Mario Goetze, đôi giày 2 triệu euro và mục đích làm từ thiện của các ngôi sao

09/12/2014 05:24 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn) - Mario Goetze mới đây rao bán đôi giày giúp anh hạ gục thủ thành Argentina, đưa tuyển Đức lên ngôi vô địch World Cup 2014. Số tiền 2 triệu euro thu về sẽ được cầu thủ này tặng cho quỹ từ thiện ở Đức, "A Heart for Children".

Thông thường, mỗi hành động nhằm mục đích từ thiện đều đáng được ca ngợi. Nhưng việc làm của Goetze lại đang theo một xu thế bị các nhà phê bình chỉ trích.

Được tiếng mà chẳng mất tiền

Chuyện xuất phát từ một sự kiện từ thiện "đáng xấu hổ" của Chelsea năm 2007. Khi đó, "The Blues" tuyên bố sẽ ủng hộ tiền cho 2 bệnh viện đã cứu sự nghiệp lẫn mạng sống của Petr Cech và một quỹ từ thiện cho bệnh nhân não, sau khi thủ thành này bị chấn thương đầu trong trận đấu với Reading.

Chelsea không thực hiện ngay, mà "hẹn giờ" để việc từ thiện của họ trở nên nổi bật. Thời điểm được chọn là buổi họp báo trước trận chung kết FA Cup. Cech xuất hiện với 3 tấm séc trên tay, mỗi chiếc có mệnh giá 1.000 bảng trước hàng tá phóng viên và gần 20 tay máy. Về sau này, người ta phát hiện ra số tiền đó không trích từ mức lương 50.000 bảng/tuần của Cech, chẳng rút ra từ ngân quỹ vốn chi hơn 400 triệu bảng trong 5 mùa chuyển nhượng của Chelsea, mà là tiền do CĐV mua poster có chữ ký của thủ môn người CH Czech.

Chelsea không phải là CLB đầu tiên và duy nhất làm từ thiện theo cách đó. Thống kê của hãng Deloitte & Touche năm 2005 cho thấy càng ngày các CLB càng dè xẻn trong việc trích tiền mặt của họ để làm từ thiện. Thay vào đó, họ sử dụng "đòn bẩy" là danh tiếng của chính mình và các cầu thủ ngôi sao trong đội để khuyến khích các "nguồn" khác trao tiền.

Với cách làm này, CLB và cầu thủ vẫn có danh tiếng, trong khi chả phải bỏ ra một xu tiền túi nào. Dave Pitchford, một trong những sáng lập viên của trang web kêu gọi từ thiện intelligentgiving.com thừa nhận: "Từ thiện như vậy chẳng khác gì một kiểu PR không tốn tiền".

Cái tâm nằm ở cách làm

Trong bối cảnh dư luận ngày càng hoài nghi về việc làm thiện theo sau là đám đông phóng viên của các cầu thủ, Craig Bellamy nổi lên như một tấm gương sáng. Cựu tiền đạo của Liverpool và Man City đã đầu tư 650.000 bảng tiền túi để thành lập một học viện bóng đá ở Sierra Leone.

Bellamy không biết gì về đất nước này trước khi tới đây du lịch. Thậm chí, ở thời điểm đó, Liverpool còn từ chối đảm bảo tương lai của anh. Dẫu vậy, Bellamy vẫn quyết định thực hiện dự định của mình khi chứng kiến khát khao chơi bóng của trẻ em nghèo ở quốc gia Tây Phi.

Không giống như các học viện danh tiếng ở châu Âu, Bellamy biết chắc mình sẽ chẳng kiếm được tiền ở đó. Tại Tây Phi, học viện bóng đá chỉ nằm rải rác, chủ yếu hoạt động nhờ tiền tài trợ. Đa số các cầu thủ giỏi đều chọn cho mình một người đại diện để hoàn thành giấc mơ châu Âu. Mục đích của Bellamy là tạo môi trường bóng đá lành mạnh. Ở đó, trẻ em không chỉ được học chơi bóng mà cả kiến thức văn hóa.

Cách làm của Bellamy khác hẳn với kiểu từ thiện theo mùa vụ như một trận đấu quyên tiền, một sự kiện đấu giá… Đáng tiếc, trong bóng đá hiện đại, đó vẫn là xu hướng tăng trưởng chậm. Trong nhiều năm qua, những cầu thủ từ thiện theo hướng đặt nền móng dài hạn chỉ chiếm số ít.

Sơ qua có Juan Sebastian Veron chi tiền mỗi năm cho quỹ học bổng của một trường học ở quê nhà La Plata. Damiano Tommasi hỗ trợ dự án nhà giá rẻ cho những người nhập cư ở Italy. Didier Drogba xây trường học và bệnh viện ở Bờ Biển Ngà, hay Eto'o không ngừng cấp tiền túi cho các dự án xã hội ở Cameroon…

Điểm chung của những Bellamy, Drogba, Tommasi là gì? Có người từ thiện vì tình yêu quê hương đất nước, có người chỉ để cảm thấy bản thân là người tốt... Tất cả đều sử dụng tiền của mình và chẳng ai coi đó là chiêu đánh bóng bản thân bởi họ xác định vẫn duy trì các dự án kể cả khi treo giày.

Khánh Đan
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm