'Tái thiết di sản công nghiệp' - học gì từ thế giới?

23/03/2023 08:23 GMT+7 | Văn hoá

Đánh giá đúng lớp giá trị ẩn sau những khu công nghiệp cũ, từ đó có kế hoạch tái thiết hợp lý để vừa lưu giữ giá trị lịch sử kiến trúc, vừa phát huy hiệu quả kinh tế - đó là thông điệp dễ nhận thấy tại triển lãm Tái thiết di sản công nghiệp.

Triển lãm đang diễn ra tại COMPLEX 01 (Tây Sơn, Hà Nội) đưa ra cái nhìn toàn cảnh về những mô hình thành công trong việc cải tạo khu công nghiệp cũ thành các khu sinh hoạt công cộng, vui chơi, giải trí ở một số quốc gia trên thế giới.

Những mô hình tiêu biểu

Với những mô hình tái thiết di sản công nghiệp tại Anh, Pháp, Hà Lan, Đức… được trưng bày, có thể nhận thấy: Giá trị còn lại từ những công xưởng hoen gỉ đã sớm được những nhà đầu tư, kiến trúc sư nhận thức và đưa ra giải pháp khai thác một cách đúng đắn. Không lựa chọn phương án phá đi xây mới, vừa tốn kém, lại vừa không bảo lưu được giá trị di sản, họ đã "hồi sinh" những khu công nghiệp cũ ấy với hình hài những khu phức hợp vui chơi giải trí, tạo không gian để cộng đồng thêm gắn kết, và mang lại cho các khu công nghiệp cũ một lớp giá trị mới.

 'Tái thiết di sản công nghiệp' - học gì từ thế giới? - Ảnh 1.

Không gian văn hóa tại Deptford (London, Anh) với những bức tường gạch được giữ nguyên của khu công nghiệp cũ

Một trong những dự án gây ấn tượng mạnh nhất tại triển lãm, có thể kể tới trường hợp khu công nghiệp Deptford (London, Anh) được kiến trúc sư đến từ các nhóm Ash Sakula Architects, Pollard Thomas Archicts và Farrer Huxley Asociaties tu sửa lại thành không gian văn hóa công cộng sầm uất, nhộn nhịp trong lòng thành phố London cổ kính với các cửa hàng mới và 132 căn hộ. Tại đó, những bức tường gạch vẫn được giữ nguyên, bởi đó được xem như hình ảnh gợi nhớ về một thời kì công nghiệp phát triển rực rỡ và đi đầu ở Anh Quốc.

Ý tưởng độc đáo ấy đã giúp dự án giành được giải Best Heritage Led Project (tạm dịch: Dự án Dẫn đầu về Di sản Xuất sắc nhất) của giải thưởng 2017 London Planning Awards (tạm dịch: Giải thưởng Quy hoạch London 2017) và giải thưởng The Placemaking Award (tạm dịch: Giải thưởng Tái thiết Không gian) tại Property Week Awards 2017 (tạm dịch: Giải thưởng tại Tuần lễ Bất động sản 2017).

 'Tái thiết di sản công nghiệp' - học gì từ thế giới? - Ảnh 2.

Không gian văn hóa tái thiết từ cảng Piushaven (Hà Lan)

Hoặc, tại Hà Lan, với vị trí thuận lợi là nằm dọc theo kênh, cảng Piushaven (tỉnh Tilbourg, Hà Lan) phục vụ những cơ sở kinh doanh từ đầu thế kỉ XX. Sau một thời gian bỏ hoang, khu cảng này được trưng dụng làm bảo tàng. Tiếp đó, từ  từ năm 2012, nơi đây được làm mới thành một khu đô thị đặc biệt với ba chức năng an cư, làm việc và giải trí. Có lợi thế liền kề không gian mặt nước, việc tổ chức các hoạt động thể thao nước cũng góp phần thu hút người dân đến với khu vực công nghiệp từng biệt lập trong quá khứ.

Rồi, từ đống đổ nát của nhà máy thuốc lá Seita ở Marseille, Pháp, khu phức hợp văn hóa La Friche la Belle de Mai "hồi sinh" trong một diện mạo mới, mỗi năm đón được hơn 450.000 du khách ghé thăm và thu về khoảng 2 triệu euro. Với không gian đa dạng các hoạt động trải nghiệm, bao gồm khu thể thao, nhà hàng, 5 địa điểm tổ chức hòa nhạc, vườn hoa, hiệu sách, nhà trẻ, khu triển lãm rộng 2.400 m2 và một trung tâm đào tạo, nơi đây vừa là địa điểm làm việc hàng ngày của 70 tổ chức, 400 nghệ sĩ và nhà sáng tạo nội dung, vừa là nơi tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, các hội thảo dành cho giới trẻ cho đến các lễ hội quy mô lớn.

 'Tái thiết di sản công nghiệp' - học gì từ thế giới? - Ảnh 3.

La Friche la Belle de Mai (Marseille, Pháp) tái thiết từ xưởng thuốc lá

Đặc biệt, khác với phần lớn mô hình được trưng bày tại triển lãm, The Utrecht Community (UCo) từ một kho chứa tàu cũ nát của đường sắt ở (Utrecht, Hà Lan) được "tái sinh" thành không gian làm việc hài hòa với yếu tố thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Phần cấu trúc nội thất được phát triển theo hướng tuần hoàn nhất có thể, từ việc sử dụng vật liệu tái chế cho tới hệ thống lọc ánh sáng tự nhiên vào không gian làm việc, nhằm giảm thiểu ánh sáng nhân tạo. Cùng với đó, nội thất văn phòng được bày trí rất nhiều cây xanh, để tạo cho nhân viên cảm giác thư thái nhất khi làm việc.

 'Tái thiết di sản công nghiệp' - học gì từ thế giới? - Ảnh 4.

The Utrecht Community (UCo) tại Utrecht, Hà Lan, tái thiết từ xưởng tàu

Tương lai nào cho di sản công nghiệp tại Việt Nam?

Điểm nổi bật ở các dự án tái thiết di sản công nghiệp tại triển lãm là việc tận dụng không gian, cảnh quan, kiến trúc và cả lịch sử tồn tại của các di sản này để chuyển nổi công năng, đưa chúng trở thành những điểm đến văn hóa, phục vụ công nghiệp sáng tạo hoặc dành cho cộng đồng. Và thực chất, tại Việt Nam, vấn đề này cũng đã được nhắc tới trong thời gian gần đây, đặc biệt là khi nhu cầu hình thành các không gian sáng tạo tại đô thị được đặt lên cao.

Thẳng thắn, đã từng có giai đoạn, phần lớn quỹ đất từ các xí nghiệp, nhà máy di dời khỏi nội đô được sử dụng vào mục đích ở, với sự xuất hiện của các chung cư cao tầng. Sau một thời gian, cách tiếp cận này bị dư luận phản ứng khá mạnh vì gây quá tải cho hệ thống hạ tầng và giao thông cũ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hệ thống "di sản công nghiệp" gắn với các nhà máy, xí nghiệp hay cơ sở sản xuất cũ tại đô thị vẫn phần nào chưa được nhận diện như một nguồn tài nguyên có giá trị lịch sử, văn hóa, có thể khai thác cho mục đích kinh tế của địa phương.

 'Tái thiết di sản công nghiệp' - học gì từ thế giới? - Ảnh 5.

Bạn trẻ thủ đô tới tham quan triển lãm

Như nhận xét của KTS Đoàn Kỳ Thanh, một trong những người tiên phong khởi xướng các dự án xây dựng không gian văn hóa, sáng tạo cho giới trẻ , một thành phố toàn những công trình xây mới, chắc chắn không có sức hút bằng thành phố có mạng lưới di sản dày đặc.

"Về cơ bản, bất kì công xưởng bỏ hoang nào, với diện tích lớn hay nhỏ, cũng đều có khả năng cải tạo lại thành trung tâm văn hóa, tạo cho thành phố những không gian sinh hoạt chung" - ông Thanh nhận xét - "Nhưng trên thực tế, ở nước ta, các thành phố lớn chưa biết sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên di sản công nghiệp quý giá và vô tình để chúng bị chôn vùi cùng với nhịp đô thị hóa".

Đáng nói, theo KTS này, việc phá dỡ xí nghiệp cũ để xây mới các khu đô thị, chung cư có thể thu hồi vốn nhanh, tạo ra nguồn thu lớn trước mắt nên dễ thu hút nhà đầu tư. Nhưng về lâu dài, việc xây dựng những trung tâm văn hóa từ những công xưởng cũ không chỉ cung cấp dịch vụ tiện ích cho cư dân tại chỗ mà còn thu hút đông người đến tham quan, sử dụng dịch vụ và trở thành tiền đề thúc tăng giá trị bất động sản cho toàn vùng. 

Bên cạnh đó, những trung tâm văn hóa, giải trí này thường là "tụ điểm" của nhiều hoạt động sáng tạo, đổi mới, và hoàn toàn có khả năng phát triển trở thành những khu du lịch, nghĩa là mang tới nguồn lợi kinh tế một cách lâu dài và bền vững.

Bởi thế, theo KTS Đoàn Kỳ Thanh trước khi quyết định phá dỡ hoàn toàn công trình cũ, xây dựng công trình mới, nhất là xây dựng khu chung cư, thì nhà đầu tư nên gặp chuyên gia để nhờ tư vấn và cùng trao đổi tìm giải pháp cân bằng. Bên cạnh đó, những người hoạch định chính sách, quản lí đô thị cũng cần cân nhắc về các giải pháp khuyến khích, định hướng để tận dụng phần giá trị dành cho cộng đồng của những không gian nằm tại vùng lõi đô thị này.

Triển lãm Tái thiết di sản công nghiệp do Viện Pháp phối hợp cùng Viện Goethe tổ chức, diễn ra từ ngày 3/3 đến 26/3 tại COMPLEX 01 (số 29, ngách 167/31 Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội.

Nguyễn Phúc Nam Dương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm