Thai League đang tụt hậu so với V League?

31/08/2022 07:10 GMT+7 | V-League

Thông tin từ tờ Siam Sport cho biết các CLB bóng đá Thái Lan đang đồng loạt yêu cầu LĐBĐ Thái Lan (FAT) thanh toán các khoản tiền hỗ trợ mùa giải 2021/2022 mà FAT còn đang nợ.

Bóng đá Việt Nam hôm nay: HLV Kiatisak mong HAGL đối đầu CLB vô địch Thai League

Bóng đá Việt Nam hôm nay: HLV Kiatisak mong HAGL đối đầu CLB vô địch Thai League

Bóng đá Việt Nam hôm nay: HLV Kiatisak mong HAGL đối đầu CLB vô địch Thai League BG Pathum United.

Cụ thể, các đội ở Thai-League 1 còn bị nợ lại 2,5 triệu baht (khoảng 1,6 tỷ đồng) mỗi đội, còn số tiền FAT đang nợ các đội ở Thai-League 2 và Thai-League 3 lần lượt là 375.000 baht (khoảng 240 triệu đồng) và 125.000 baht (khoảng 80 triệu đồng) mỗi đội. Trước đó, FAT mới chi trả 50% số tiền hỗ trợ và chưa có động thái thanh toán khoản còn lại.

Chuyện này thật khó tin nếu biết rằng mới cách đây chưa lâu Thai League còn được xem như là giải VĐQG hàng đầu Đông Nam Á, và nhiều người từng mạnh mẽ yêu cầu V-League hãy lấy Thai-League làm gương để cải tiến giải VĐQG Việt Nam theo con đường của Thai-League.

Có lẽ Covid-19 là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho FAT rơi vào tình cảnh nợ nần với chính các đội bóng ở giải chuyên nghiệp nước này, và với khoản nợ như vậy, thật ít cơ sở để cho rằng FAT sẽ đủ khả năng thanh toán dứt điểm cho tất cả các đội bóng ở thời điểm hiện tại.

Không những thế, FAT còn được cho là đang khó khăn về kinh phí tới mức không đủ tiền để thuê HLV ngoại cho ĐT U23 Thái Lan, dù HLV Worrawoot Srimaka đã từ chức được vài tháng và FAT đặt ra mục tiêu rất cao cho ĐT U23 Thái Lan là giành vé tham dự Olympic Paris 2024.

Chú thích ảnh
Bóng đá Việt Nam hiện có HLV ngoại riêng biệt cho cả ĐTQG cũng như U23 QG. Ảnh: Song Ngọc

Chuyện này hoàn toàn trái ngược với V-League và VFF, khi các đội bóng ở giải chuyên nghiệp quốc gia tuy cũng gặp ít nhiều vấn đề về tài chính nhưng không tới mức phải cầu cứu tới sự trợ giúp của VFF hay VPF, và bản thân VFF cũng vẫn có đủ điều kiện tài chính để thuê riêng một HLV ngoại rất chất lượng cho ĐT U23 Việt Nam.

Cộng thêm những thất bại liên tục của các ĐT trẻ Thái Lan trước ĐT trẻ Việt Nam ở giải khu vực mấy tháng vừa qua lại càng cho thấy một thực tế rằng dường như bóng đá Thái Lan không chỉ gặp vấn đề ở cấp độ CLB, và việc trong một năm qua, 2 nền bóng đá Thái Lan và Việt Nam gặp nhau 11 lần ở mọi cấp độ đội tuyển, trong đó Thái Lan chỉ thắng một, hòa 2 và thua 8, hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên.

Với bất cứ nền bóng đá nào thì khâu đào tạo trẻ cũng luôn là yếu tố có vai trò quan trọng nhất, và có cảm giác rằng sự hào nhoáng mà Thai-League tạo nên mấy năm vừa qua ở khu vực có phần đóng góp rất lớn của các ngoại binh đắt giá và cả đòn bẩy tài chính từ bên ngoài, còn vấn đề đào tạo lực lượng kế cận lại không được nhiều CLB ở Thai League quan tâm ở mức độ như cần phải có.

Đấy phải chăng là nguyên nhân khiến cho chỉ trong vài tháng vừa qua, người hâm mộ Thái Lan liên tục phải chứng kiến thất bại của các ĐT U23, U19 rồi U16 Thái Lan trước các đội bóng đồng trang lứa của Việt Nam ở sân chơi khu vực, đến mức CĐV Thái Lan không thể không bức xúc và họ đã thể hiện thái độ của mình bằng những bình luận đầy phẫn nộ trên fanpage của FAT sau thất bại của U16 Thái Lan trước U16 Thái Lan ở bán kết giải U16 Đông Nam Á vào ngày 10/8 vừa qua.

Có lẽ hỏi cũng chính là đã trả lời!

Huy Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm