Thể thao Việt Nam: Lượng tăng nhưng chất chưa tăng

12/12/2019 06:28 GMT+7 | SEA Games 2019

(Thethaovanhoa.vn) - Đoàn TTVN kết thúc phần thi đấu tại SEA Games 30 với nhiều cột mốc lịch sử. Lần đầu tiên, chúng ta giành trọn 2 HCV môn bóng đá. Lần đầu tiên đứng thứ 2 trên bảng tổng sắp chung cuộc với số lượng HCV nhiều nhất trong các lần tham dự Đại hội. Dù vậy, ngoại trừ thành tích ấn tượng của bóng đá, tại các môn thi khác, nhất là các môn cơ bản xuất hiện rất ít thành tích có thể cạnh tranh huy chương ở châu lục hay thế giới nếu nhìn từ các cuộc thi đấu ở SEA Games 30.

SEA Games 2019: Điền kinh Việt Nam giữ vững vị trí số 1 Đông Nam Á

SEA Games 2019: Điền kinh Việt Nam giữ vững vị trí số 1 Đông Nam Á

Điền kinh Việt Nam một lần nữa cho thấy không có đối thủ ở tầm khu vực khi tiếp tục thống trị vị trí số 1 tại SEA Games 2019 với thành tích 16 huy chương vàng.

Nhiều huy chương, ít điểm sáng

Đoàn TTVN giành tổng số 98 HCV, 85 HCB, 105 HCĐ ở SEA Games 30, lần đầu tiên qua mặt Thái Lan để đứng ở vị trí thứ 2 trên bảng tổng sắp huy chương chung cuộc tại một kỳ đại hội thể thao khu vực tổ chức ở nước ngoài. Đây là thành tích mang tính bước ngoặt và tạo nên cột mốc mới trong lịch sử các lần thi đấu tại SEA Games của đoàn TTVN, thậm chí, việc xếp trên Thái Lan là bất ngờ nằm ngoài mọi tính toán của giới chuyên môn. Trong các cuộc thi đấu thi đấu tại SEA Games, các tuyển thủ cũng mang lại nhiều cảm xúc cho người hâm mộ, đặc biệt ở các môn thi đấu có tính đối kháng cao như bóng đá, điền kinh, bơi, cử tạ và để lại nhiều dấu ấn đặc biệt.

Dưới góc độ chuyên môn, đoàn TTVN giành được số lượng HCV được coi là kỷ lục ở một kỳ SEA Games không diễn ra trên sân nhà song lại nghèo nàn về số lần phá kỷ lục. Sau cả ngàn cuộc thi đấu ở 43 môn và phân môn với sự vào cuộc của gần 600 VĐV, chỉ có 4 kỷ lục mới được thiết lập bởi các tuyển thủ của đoàn TTVN. Cụ thể, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng phá kỷ lục nội dung 400m tự do nam (kỷ lục cũ 3:50.56- kỷ lục mới 3:49.03), 1.500m tự do nam (15:20.10 - 14:58.14), kình ngư Trần Hưng Nguyên phá kỷ lục nội dung 400m hỗn hợp nam (04:20.65 - 04:22.12), Nguyễn Thị Oanh phá kỷ lục nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật môn điền kinh (10:00.02 - 10:00.58) và lực sỹ Lại Gia Thành xác lập kỷ lục ở hạng 55kg môn cử tạ với thành tích tổng cử 264kg.

Phân tích kỹ hơn về thành tích, trong số 98 HCV giành được, có 59 HCV đến từ 16 môn trong hệ thống Olympic, 23 HCV đến từ 4 môn ASIAD và 16 HCV đến từ môn SEA Games. Như vậy, số lượng HCV các môn Olympic chiếm khoảng 60% và tỷ trọng này không cao hơn so với các kỳ SEA Games gần đây. Nhìn từ các tấm HCV SEA Games 30, đoàn TTVN cũng rất hiếm thành tích tiệm cận thành tích châu lục ở các môn có thể đo đếm được như điền kinh, bơi, cử tạ, bắn súng, bắn cung.

Điểm sáng duy nhất chính là chuẩn A mà kình ngư Nguyễn Huy Hoàng giành được ở nội dung 1.500m nam. Nói một cách khác, dù đoàn TTVN giành được nhiều HCV hơn song không có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc hứa hẹn giành huy chương ở đấu trường ngoài châu lục.

Chú thích ảnh
Dù đạt được nhiều huy chương, nhưng chất lượng các môn thể thao cơ bản của Việt Nam còn chưa cao, trong đó có cả Ánh Viên - VĐV xuất sắc nhất SEA Games 30. Ảnh: Hoàng Linh

Những sai số cần được điều chỉnh

Đoàn TTVN trở về và chắc chắn chìm ngập trong niềm vui khôn tả của hàng triệu người hâm mộ nước nhà với chiến công lịch sử của đội tuyển U22 Việt Nam, đội tuyển bóng đá nữ. Nhưng cũng cần nhớ rằng, thành công hay thất bại cũng đã đều ở sau lưng và bóng đá là câu chuyện của bóng đá. Giờ là lúc nhìn nhận và đánh giá một cách nghiêm túc và thẳng thắn từ kết quả của toàn bộ các cuộc thi đấu để có chuẩn bị tốt hơn, chu đáo hơn cho tương lai.

Trên thực tế, việc giành 98 HCV được coi là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi chỉ tiêu mà đoàn TTVN nhận trước giờ lên đường chỉ là 65 HCV. Thậm chí, đoàn TTVN hoàn toàn có thể giành tới trên 100 HCV nếu đội cờ vua và bắn súng thi đấu tốt hơn. Dẫu vậy, điều khiến không ít người thực sự băn khoăn, đó là chất lượng công tác dự báo chuyên môn của đoàn TTVN khi xác định con số 65 HCV, sau đó vượt tới 150% về số lượng và đây là một sai số rất đáng lo ngại. Câu chuyện, “đăng ký an toàn” không phải là hiếm trước các kỳ SEA Games nhiều năm qua và nếu đoàn TTVN giành đúng 65 HCV như mức đăng ký chỉ tiêu thì không thể có mặt trong Top 3.

Việc nhiều đội tuyển không hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn như bắn súng, cờ Vua hay rowing cũng cần được đánh giá nghiêm túc bởi lực lượng gồm toàn bộ các tuyển thủ xuất sắc nhất song lại không giành được tấm HCV nào và theo lời Trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn, đây là điều đáng buồn.

Bên cạnh đó, câu chuyện của Ánh Viên cũng mang tới nhiều trăn trở. Ánh Viên vẫn là VĐV giành HCV nhất của đoàn TTVN tại SEA Games 30 và xứng đáng được tôn vinh, khen ngợi song các nhà chuyên môn cần có tính toán cụ thể để giúp Ánh Viên phát huy tối đa khả năng, tiếp tục cống hiến cho thể thao nước nhà. Ánh Viên sẽ được đầu tư để mài giũa mũi nhọn hướng tới ASIAD, Olympic hay vẫn cứ phải gồng gánh chỉ tiêu HCV ở SEA Games để đến mức giành tới 6 HCV và đứng trên bục nhận HCV mà mặt vẫn cứ buồn rười rượi? Và cũng hãy nhớ rằng, năm nay Ánh Viên đã 22 tuổi, không còn quá nhiều thời gian cho các cuộc thi đấu đỉnh cao phía trước.

Một kỳ SEA Games vừa khép lại và dù nó kết thúc như thế nào đi nữa, quan trọng nhất vẫn là những bài học và bước đà mà nó mang lại để TTVN vững bước tấn công vào vũ đài châu lục hay thế giới. Đó mới là điều ý nghĩa nhất và cần thiết nhất với TTVN trong một hành trình với nhiều đòi hỏi cao hơn đối với sự phát triển, chứ không chỉ đơn thuần là niềm vui trước mắt.

Vũ Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm