Juan Martin del Potro: Chuyện cổ tích năm 2016

11/12/2016 13:44 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) – Hồi tháng Hai năm nay, Juan Martin del Potro xếp hạng 1045 thế giới, tức là kém vị trí hiện tại của... Lý Hoàng Nam khi ấy hơn 100 bậc. Bây giờ, “tòa tháp Tandil” đã leo lên 38 thế giới, và rất có thể sẽ là hạt giống ở Australian Open 2017


Tất nhiên, việc so sánh Del Potro với Lý Hoàng Nam là cực kỳ khập khiễng bởi tay vợt người Argentina ở đẳng cấp hoàn toàn khác, dù liên tục bị chấn thương hành hạ. Song rõ ràng, một tay vợt leo hơn 1000 bậc trong vòng 10 tháng thì quá xứng đáng với danh hiệu Sự trở lại ấn tượng nhất trong năm. Đây là lần thứ hai, Delpo nhận được danh hiệu này (trước đó là năm 2011). Trong lịch sử, chỉ có hai tay vợt khác hai lần được tôn vinh ở hạng mục này là Sergi Bruguera (1997, 2000) và Tommy Haas (2004, 2012).

Từ Rio đến Zagreb...

Hai thành phố, hai thời điểm khác nhau, hai cái kết khác nhau, nhưng nhân vật chính đều là Del Potro. Ở Rio là những giọt nước mắt tiếc nuối khi dừng bước trước ngưỡng cửa thiên đường (thua Murray tại chung kết). Tại Zagreb là nụ cười mãn nguyện khi đứng trên đỉnh thế giới (dù chỉ là ở đấu trường Davis Cup). Ở cả hai giải đấu ấy, Del Potro đều làm rạng danh xứ tango, chỉ có điều cái kết ở Zabreg toàn vẹn hơn, có hậu hơn so với ở Rio.


Del Potro cùng đội tuyển Argentina ở Davis Cup

Màn ngược dòng đầy cảm xúc của Del Potro trước Marin Cilic sau khi bị dẫn 7-6 (4), 6-2 ở lượt trận đánh đơn thứ ba đã giúp Argentina lần đầu tiên trong lịch sử vô địch Davis Cup. Trước đó, họ từng 4 lần lọt vào chung kết, nhưng đều thua (1981, 2006, 2008, 2011). Và với cá nhân tay vợt 28 tuổi này, những hy vọng trở lại thời kỳ đỉnh cao như 7 năm về trước lại được nhen nhóm ở mùa giải 2017. Khi Delpo vươn rộng đôi tay, ngẩng cao đầu để chìm trong những tiếng hò reo của 1500 khán giả Argentina đã lặn lội từ Tây Bán cầu sang Zagreb cổ vũ, anh thừa nhận rằng mình đã trải qua một cảm giác cực kỳ đặc biệt, vừa run rẩy vì xúc động, vừa bồi hồi vì hoài niệm, và vừa khấp khởi khi nghĩ đến tương lai.

Del Potro mới 20 tuổi khi đánh bại Rafael Nadal ở bán kết và Roger Federer ở chung kết US Open 2009. Trước đó, chưa có tay vợt nào đánh bại được cả hai “ông kẹ” ấy trong cùng một Grand Slam. Chiến tích ấy cũng đã chấm dứt 5 năm thống trị của FedEx ở Flushing Meadows. Một “ông lớn” thực sự, theo cả nghĩa đen (anh cao 1m98) và nghĩa bóng, đã xuất hiện. Del Potro có vóc dáng của một gã khổng lồ, với khả năng đánh tốt ở cả hai cánh, và di chuyển lanh lẹ như một tay vợt nhỏ con.  

Nếu Delpo không đen đủi với hàng loạt chấn thương, khái niệm Big Four có thể đã không ra đời. Kể từ năm sau đó, Del Potro đã phải phẫu thuật cổ tay đến ba lần, và có những lúc chính anh cũng nghi ngờ khả năng trở lại ATP Tour của mình. Việc sử dụng lực cổ tay quá nhiều trong những cú topspin (xoáy cồng) đã khiến Del Potro tổn thương khá nặng ở vị trí ấy. Đó là vị trí cực kỳ nhạy cảm đối với bất cứ tay vợt nào, chứ không chỉ riêng anh.

“Tôi phải cảm ơn những người đã ngăn tôi giải nghệ”, Del Potro xúc động phát biểu trong lễ trao giải Davis Cup, “Tôi gần như đã không bao giờ thi đấu nữa, nhưng rồi, tôi vẫn đang ở đây”.


Từng có lúc Del Potro muốn giải nghệ

Tự thay đổi để thích nghi

Del Potro, 28 tuổi, thật ra chỉ đánh vỏn vẹn 14 trận trong vòng 2 năm 2014 và 2015. Lần tái xuất gần nhất của anh bắt đầu từ giải ATP 250 tại Delray Beach, Florida hồi tháng Hai, khi còn xếp ngoài Top 1000 ATP. Và thành tích lọt vào bán kết khi ấy (thua Sam Querrey) là không tồi, nhưng Del Potro vẫn không hài lòng với bản thân. Lý do? Dù vẫn có những quả thuận tay búa tạ, và những cú giao bóng quá ổn, song những pha trái tay của anh thì nhẹ hều – hệ quả của 3 lần phẫu thuật cổ tay.

“Tôi không biết mình có thể trở lại top đầu nữa hay không”, Del Potro từng tâm sự như thế hồi mùa hè vừa rồi, “Nhưng nếu không, tôi sẽ vẫn hạnh phúc vì được chơi tennis lại từ đầu”. Và anh đã tự điều chỉnh lối chơi của mình để thích ứng với cái cổ tay đã yếu đi: sử dụng những cú cắt trái tay nhiều hơn, để bổ sung vào những cú thuận tay (forehand) bão táp của mình. Việc thường xuyên cắt bóng giúp anh lên lưới nhiều hơn và khả năng bắt lưới cũng tốt hơn trước. “Cậu ấy là một thiên tài, và có một trái tim rộng lớn”, đội trưởng đội tuyển Davis Cup Daniel Orsanic nhận xét.


Del Potro đôi lúc mất tự tin vào chính bản thân

Del Potro dự Wimbledon với suất đặc cách nhưng đã bất ngờ loại Stan Wawrinka ở vòng hai. Thế rồi sau đó, anh trở thành một cơn bão thực sự ở Olympic Rio, khi thắng sốc hạt giống số một Novak Djokovic ngay vòng đầu tiên, khiến tay vợt người Serbia phải bật khóc. Chưa hết, cũng chính anh đã tiễn Nadal về nước với chiến thắng ở vòng bán kết. “Cơn bão” Delpo chỉ bị Murray chặn lại ở chung kết kéo dài 4 tiếng, một phần vì anh đã mất nhiều sức hơn ở vòng đấu trước đó.

Xen giữa chức vô địch Davis Cup 2016 và tấm huy chương bạc ở Olympic Rio 2016 là một Grand Slam mà Del Potro thi đấu tương đối ấn tượng. Anh lọt vào tứ kết, và chỉ chịu thua Wawrinka, tay vợt sau đó đã giành chức vô địch. Hồi tháng Mười, anh đoạt danh hiệu đầu tiên sau 33 tháng, nhờ chiến thắng trước Jack Sock ở chung kết giải Stockholm Open.


Danh hiệu ở Stockholm Open

Và vĩ thanh của Delpo chính là Davis Cup 2016, giải đấu mà Argentina toàn phải chơi trên sân khách nhưng đã thẳng tiến đến ngôi vô địch. Trên con đường ấy, ở bán kết, Djokovic đã hạ gục Murray sau 5 set căng thẳng kéo dài đến 5 giờ 7 phút, qua đó chấm dứt mọi hy vọng bảo vệ ngôi vương của Vương quốc Anh.

Năm 2017, trong khi rất nhiều người chờ đợi Novak Djokovic sẽ phục hận Andy Murray như thế nào, hay Rafael Nadal và Roger Federer sẽ cháy lần cuối ra sao, đừng quên sự hồi sinh của Juan Martin del Potro.



Auckland – bệ phóng thành công của Delpo?

Juan Martin del Potro đang hướng đến một mùa giải thành công hơn nữa, sau màn hồi sinh ngoạn mục trong năm 2016 vừa qua. Và anh cũng đã xác định điểm khởi đầu cho hành trình chinh phục mùa giải mới: Giải ASB Classic diễn ra ở Auckland, New Zealand từ ngày 09 đến 14/01/2017.

Del Potro đã leo hơn 1000 bậc để lên hạng 38 thế giới, song thứ hạng ấy chưa thể giúp an được xếp hạng hạt giống ở Auckland. Theo danh sách đăng ký, tay vợt có thứ hạng cao nhất dự giải ATP 250 này là Bautista Agut (14). Tiếp sau anh lần lượt là John Isner (19), David Ferrer (21), Jack Sock (23), Ramos-Vinolas (27), Feliciano Lopez (28), Steve Johnson (33) và Marcos Baghdatis (38). Nhưng trong lần gần nhất tham dự, năm 2009, Del Potro vô địch sau khi hạ Sam Querrey ở chung kết. Cũng trong năm ấy, Del Potro đăng quang cực kỳ cảm xúc tại US Open. Cho đến nay, đó vẫn là Grand Slam duy nhất mà Delpo giành được trong sự nghiệp của mình.

Liệu kịch bản ấy có lặp lại ở mùa giải này?

Phương Chi

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm