Sẵn sàng ứng phó với với bão số 11

14/10/2017 20:32 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Bắt đầu từ chiều 14/10, bão có xu hướng dịch chuyển theo hướng Tây Bắc. Hiện cường độ bão đã ở cấp 10, giật cấp 14. Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo, phải chuẩn bị tinh thần ứng phó với bão số 11 cao nhất.

Hỗ trợ người dân trong vùng bị lũ lụt

Trận lũ lịch sử vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện nay, các địa phương đang tiến hành rà soát thống kê thiệt hại, khẩn trương khắc phục các sự cố, ổn định đời sống nhân dân tại các khu vực bị ảnh hưởng thiệt hại do mưa lũ.

Tiếp tục rà soát, chủ động triển khai quyết liệt việc di dời dân đến nơi đảm bảo an toàn tại các vùng thấp trũng ở bãi sông, ven biển, hạ du các hồ chứa; các trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. 

Chú thích ảnh
Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

 Theo báo cáo nhanh của các địa phương,  tính đến ngày 14/10 đã có 60 người chết (Sơn La 6, Yên Bái 7 người, Hòa Bình 20, Thanh Hóa 15 người, Nghệ An 9, Hà Nội 2, Quảng Trị 1); 37 người mất tích (Sơn La 2, Yên Bái 17, Hòa Bình 13, Thanh Hóa 5 ); 31 người bị thương (Sơn La 4, Yên Bái 7, Thái Bình 6, Hòa Bình 8, Thanh Hóa 5, Hà Tĩnh 1); 214 nhà bị sập; 39.977 nhà bị ngập; 1.967 nhà phải di dời khẩn cấp. 

Sáng 14/10, lực lượng cứu hộ đã tìm được 11 thi thể nạn nhân bị vùi lấp tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, còn 7 người mất tích, hiện vẫn đang tiếp tục tìm kiếm. 

Tại Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hoá, nhiều vị trí vẫn chưa thông tuyến, hiện các địa phương vẫn tiếp tục tập trung lực lượng, phương tiện khắc phục giao thông. 

Tính đến nay, tỉnh Hòa Bình còn 19 xã vẫn đang bị cô lập do giao thông chưa khắc phục được (Đồng Nghê, Suối Nánh, Mường Tuổng, Đồng Chum, Mường Chiềng, Giáp Đắt, Tân Pheo, Tiền Phong, Vầy Nưa, Đoàn Kết, Trung Thành, Yên Hòa, Đồng Ruộng (huyện Đà Bắc); Yên Bồng, Khoan Dụ, Lạc Long, Cố Nghĩa, Hưng Thi, An Bình (huyện Lạc Thủy). Tỉnh Thanh Hóa còn 35 xã/7 huyện vẫn đang bị ngập. Tỉnh Ninh Bình còn 8 xã tại Nho Quan và Gia Viễn bị ngập. 

Theo Tổng cục Thủy lợi, tính đến sáng 14/10, diện tích ngập úng còn 158.000ha (giảm 17.021ha), trong đó Hòa Bình: 10.000ha, Phú Thọ: 1.809ha; Bắc Ninh: 190ha, Hưng Yên: 850ha, Hải Dương: 460ha, Nam Định: 43.942ha, Hà Nam: 9.356ha, Thái Bình: 40.000ha, Ninh Bình: 14.000ha, Thanh Hóa: 27.405ha, Nghệ An: 10.423ha. 

Dự kiến, tình hình ngập úng sẽ còn tiếp diễn trong 5-7 ngày tới và có nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại.

Liên quan đến thiệt hại trong mưa lũ vừa qua, Bộ trưởng chia sẻ với sự mất mát của cơ quan TTXVN khi Nhà báo Đinh Hữu Dư, Cơ quan thường trú TTXVN tại tỉnh Yên Bái bị nước cuốn trôi khi đang tác nghiệp về mưa lũ trên cầu ngòi Thia, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái vào trưa ngày 11/10.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị thường trực Ban Chỉ đạo quan tâm, chia sẻ, động viên gia đình Nhà báo Đinh Hữu Dư với sự mất mát đau thương này.

Chủ động ứng phó với bão số 11

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương theo dõi chặt chẽ bão số 11, thường xuyên cung cấp những bản tin cảnh báo, dự báo (3 tiếng/bản tin) phục vụ công tác chỉ đạo, thông tin, ứng phó cho Ban Chỉ đạo, các cơ quan liên quan và địa phương. 

Các Bộ, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được phân công chỉ đạo triển khai thực hiện, phối hợp, giúp đỡ, hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó với bão. 

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến bão số 11, mưa lũ, công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh. 

Trực ban nghiêm túc, theo dõi nắm bắt diễn biến thiên tai, thông tin kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và tham mưu xử lý các tình huống có thể xảy ra. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 1560 ngày 12/10 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, Công điện 82 ngày 13/10 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 11.

Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu trưởng các thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đầu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo.

"Tăng cường tuần tra canh gác, kiểm tra, phát hiện và khẩn trương xử lý kịp thời các sự cố hư hỏng về đê điều, hồ đập, giao thông, nhất là các trọng điểm xung yếu, đối với những địa phương đã chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua để chuẩn bị ứng phó với bão số 11 và các đợt mưa lũ tiếp theo. 

Đại tá Trần Dương Kiên, Trưởng phòng cứu hộ cứu nạn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Biên phòng cho biết, tính đến 13 giờ ngày 14/10, Biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 74.438 tầu, thuyền/298.232 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động phòng tránh hoặc di chuyển vòng tránh thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, cụ thể: hoạt động ở khu vực từ 14-21 độ Vĩ Bắc, 112 độ Kinh Đông  (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) có 68 tàu/ 520 lao động; hoạt động ở các vùng biển khác và neo đậu tại các bến có 74.370 tàu/298.232 người. 

Rà soát 29 hồ thuỷ điện xung yếu

Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiểm tra lại các công trình hồ đập thuỷ điện trong đó lưu ý việc rà soát 29 hồ thuỷ điện xung yếu thuộc khu vực Bắc Bộ và miền Trung.

Đối với hồ thủy lợi, đề nghị Tổng cục Thủy lợi cử cán bộ xuống phối hợp với địa phương kiểm tra, rà soát xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống người dân". Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Các địa phương khẩn trương huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân tập trung thu hoạch các diện tích lúa, hoa màu, thủy sản đã đến kỳ thu hoạch theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”; tiêu úng cho các diện tích lúa và hoa màu đang bị ngập.

Chú thích ảnh
Trưởng Ban dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường báo cáo về diễn biến của cơn bão số 11. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

 

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương, hiện nay, hồ Hòa Bình đã đóng tất các các của xả đáy, hồ Tuyên Quang mở 1 của xả đáy, hồ Thác Bà mở 2 cửa xả mặt.

Trong số 165 hồ cập nhật thông tin, có 47 hồ xả qua tràn, lưu lượng về hồ thủy điện các khu vực: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Duyên Hải miền Trung giảm, các hồ vận hành bình thường.

Theo báo cáo ngày 14/10/2017 của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hồ chứa thủy lợi hầu hết các hồ chứa đã tích đầy nước, trong đó khu vực Bắc Bộ có 138 hồ chứa xung yếu (64 hồ lớn, 74 hồ nhỏ); khu vực Bắc Trung Bộ có 83 hồ chứa xung yếu (15 hồ lớn, 68 hồ nhỏ). Các tỉnh có nhiều hồ xung yếu như: Thanh Hóa 20 hồ, Nghệ An 19 hồ, Hà Tĩnh 16 hồ,...

Hiện nay, các hồ chứa bị sự cố tại Thanh Hóa (hồ Ông Già, đập Cồ Bương, hồ Đập Cầu) đã được địa phương khắc phục, đảm bảo an toàn; đập hồ Cháu Mè, hồ Rộc Cốc (Hòa Bình) và đập Trại Gà (Nghệ An) đã mở rộng tràn để hạ thấp mực nước.

Vụ Quản đê điều, Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến sáng 14/10, lũ trên các tuyến đê sông Hồng, sông Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Mã vẫn còn ở mức cao, nguy cơ tiếp tục xảy ra các sự cố.

Ngoài 197 trọng điểm đê điều tại 19 tỉnh có đê, trong đợt mưa lũ vừa qua đã xảy ra 143 sự cố đê điều (đê từ cấp III trở lên: 50 sự cố, đê dưới cấp III: 93 sự cố).

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm