Thư SEA Games: Châu Âu trong lòng Đông Nam Á

16/06/2015 09:15 GMT+7 | Thư

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay SEA Games 28 sẽ chính thức khép lại bằng Lễ bế mạc bắt đầu lúc 18h00 trên SVĐ QG Singapore. Trong 10 năm gần đây, tính từ SEA Games 23 năm 2005 thì có thể nói rằng SEA Games 28 là kỳ Đại hội mà công tác tổ chức được thực hiện ở mức độ tốt nhất, đầy đủ nhất, và bản thân lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam cũng như lãnh đạo một số bộ môn đều thừa nhận điều này.

Thậm chí hệ thống trang thiết bị của nước chủ nhà có chất lượng tốt tới mức ĐT rowing Việt Nam đã quyết định không mang thuyền thi đấu tới Singapore mà sử dụng thuyền do nước chủ nhà cho mượn, rồi giành được tới 8 HCV, gấp đôi chỉ tiêu.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là mọi thứ ở SEA Games 28 đều là hoàn hảo, bởi tương tự các kỳ SEA Games trước đó, ở Đại hội năm nay, người ta cũng lại chứng kiến những vấn đề liên quan đến công tác trọng tài, và sự thăng tiến mạnh mẽ đột biến của nước chủ nhà trên bảng tổng sắp huy chương.

Rất nhiều VĐV Singapore đã giành HCV ở các môn thi đấu mà đôi khi cảm tính của trọng tài là yếu tố quyết định, như nội dung biểu diễn của các môn võ hay thậm chí là cả một số nội dung đối kháng. Singapore đã không có mặt trong top 5 các quốc gia mạnh nhất của môn wushu tại 2 kỳ SEA Games gần đây nhất, nhưng ở Đại hội năm nay, Singapore đã giành vị trí số một toàn đoàn với 6 HCV.

Hay như câu chuyện xảy ra tại môn taekwondo cũng rất đáng chú ý, bởi không hiểu có phải là sự ngẫu nhiên hay không mà năm nay Singapore lại giành được HCV nội dung quyền biểu diễn của nữ ở môn thể thao Olympic này, điều mà họ đã không thể làm được trong 16 năm trước đó.

Và nếu nhớ lại những gì đã xảy ra ở môn quyền biểu diễn ở môn taekwondo tại SEA Games 27 ở Myanmar thì càng thấy một sự trùng hợp đến lạ kỳ. Số là ở SEA Games 2013, Myanmar đã lần đầu tiên giành được 2 HCV biểu diễn quyền taekwondo ở nội dung đơn nam và đơn nữ, song đến kỳ SEA Games này họ thậm chí không giành được bất cứ HCĐ nào ở cả 5 nội dung biểu diễn quyền được tổ chức.

Dông dài như thế để thấy dù là một nước phát triển hàng đầu Đông Nam Á như Singapore hay một quốc gia còn đang trong giai đoạn phát triển như Myanmar thì lợi thế chủ nhà SEA Games về cơ bản là đều như nhau, và sự khác biệt ở các Đại hội chỉ là năng lực tổ chức của nước chủ nhà, mà điều này phụ thuộc rất lớn vào điều kiện kinh tế xã hội của từng nước.

Nhưng, rõ ràng là SEA Games này văn minh hơn tất thảy các kỳ đại hội trước đây. Cả thế giới từ nhiều năm qua đã gọi Singapore là châu Âu trong lòng Đông Nam Á hẳn cũng có lý của nó.

Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm