"Săn" nhà tuyển dụng, Gen Z phát hiện bí mật việc tốt lương cao thường không đăng tuyển công khai

20/03/2023 08:34 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Nhận được nhiều lời mời phỏng vấn nhờ lên mạng "rao bán" mình liên tục

Khi bắt đầu có nhu cầu tìm kiếm việc làm, Hoàng Việt (21 tuổi) đã bắt tay vào việc rải CV trên khắp các nền tảng tuyển dụng, và kênh story Facebook cũng không phải là ngoại lệ.

Các story thường ngày Việt chỉ nhận được khoảng 300 - 400 lượt xem, nhưng với việc đăng tải CV ứng tuyển, lần này tin của Việt có tới 2.000 lượt xem với rất nhiều tương tác. Sau đó, cậu bạn không ngần ngại "khoe hết" hàng loạt thư mời phỏng vấn, ảnh check-in văn phòng của nhà tuyển dụng, ảnh phỏng vấn online, ảnh nhận tin "pass" từng vòng phỏng vấn,...

Nhất cử nhất động của Việt trong quá trình tìm việc đều được chính chủ tường thuật trực tiếp cho cả thế giới biết. Khi được hỏi về lý do tại sao Việt làm vậy, cậu bạn trả lời: 

"Mình thể hiện những điều này không chỉ cho một lần ứng tuyển, mà còn để quảng bá bản thân với cả những nhà tuyển dụng tiềm năng trong tương lai nữa. Nếu biết những nhà tuyển dụng khác đang công nhận giá trị của mình như thế nào, họ cũng sẽ có cái nhìn thiện cảm với mình".

Gen Z không từ mọi

Hoàng Việt

Việt chia sẻ tất cả những khoảnh khắc liên quan đến tiến trình tìm việc của mình

Nhờ việc đăng tải CV cũng như tích cực chia sẻ quá trình ứng tuyển của mình, Việt nhận được rất nhiều lời mời phỏng vấn. Cuối cùng, bạn đã nhận lời về làm trainee cho một thương hiệu khách sạn 5 sao nổi tiếng. 

Tại đây, Việt được tiếp xúc với môi trường làm việc quốc tế chuyên nghiệp, trải nghiệm những buổi "training-on-job" khí thế hừng hực khi được thực chiến dẫn tour ngay vào buổi đào tạo thứ hai. Tất cả những cơ hội này Việt đều tưởng chỉ có trong mơ, nay đã thành sự thật.

Cầm CV đi "săn" nhà tuyển dụng thì phát hiện công việc có offer ngon thường chỉ chia sẻ nội bộ

Đầu tháng 2, Thanh Huyền (21 tuổi, Hà Nội) đã bắt đầu theo dõi tất cả thông tin tuyển dụng ở các trang web, fanpage để tìm kiếm bến đỗ phù hợp. "Mình rải hàng chục chiếc CV nhưng chờ đợi 1 tuần, 2 tuần vẫn không có một hồi âm. Thời gian này mình rất stress, phần vì hoài nghi về năng lực của bản thân, phần vì hối hận không biết mình có lựa chọn đúng thời điểm ứng tuyển hay chưa", Huyền nhớ lại.

Sau 2 tuần chờ đợi một cách thụ động, Huyền quyết định thay đổi tư duy ứng tuyển: Bắt đầu chủ động hơn. Huyền quyết định xách CV lên và đi săn nhà tuyển dụng. Vậy săn ở đâu?

"Mình chủ động kết bạn với nhiều anh chị Senior cùng ngành trên các nền tảng mạng xã hội, như Facebook hay Linkedin, sau đó trình bày nếu công ty anh chị có nhu cầu tìm người thì có thể giới thiệu mình. Mới đầu mình nghĩ rằng như vậy sẽ làm phiền và gây ra tác dụng phụ, nhưng kết quả nhận lại khiến mình khá bất ngờ: Mình mở rộng mối quan hệ hơn hẳn! Việc trò chuyện với những anh chị có trình độ giúp mình học hỏi được nhiều thứ. Đồng thời, cách làm này cũng giúp mình có lợi thế hơn các bạn ứng viên thông thường vì nhận được lời khuyên và lời giới thiệu từ nhân viên trong chính công ty mà mình muốn ứng tuyển".

Cuối cùng, sự chủ động đã giúp Huyền tìm được công việc ưng ý với mức lương tốt tại một công ty lớn ngành bất động sản. "Mình không lướt thấy job này trên các website tuyển dụng, mà vô tình biết được khi nói chuyện với một chị nhân viên trong công ty. Ai đó đã nói với mình rằng, offer ngon thì thường chia sẻ nội bộ, quả đúng thật!", Huyền nói.

Gen Z không từ mọi

Thanh Huyền

Ứng tuyển cũng cần có kịch bản chỉn chu

Một cách quảng bá bản thân "dương đông kích tây" cũng hay ho không kém đó là việc chia sẻ một bài viết có giá trị tới cộng đồng hoặc gợi mở nhiều quan điểm trái chiều, từ đó mới khéo léo thể hiện nhu cầu của bản thân, đơn cử như nhu cầu tìm kiếm việc làm. 

Thu Nga (22 tuổi) với mong muốn tìm việc làm ở lĩnh vực Marketing đã áp dụng cách làm này và thành công ngoài sức tưởng tượng. Việc đăng tải CV lên các hội nhóm tìm việc đã quá quen thuộc, nếu CV của bạn không đủ ấn tượng thì khó để lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng. Nghĩ như vậy, Nga đã ngồi ngẫm nghĩ để sáng tạo ra một chủ đề chỉn chu và thu hút hơn so với những ứng viên khác. Nga viết bài chia sẻ về trải nghiệm cá nhân của mình khi xây dựng kênh TikTok, ngoài những kiến thức chuyên môn về mảng quảng cáo mà Nga chia sẻ trên kênh, cô bạn cũng bày tỏ mong muốn được mở rộng cơ hội ở những mảng công việc mới mà mình có khả năng.

Nga vừa cười vừa chia sẻ: "Mọi người thích nghe kể chuyện hơn là nghe bạn thể hiện bản thân. Như thế nó thương mại quá, nhất là đối với những bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm như mình. Mình khoe kênh TikTok là phụ, còn tìm việc làm mới là chính. Như vậy, vừa thể hiện được điều mình thích và thứ mình giỏi". 

Gen Z không từ mọi

Thu Nga

Không chỉ nhận được sự quan tâm đến kênh TikTok cá nhân, những bình luận giới thiệu việc làm hay dự án ngày càng nhiều trong bài viết của Nga. Nhiều nhà tuyển dụng đã dành lời khen cho Nga vì cô nàng đã biết cách tự quảng cáo bản thân với giá 0 đồng. Sau 1 tuần, Nga được nhận vào làm nhân viên Marketing cho một công ty xuất khẩu mỹ phẩm lớn - điều mà Nga mơ ước từ lâu.

Gen Z không từ mọi

Tạm kết

Từ câu chuyện cô bạn Gen Z bỏ tiền chạy quảng cáo cho CV, đến những câu chuyện ứng tuyển độc lạ kể trên, các anh chị thế hệ trước có lẽ phải ngả mũ bái phục Gen Z vì quá sáng tạo và chủ động khi tìm việc. Thay vì ngồi yên một chỗ đợi một ngày cơ hội gõ cửa, Gen Z ngày nay đã biết ý thức cái tôi từ sớm, nắm bắt lợi thế mạng xã hội để chủ động đi tìm và thu hút cơ hội một cách thông minh!

Kaylee Khuong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm