Sát thủ, liều chết, cảm tử

26/10/2022 07:05 GMT+7

“Sát thủ, liều chết, cảm tử” là 3 từ đang được báo chí truyền thông nói nhiều trong thời gian gần đây, khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang diễn ra khốc liệt. Cũng bởi sự xuất hiện của một loại vũ khí chiến trường có tên là UAV.

Nga chế tạo hệ thống robot phòng không tầm ngắn có thể tiêu diệt UAV

Nga chế tạo hệ thống robot phòng không tầm ngắn có thể tiêu diệt UAV

Công tác thử nghiệm thiết kế mã hiệu Arbalet sẽ tập trung nghiên cứu chế tạo một hệ thống robot phòng không tầm ngắn mở rộng khả năng phát hiện và tiêu diệt các phương tiên không kích tiên tiến, trong đó có UAV

UAV (Unmanned Aerial Vehicle - máy bay không người lái) hay còn gọi là drone (drone flycam - máy bay điều khiển từ xa) - một công cụ công nghệ thông minh để hỗ trợ cho con người trong các lĩnh vực của đời sống. UAV có thể có nhiều chủng loại, hình dạng, kích thước khác nhau tùy vào mục đích sử dụng. Sự phát hiện của khoa học công nghệ làm cho UAV được ứng dụng vô cùng rộng rãi và đa dạng bởi các tính năng ưu việt và hiệu suất rất cao mà nó mang lại.

Các lĩnh vực ứng dụng phổ biến của UAV như trong xây dựng, nông nghiệp, quay phim nghệ thuật, tìm kiếm cứu nạn… UAV được sử dụng trong lĩnh vực xây dựng với các mục đích chủ yếu: khảo sát trắc địa số, bay quét địa hình, xây dựng bản đồ, tạo dựng mô hình 3D cho khu vực. Ngoài ra UAV còn được sử dụng để giám sát tiến độ thi công của các công trình (nhất là ở các địa hình khó tiếp cận).

Chú thích ảnh
Khói lửa bốc lên từ một vụ nổ ở thủ đô Kiev, Ukraine. Ảnh: Ukrainian President’s Office/TTXVN

UAV đặc biệt lợi hại trong tác chiến quân sự hiện đại. Là một thiết bị bay không cần người lái, nhóm phi công có thể ngồi trong phòng hoặc đứng ở một điểm nào đó để điều khiển, theo dõi mọi hoạt động qua camera hiển thị (chi tiết và chính xác mọi mục tiêu: Người, khí tài, kho tàng, công sự…) mà UAV bay qua. Hơn nữa, trên UAV quân sự còn được gắn các khối thuốc nổ (theo chủng loại, thường có sức công phá mạnh) nên người ta tận dụng tính năngnày để thực hiện các cuộc đánh bom vào các mục tiêu đối phương (mà không chịu tổn thất về người).

UAV còn được gọi là kamikaze drone. Kamikaze hay Thần phong là một từ tiếng Nhật (神風; kami = thần, kaze = phong, tên một cơn bão lớn ở Nhật), được những tiếng khác vay mượn để chỉ các cuộc tấn công liều chết (cảm tử). Trong Thế chiến II, các phi công chiến đấu Nhật Bản có nhiệm vụ phá hoại tàu chiến của các nước Đồng minh. Phi công kamikaze sẽ lái máy bay (thường chở đầy thuốc nổ) để đâm thẳng vào tàu địch.

Máy bay kamikaze có vai trò một “hỏa tiễn có người lái”. Đó là một nỗ lực liều mạng nhằm tăng tối đa độ chính xác và tổn thất cho đối phương so với việc ném bom đạn thông thường. Mục tiêu của các phi công này là đánh phá càng nhiều càng tốt khối tàu bè của phe Đồng minh. Đội bay kamikaze của Nhật khi vào buồng lái sẽ bị khóa chặt cửa ngoài. Phi công đánh bom tiêu diệt được mục tiêu dĩ nhiên là tốt. Nhưng không được, bay đi đâu thì bay chứ không còn đường trở về (kamikaze còn được hiểu là “đi không trở lại”).

Trong tiếng Anh, kamikaze drone được gọi là “suicide drone”. Suicide có nghĩa là“tự sát, tự tử, tự vẫn” (tự giết mình). Nhưng sang tiếng Việt, từ này còn được dịch là “tự sát” “liều chết” hay “cảm tử”?

Các từ này đồng nghĩa nhưng khác nhau về sắc thái biểu cảm. “Tự sát” đơn thuần là “tự giết mình một cách cố ý [thường bằng khí giới]”. “Liều chết” là “liều mình để nhận về cái chết”. Còn “cảm tử (cảm: dám, không sợ; tử: chết)” là “sẵn sàng nhận lấy cái chết, tình nguyện hy sinh mà chiến đấu vì nghĩa lớn”. Như vậy, tự sát mang nghĩa trung tính. Liều chết, cảm tử có hàm ý đánh giá. Liều chết không được coi trọng bằng cảm tử. Ta thấy những kẻ côn đồ, những kẻ ngoài vòng pháp luật hay các tay súng cực đoan cố tình đánh bom giết người khác (và tự giết mình) thì hành động này thường được gọi là “liều chết”. Còn những người dám hy sinh vì việc nghĩa, vì lý tưởng cao đẹp thì được gọi là những người “cảm tử”. Cảm tử là dùng với sắc thái tôn vinh (Cảm tử cho tổ quốc).

Quay lại trường hợp các UAV “suicide drone” chỉ nên dịch là “máy bay không người lái tự sát” là đúng với bản chất hành động của một thiết bị “vô tri vô giác” được điều khiển từ xa. Không nên dùng kèm theo định ngữ “liều chết” hay “cảm tử” vì cả 2 trường hợp, chỉ dùng cho hành động của con người (với sự đánh giá khác nhau).

Chỉ là vật bay trên trời

Sao gọi “cảm tử” như người nghĩa nhân?

PGS - TS Phạm Văn Tình

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm