Novak Djokovic vẫn là thần tượng dân tộc ở Serbia

25/01/2022 07:33 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn) - Không lâu sau khi tay vợt xuất sắc nhất thế giới, Novak Djokovic, bước xuống máy bay ở Melbourne và rơi vào tình thế không chắc chắn về mặt pháp lý, cha anh, ông Srdjan, đã tổ chức một cuộc họp báo trong phòng sau của nhà hàng gia đình ở Belgrade và tự tin tuyên bố, "Novak là Serbia, Serbia là Novak”.

Djokovic có nguy cơ bị cấm dự cả Roland Garros: Từ bỏ GOAT vì anti-vaccine, Nole?

Djokovic có nguy cơ bị cấm dự cả Roland Garros: Từ bỏ GOAT vì anti-vaccine, Nole?

Nếu Novak Djokovic vẫn cương quyết nói không với vaccine Covid-19, anh hoàn toàn có thể đánh mất cơ hội trong cuộc đua trở thành Tay vợt vĩ đại nhất trong lịch sử (GOAT).

Nghe có vẻ hơi quá, nhưng thực tế là vậy ở quốc gia Balkan nhỏ với 7 triệu dân này, nơi Djokovic được tôn kính không giống bất kì ai, có lẽ trừ Chúa - mặc dù ông Srdjan cũng không hề ngại ngùng khi so sánh anh với con trai của Chúa.

Nói ngắn gọn, đối với nhiều người hâm mộ của Djokovic, bất kì cuộc tấn công nào vào "Nole", như anh được biết, là tấn công vào cả đất nước. Vì thế, quyết định của Australia trong việc giữ và sau đó trục xuất tay vợt này vào đêm trước Australian Open - cướp đi cơ hội bảo vệ danh hiệu của anh - đã bị người Serbia phản ứng giận dữ.

"Họ chà đạp Novak, và vì vậy họ chà đạp Serbia và người dân Serbia", Srdjan Djokovic nói trong khi con trai ông bị giữ như người nhập cư, và cáo buộc nhà chức trách Australia giam giữ con trai ông.

Trong khi đó, Tổng thống Serbia là Aleksandar Vucic gọi cách đối xử với tay vợt số 1 thế giới là "một cuộc săn phù thủy theo nghĩa đen", còn Thủ tướng Ana Brnabic và Ủy ban Olympic Serbia gọi những hành động của Australia là "tai tiếng".

Djokovic đã trở lại Belgrade sau khi thua kiện trước tòa trước quyết định của chính phủ Australia về việc hủy visa của anh vì lí do sức khỏe cộng đồng và quy định địa phương. Vấn đề? Lập trường của anh về việc tiêm vaccine ngừa Covid-19, điều mà các nhà chức trách lo ngại có thể kích động những người chống vaccine ở nước này.

Từng hai lần có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, nhưng Djokovic luôn phản đối việc tiêm chủng bắt buộc. Tại giải Serbia Open hồi tháng 4 năm ngoái, anh nói: "Tôi luôn tin vào quyền tự do lựa chọn". Vào thời điểm đó, Nole từ chối cho biết liệu mình có dự định tiêm vaccine hay không. Tuy nhiên, nhiều người ở Serbia, trong đó có cả Thủ tướng Brnabic, luôn phản đối bất kì ai luôn nghĩ rằng Djokovic là một kẻ chống đối vaccine.

Chú thích ảnh
Biểu tình ở Belgrade, Serbia, để phản đối việc Djokovic bị trục xuất khỏi Australia

"Tôi không coi Novak là người chống vaccine", bà Brnabic nói. “Anh ấy ủng hộ việc tiêm chủng cho những người muốn được tiêm chủng”.

Thế nhưng, Thủ tướng Brnabic lại tự đưa mình ở một vị trí khó xử khi tuyên truyền tiêm vaccine ở đất nước của bà - nơi chưa đến 60% dân số trưởng thành đã được tiêm vaccine - đồng thời bảo vệ quyết định không tiêm vaccine của Djokovic.

Vì vậy, dù hình ảnh của Djokovic có thể bị phản đối ở những người hâm mộ tại nước ngoài sau “trận chiến” thị thực, nhưng ở Serbia, vụ việc đã khơi dậy lòng yêu nước của người Serbia.

Trong khi Djokovic bị giữ như người nhập cư tại khách sạn Park ở Melbourne, hàng chục người hâm mộ - nhiều người trong số họ đến từ các tổ chức văn hóa Serbia - đã biểu tình trên đường phố, vẫy cờ, ca hát và giơ cao áp phích. Tại Serbia, một cuộc biểu tình ủng hộ tay vợt số 1 thế giới đã được tổ chức bên ngoài tòa nhà Quốc hội, và đêm trước khi anh trở về Serbia, một tòa nhà ở Belgrade đã được chiếu sáng với dòng chữ: “Nole, anh là niềm tự hào của Serbia”.

Cựu quan chức ngoại giao người Serbia, Vladeta Jankovic, người đã gặp Djokovic vài lần, gọi anh là "điều tốt nhất xảy ra với Serbia trong thế kỉ này". Nhưng khi nói về sự gia tăng của lòng yêu nước đối với ngôi sao, ông nói: "Xin đừng nhầm lẫn nó với chủ nghĩa dân tộc".

Theo Jankovic, hình ảnh của Serbia ở nước ngoài đã bị tổn hại nặng nề - đặc biệt là trong mắt phương Tây - sau cuộc chiến vào những năm 1990. Ông nói: “Thật là xấu hổ khi trở thành một người Serbia, khi ở Anh hoặc Mỹ vào những ngày đó”.

Thế rồi, Djokovic, một thần đồng quần vợt đa ngôn ngữ khiêm tốn, chăm chỉ đi lễ, đã giúp sửa chữa và nâng cao danh tiếng của Serbia. Vì vậy, "Tôi không nghĩ rằng mọi chuyện thay đổi bất cứ điều gì. Quyền lựa chọn của anh ấy là không thể nghi ngờ. Tôi nghĩ điều sai trái là anh ấy đến Australia và tin tưởng lời mời này... và tất cả đã kết thúc rất tiếc cho anh ấy", Jankovic nói.

Mạnh Hào

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm