20 năm phán quyết Bosman: Bosman, ngày ấy - bây giờ

12/12/2015 14:37 GMT+7 | Thế giới Sao

(Thethaovanhoa.vn) - Jean-Marc Bosman hiện 51 tuổi, không còn thể hình của một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp và gần như đã bị lãng quên.

“Đó là phán quyết của thế kỷ trong thế giới thể thao và, thậm chí nếu tôi đã có những giai đoạn khó khăn từ đó, tôi thấy là mình đã có những đóng góp”, Bosman nói.

Thay đổi lịch sử

Đã 20 năm trôi qua từ khi Liên minh châu Âu (EU) đưa ra “phán quyết Bosman” có hiệu lực trên toàn khối cho phép cầu thủ tự do tới chơi cho một CLB khác khi hợp đồng của họ kết thúc mà không cần một khoản phí chuyển nhượng. Phán quyết cũng chấm dứt hệ thống hạn ngạch của UEFA quy định những CLB chơi ở các giải châu Âu chỉ được phép có 3 cầu thủ nước ngoài trong đội hình xuất phát.

1 năm trước phán quyết Bosman, Alex Ferguson đã phải sử dụng Gary Walsh trong khung thành thay vì Peter Schmeichel bởi quy định hạn ngạch, và Man United để thua 0-4 ở Barcelona. 3 năm rưỡi sau Bosman, Ferguson cho ra sân 5 cầu thủ nước ngoài, bao gồm người ghi bàn Ole Gunnar Solskjaer, khi Man United giành Champions League ở Barcelona.

Câu chuyện của Bosman

Câu chuyện của Bosman

Năm 1995, một biến cố lớn đã xảy ra với một cầu thủ vô danh làm thay đổi hoàn toàn bóng đá châu Âu.

Luật thay đổi không phải để giúp các đội đã giàu càng giàu hơn, nhưng trên thực tế điều đó đã xảy ra, nhất là tại Anh. Trong 19 trận chung kết Champions League từ tháng 12/1995 tới nay, chỉ 2 trận là có một CLB bên ngoài 4 giải TBN, Đức, Anh và Italy – Ajax năm 1996 và Porto-Monaco năm 2003. Để so sánh, trong 19 trận trước Bosman, có 10 CLB bên ngoài 4 giải lớn. Những đội như Steaua Bucharest, Porto, PSV Eindhoven, Red Star Belgrade, Marseille và Ajax đều từng giành Cúp C1/Champions League trong 10 mùa 1986-1995.

Luật Bosman không phải là lý do duy nhất. Ở Anh, việc Premier League được thành lập năm 1992 cũng đã thay đổi sự tập trung quyền lực trong bóng đá. Các CLB giờ là những doanh nghiệp được niêm yết trên thị trường chứng khoán và tiền lại càng đẻ ra tiền.

“Nó đã trở thành một môn thể thao của người giàu”, Bosman nói. “Trước kia nó là của giai cấp lao động. Luật Bosman đã làm thay đổi bóng đá, cách tiếp thị, kinh doanh và kiếm tiền trong đó nói chung”. Khi Bosman lớn lên ở Liege những năm 1970, ông đã chứng kiến Club Bruges vào chung kết Cúp C1 1978, điều giờ là không tưởng. “Các CLB Bỉ cũng có nhiều cầu thủ nước ngoài hơn sau phán quyết”, Bosman nói. “Nhưng họ khó mà cạnh tranh nổi. Thời tôi, Standard Liege cũng ngang với Chelsea, nhưng giờ Chelsea lớn hơn họ 100 lần”.

Bi kịch của Bosman

Bosman không phải là Enzo Scifo nhưng nghĩ ông có thể trải qua một sự nghiệp dài lâu và thành công. Một tháng sau sinh nhật 20 tuổi, tháng 11/1984, Bosman ngồi dự bị ở một trận đấu tại Cúp C3 gặp Cologne trong một đội hình có mặt Harald Schumacher và Pierre Littbarski, Nico Claesen và Vladimir Petrovic. Bosman ở lại Standard tới năm 1988, khi ông chuyển sang bên kia thành phố khoác áo FC Liege. Họ cũng được dự cúp châu Âu, và Bosman, trở lại từ chấn thương, ngồi ghế dự bị khi gặp Juventus ở Cúp C3.

Jean-Marc Bosman ngồi tù 1 năm: Cái kết thảm của người

Jean-Marc Bosman ngồi tù 1 năm: Cái kết thảm của người "giải phóng cầu thủ"

Nhờ những nỗ lực của Bosman mà cầu thủ ngày nay có thể yêu cầu mức lương tương xứng với giá trị của họ trên thị trường mở, tạo ra thời kỳ của cầu thủ triệu phú. Nhưng số phận ông thật bi thảm.

Nhưng năm 1990, mọi chuyện đã thay đổi. “Tôi hết hợp đồng ở Liege”, Bosman giải thích. “Họ giảm lương của tôi chỉ còn 1/4 và cắt gần hết thưởng. Liên đoàn nói nếu tôi không ký hợp đồng mới với Liege, tôi sẽ bị treo giày, nghĩa là CLB sở hữu một cầu thủ trọn đời. Dunkirk ở Pháp đề nghị với tôi một mức lương cao hơn nhiều và Liege cùng Dunkirk đã thỏa thuận, nhưng Liege khi đó đòi mức phí chuyển nhượng gấp 4 lần khoản họ đã trả cho Standard để có tôi”.

Bosman liên lạc với các luật sư. “Ban đầu họ nói sẽ chỉ mất 15 ngày”. Hóa ra là phải mất tới 5 năm. Mùa Thu 1990, Bosman 25 tuổi. Mùa Đông 1995, ông 31. Ông cũng có đá ở đảo Reunion và Pháp, nhưng cả thời đỉnh cao đã là một cuộc chiến pháp lý. “Ở Liege, tôi được các đồng đội tán dương, nhưng thực ra không ai muốn dây vào, mọi người đều sợ bị treo giày. Nhưng năm 1995, tất cả họ đều được hưởng lợi. Có một cầu thủ trẻ ở Antwerp bị giống tôi và bị liên đoàn cấm đá cả đời. Cậu ta sau đó chuyển sang nghề bưu tá”.

Sau phán quyết, mọi việc tiếp tục, nhưng Bosman không còn thuộc về thế giới bóng đá nữa. Tới năm 2000, Ủy ban châu Âu (EC) lại lật ngược luật Bosman với những cầu thủ dưới 23 tuổi, yêu cầu đội có họ theo dạng chuyển nhượng tự do phải trả phí đào tạo. “Thế kỷ 21 rồi mà người ta vẫn bán các cầu thủ như những con lợn, như đồ vật”, Bosman nói. “Điều đó chỉ càng khiến những CLB giàu giàu hơn, chứ không phải phân chia sự giàu có. Chỉ có khoảng 25 CLB lớn, và họ càng lớn hơn. Thế độc quyền đã được hình thành”.

Bản thân Bosman nhận được 350.000 franc Thụy Sĩ tiền bồi thường thiệt hại, nhưng Bosman đã mất sự nghiệp. Anh cũng gặp nhiều vấn đề cá nhân, nghiện rượu, bị cảnh sát Bỉ bắt giữ, nhưng anh chưa bao giờ hối hận. 

10 hợp đồng Bosman đáng chú ý nhất

Robert Lewandowski: Dortmund sang Bayern, 2014

Sol Campbell: Tottenham sang Arsenal, 2001

Steve McManaman: Liverpool sang Real Madrid, 1999

Andrea Pirlo: AC Milan sang Juventus, 2011

Roberto Baggio: AC Milan sang Bologna, 1997

Henrik Larsson: Celtic sang Barcelona, 2004

Brad Friedel: Liverpool sang Blackburn, 2000

Michael Ballack: Bayern sang Chelsea, 2006

Markus Babbel: Bayern sang Liverpool, 2001

Esteban Cambiasso: Real Madrid sang Inter, 2004; Inter sang Leicester, 2014


Trần Trọng (theo Daily Mail)
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm