Thanh Hóa tổ chức Lễ hội Phủ Trịnh

09/03/2023 15:00 GMT+7 | Văn hoá

Ngày 9/3 (tức ngày 18/2 âm lịch) tại Khu Di tích quốc gia Phủ Trịnh – Nghè Vẹt (xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc), tỉnh Thanh Hóa thí điểm tổ chức Lễ hội Phủ Trịnh nhân kỷ niệm 453 năm ngày mất Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm (1570-2023) nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích Phủ Trịnh – Nghè Vẹt, phục vụ phát triển du lịch.

Tại Lễ hội, phần lễ diễn ra trong không khí linh thiêng và thành kính với các nghi thức truyền thống như: dâng hương, lễ chánh kỵ, đọc chúc văn, tế lễ... Tiếp đó là chương trình nghệ thuật mang tên Trung Hưng gấm vóc do các nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa biểu diễn…

Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian, trưng bày 30 gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của huyện Vĩnh Lộc và phụ cận. Ngoài ra còn có Liên hoan văn nghệ quần chúng huyện Vĩnh Lộc, Chương trình nghệ thuật tổng hợp phục vụ nhân dân và du khách với chủ đề Xứ Thanh tình đất, tình người, các trò chơi trò diễn dân gian như kéo co, bài điếm, thi đấu cờ người...

Thanh Hóa thí điểm tổ chức Lễ hội Phủ Trịnh phục vụ phát triển du lịch - Ảnh 1.

Tỉnh Thanh Hóa thí điểm tổ chức Lễ hội Phủ Trịnh nhân kỷ niệm 453 năm ngày mất Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm (1570-2023) nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích Phủ Trịnh – Nghè Vẹt, phục vụ phát triển du lịch

Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm (1503-1570), là người làng Sóc Sơn (xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc) xuất thân từ tầng lớp dân nghèo cùng khổ. Năm 1525, sau khi Mạc Đăng Dung soán ngôi nhà Lê, Trịnh Kiểm đã nguyện đi theo Hưng quốc công Nguyễn Kim dựng cờ phù Lê diệt Mạc. Suốt 25 năm cầm quân chinh chiến, ông đã có nhiều cống hiến lớn ở thời Lê Trung Hưng, tạo nên cơ nghiệp nhà Trịnh với 12 đời chúa tiếp nối trị vì đất nước, 249 năm có mặt trên chính trường Đại Việt (1545 - 1788). Ông được Vua Lê Anh Tông trọng dụng, gia phong chức Thượng tướng quân, Thái quốc công, tôn phong Thượng phụ... Công lao của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm đối với đất nước đã được lịch sử đánh giá, ghi nhận. Lễ hội Phủ Trịnh và kỷ niệm 453 năm ngày mất Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm là dịp để ôn lại những đóng góp của ông đối với đất nước.

Khu Di tích quốc gia Phủ Trịnh - Nghè Vẹt thuộc làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử quốc gia năm 1995. Trong lịch sử, Phủ Trịnh được xây dựng trên diện tích khoảng 10ha, gồm có các hệ thống cung điện, đền đài khá hoàn chỉnh làm nơi thờ tự tổ tiên, nơi đặt hành dinh, nơi ăn ở của các chúa Trịnh (phủ từ, khu nội phủ, hành doanh, khu làm việc của các quan, khu thờ cúng, khu vườn hoa, bàn cờ...). Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, nơi đây được coi là hành dinh thứ 2 của nhà Trịnh sau Phủ Liêu ở Thăng Long, đồng thời cũng là công trình kiến trúc tiêu biểu của thời kỳ Lê - Trịnh trên vùng đất xứ Thanh.

Thanh Hóa thí điểm tổ chức Lễ hội Phủ Trịnh phục vụ phát triển du lịch - Ảnh 2.

Di tích lịch sử Quốc gia Phủ Trịnh, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa cùng con cháu họ Trịnh, trong vài thập kỷ gần đây, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử văn hóa thời Lê – Trịnh, nhà Trịnh nói chung, di tích Phủ Trịnh - Nghè Vẹt nói riêng có nhiều khởi sắc. Hiện Dự án tôn tạo Khu di tích Phủ Trịnh được đầu tư hơn 756 tỉ đồng, trong đó vốn xã hội hóa và các nguồn huy động khác là hơn 380 tỷ đồng. Việc tôn tạo Di tích Phủ Trịnh đã đáp ứng mong mỏi của nhân dân, chính quyền địa phương và con cháu dòng họ Trịnh, thể hiện sự tri ân đối với công lao của nhà Trịnh trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng thời góp phần gìn giữ một công trình di tích có giá trị về lịch sử, văn hóa cho mai sau.

Trong 2 năm 2020-2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nghiên cứu, phục dựng, xây dựng mới Lễ hội Phủ Trịnh, từ đó xác định nguồn gốc, trình thức nghi lễ và xây dựng mô hình lý thuyết về lễ hội. Đồng thời, tổ chức nhiều hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý di sản văn hóa lễ hội, đại diện hội đồng họ Trịnh, trên cơ sở đó hoàn thiện và trình UBND tỉnh Thanh Hóa, phối hợp với huyện Vĩnh Lộc tổ chức thí điểm mô hình Lễ hội Phủ Trịnh.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng khẳng định: Lễ hội Phủ Trịnh năm 2023 được tổ chức nhằm ôn lại những đóng góp to lớn của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm đối với đất nước, đồng thời là dịp để giới thiệu, quảng bá tới nhân dân và du khách thập phương về điểm đến hấp dẫn Quần thể Di tích lịch sử Phủ Trịnh - Nghè Vẹt, về vùng đất, con người xứ Thanh nói chung, Vĩnh Lộc nói riêng. 

Thời gian tới, cùng với các di tích lân cận như Di sản văn hóa Thành nhà Hồ, suối cá thần Cẩm Lương, Lam Kinh… Quần thể Di tích lịch sử văn hóa Phủ Trịnh sẽ là một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Duy Hưng - Hoa Mai/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm