợi ích chính đáng theo nguyên tắc đối xử quốc gia hoặc có đi có lại, bởi vậy, Luật chỉ được yêu cầu cung cấp những thông tin có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ. Công dân được tiếp cận thông tin bằng hai cách thức: Tự do tiếp cận thông tin do cơ quan nhà nước công khai và yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.

Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước từ cơ quan hành pháp, tư pháp đến cơ quan lập pháp cung cấp thông tin cho công dân; đồng thời quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Điều cần lưu ý, các cơ quan chỉ có trách nhiệm thông tin do mình tạo ra. Đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện khó khăn, để tạo thuận lợi cho công dân trong việc yêu cầu cung cấp thông tin và căn cứ vào thực tiễn nắm giữ thông tin của UBND cấp xã, Luật giao thêm trách nhiệm cho UBND cấp xã thực hiện việc cung cấp các thông tin do mình nhận được từ cơ quan khác...

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2018

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2018

Các tiêu chí để được công nhận làng nghề; tiêu chí xác định doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; điều kiện được tha tù trước thời hạn với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2018.

TTXVN/Phúc Hằng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm