Thư SEA Games: Niềm tự hào Việt trong cơn sốt nhập tịch

05/06/2015 10:35 GMT+7 | Thư

(Thethaovanhoa.vn) - Môn judo tại SEA Games 28 sẽ bắt đầu từ ngày mai (6/6), nhưng trong cuộc họp kỹ thuật giữa các nước dự giải diễn ra vào ngày 3/6 vừa qua, người ta đã biết được rằng ở môn judo tại Đại hội năm nay sẽ có tới 5 VĐV tới từ Nhật Bản của Philippines và Thái Lan.

Tại SEA Games 2013, Philippines đã trình làng 2 VĐV judo gốc Nhật Bản là Yahata Kenji (dưới 100kg nam) và Watanabe Kiyomi (dưới 70kg nữ), trong đó Watanabe lúc ấy tuy mới 15 tuổi nhưng đã đánh bại đối thủ dày dạn kinh nghiệm hơn mình rất nhiều là Phương Trang (sinh năm 1985) để giành HCV.

Như được truyền cảm hứng bởi chiến thắng của Watanabe cách đây 2 năm, năm nay số lượng VĐV judo ở SEA Games 28 được tăng từ 2 VĐV lên thành 5 VĐV, và điều đáng nói là cả 5 VĐV này đều giữ nguyên tên gốc Nhật Bản chứ không phải VĐV ngoại kiều.

Chuyện các nước Đông Nam Á đua nhau nhập tịch VĐV để thi đấu ở SEA Games đã không còn lạ, và trào lưu này không chỉ diễn ra với các quốc gia có nền kinh tế phát triển trong khu vực như Singapore hay Thái Lan, mà cả những nước không được coi là có điều kiện như Philippines hay Myanmar cũng sử dụng VĐV nhập tịch.

Năm 2009, tại SEA Games 25 diễn ra ở Lào, Myanmar đã tung ra trận một VĐV nhập tịch cử tạ gốc Trung Quốc và VĐV này đã giành được HCB sau khi thất bại trước VĐV của Thái Lan.

Watanabe, VĐV Judo gốc Nhật của Philippines

Mạnh mẽ và triệt để nhất trong lĩnh vực sử dụng VĐV nhập tịch để thi đấu ở SEA Games phải kể tới Singapore. Cách đây hơn 10 năm, khi bóng rổ Singapore còn là chú lùn ở khu vực, đội tuyển bóng rổ nước này thường xuyên bại trận trước đội tuyển bóng rổ Việt Nam, và đương nhiên không thể đọ được những cường quốc bóng rổ Đông Nam Á như Philippines hay Thái Lan.

Thế rồi khi đội tuyển bóng rổ Việt Nam chạm trán với đội tuyển bóng rổ Singapore tại SEA Games, thầy trò đội tuyển bóng rổ Việt Nam đã có một dịp choáng váng khi thấy đội tuyển bóng rổ Singapore đã được thay máu hoàn toàn bằng một đội bóng rổ trẻ của một tỉnh đến từ một… quốc gia khác ở châu Á.

Sở dĩ các VĐV bóng rổ Việt Nam ngay lập tức nhận ra gốc gác của đối phương là bởi đội tuyển bóng rổ Việt Nam đã có thời gian tập huấn tại quốc gia kể trên và đã nhẵn mặt với các VĐV bóng rổ này. Tuy nhiên, vì chỉ “mua” được VĐV trẻ nên đội tuyển bóng rổ Singapore ở SEA Games ấy cũng chẳng làm nên chuyện lớn.

Bản thân các nhà quản lý thể thao Việt Nam khi đưa VĐV đi tập huấn ở nước ngoài cũng nhận được không ít lời đề nghị nhập tịch VĐV nước ngoài để nâng cao thành tích nhưng đương nhiên không một ai gật đầu với những đề nghị kiểu như thế.

Được mời nhập tịch VĐV nước ngoài và từ chối, song thể thao Việt Nam cũng có trường hợp VĐV của chúng ta được nước ngoài mời nhập quốc tịch với những điều kiện rất hấp dẫn.

Cách đây 8 năm, khi còn ở đỉnh cao phong độ với 4 chiếc HCV cự ly 100m và 200m ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp (2005 và 2007), Vũ Thị Hương đã nhận được lời đề nghị nhập tịch của một quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất nhì Đông Nam Á, nhưng cô đã từ chối thẳng thừng.

Trong cơn bão nhập tịch mua bán VĐV ngày càng hỗn loạn ở khu vực, đặc biệt là tại các kỳ SEA Games, có vẻ như thể thao Việt Nam vẫn là điểm sáng hiếm hoi và nổi bật với chính sách nói không với VĐV nhập tịch dưới mọi hình thức.

Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm