Phú Quang - Người của muôn nỗi buồn dâng hiến (Kỳ 1): Về lại miền thơ ấu

13/12/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Có phải định mệnh không, khi người nhạc sĩ tài hoa, một tâm hồn lớn, viết nên những tình ca xứng danh tuyệt phẩm cho Hà Nội - mùa Đông, lại dừng mạch sống đúng mùa Đông nghiệt ngã.

Vĩnh biệt nhạc sĩ Phú Quang: 'Lặng lẽ hồi sinh… trong tiếng gọi thầm tên anh'

Vĩnh biệt nhạc sĩ Phú Quang: 'Lặng lẽ hồi sinh… trong tiếng gọi thầm tên anh'

“Ngày mai ta bỏ đi/ Trần gian xin trả lại....”. Đó là những câu trong bài "Lời ru" của nhạc sĩ Phú Quang được đăng trên Fanpage nhạc sĩ Phú Quang sáng qua (8/12) để báo tin buồn với những người yêu nhạc về sự ra đi mãi mãi của ông ở tuổi 72 sau 2 năm trị bệnh.

Người ta thường tính năm theo mùa để tính khoảng thời gian. Phú Quang trở về quê hương sống 13 năm cuối cùng. Và sáng nay, 13/12/2021, sau lễ viếng từ 7h05 - 8h45, ông lại rời Hà Nội trên chuyến xe cuối cùng của đời mình, từ Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông về Công viên Tưởng niệm Thiên Đức (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ).

Tôi không bao giờ tưởng tượng được chú Phú Quang của tôi lại rời khỏi cuộc sống này vào một sáng mùa Đông 8/12/2021 lạnh giá giữa lúc đại dịch Covid-19 làm chao đảo cuộc sống cả hành tinh. Phú Quang yêu nhất Hà Nội khi trời lạnh, đó là khi “Ái thành” này đẹp nhất, với tất cả vẻ quyến rũ hiển lộ và trầm tích.

Chuyển cư vào TP.HCM năm 1986, nhạc sĩ bừng rộ tài năng đa dạng và đỉnh cao giai đoạn trung niên này, sau duyên đẹp đầu tiên - viết nhạc cho điện ảnh.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Phú Quang năm 2018

Cứ mùa Thu, Đông Phú Quang lại ra Hà Nội. Ra để thỏa nhớ. Cơn nhớ phức hợp liên hoàn cháy bỏng: Người ruột thịt, tình bạn, tình yêu, khán giả, ước vọng. Tất cả hòa mạch tâm hồn - trái tim - hơi thở "như dòng sông Hồng cuộn đỏ mãi trong tôi" và chỉ có thể giải tỏa, thỏa mãn một phần lớn bằng âm nhạc. Những mùa Thu, Đông là mùa cưới đẹp nhất của lứa đôi, mùa của khán giả ngóng những đêm tình ca Phú Quang. Những đêm nhạc sang trọng và công phu, lộng lẫy. Những đêm nhạc mà yếu tố tầm cỡ của giọng ca, của ban nhạc bề thế dường như chỉ Phú Quang mới thỏa khán giả tinh hoa trong độ bền của tư duy nghề nghiệp khắt khe, kỹ lưỡng.

Phú Quang là một nhạc sĩ hiếm không chỉ của thế hệ ông, mà cả với lớp trẻ hôm nay, khi đạt độ toàn năng. Tài lại còn đẹp trai, hào hoa, hài hước, xuất hiện ở đâu cũng lôi cuốn, nói chuyện chốn nào cũng hấp dẫn. Nhất dáng nhì da - Phú Quang có cả. Lại sáng tác, phối khí, dàn dựng, sản xuất những băng đĩa, vé... đẹp, lạ, đắt.

Người ta đồn rằng Phú Quang giàu, vì có công ty riêng (thành lập 2004), có nhiều bạn là doanh nghiệp, quan chức, fan thành đạt. Thực tế, Phú Quang luôn sống trong những ngôi nhà đẹp - không phải ở quy mô kiến trúc, mà là không gian đầy tranh, sách, băng đĩa nhạc và các nhạc cụ, thường xuyên được sử dụng là dương cầm. Chắc chắn Phú Quang giàu có bạn bè. Bạn ông, cũng là người hâm mộ. Tôi đã nghe ông bàn về hội họa rất hiểu biết. Phú Quang sở hữu tranh của Đỗ Quang Em, Đào Hải Phong, Nguyễn Sơn (con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận)... từ lâu cùng nhiều tên tuổi khác của nền mỹ thuật.

Chú thích ảnh

Hiếm nhạc sĩ nào đạt được đỉnh cao sự nghiệp, chinh phục cả giới tinh hoa, đồng nghiệp - khán giả khó tính trong nghệ thuật lẫn công chúng số đông; vừa thăng hoa nghệ thuật lại vừa đạt được thành tích hiển hách trong thị trường, không ngán ngại thách thức nào dù tuổi gần thất thập. Lúc nào ông cũng sôi sục, quyết liệt muốn làm những chương trình tốt nhất, cố gắng tối đa nhất.

Có những người chỉ nổi tiếng trong phạm vi ngành nghề của mình. Còn Phú Quang là một danh từ, một thương hiệu mà hầu hết mọi tầng lớp, mọi giới trong xã hội đều biết, đều nghe tác phẩm của ông. Vậy mà, người của công chúng ấy, người hào sảng, đào hoa ấy, lúc lâm chung không có người ruột thịt ở bên. Vậy mà, người nổi tiếng như thế lại chỉ có một tang lễ hơn 1 tiếng, do dịch bệnh mà đành ngắn ngủi.

Người vợ đầu tiên - diễn viên múa Phạm Thị Chung - chân đau do tai nạn biểu diễn ở chiến trường, cứ trở lạnh là lại thấp khớp, sẽ dắt đứa cháu duy nhất của mình đến giã biệt chồng cũ. Nhạc sĩ Phú Quang là người chồng duy nhất trong cuộc đời của người phụ nữ 76 tuổi này. Đứa cháu khôi ngô ấy là Bùi Công Duy Anh, cháu ngoại cả của nhạc sĩ - là cháu nhỏ tuổi nhất sinh cùng ngày tháng với ông ngoại: 8/7/2016, cậu bé mà cả 2 họ mong chờ và đến 67 tuổi ông mới được bế cháu trong tay, yên tâm về hạnh phúc của con gái cả - Pianist Trinh Hương (1975) sau kết hôn 11 năm mới có con. Con gái thứ 2 Giáng Hương đã đưa 2 người con là Quang Khải (2005) và Gia An (2011) bay ra Hà Nội ngay tối 8/12.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Phú Quang (bìa phải) lúc 5 tuổi tại Cẩm Khê cùng chị gái cả Nguyễn Thị Hiếu (bế con gái đầu lòng của chị), bên trái là anh trai Phú Ân

Phú Quang đã đưa nhiều đoàn ca sĩ sang diễn ở châu Âu và Mỹ, nhiều nơi trong nước. NSƯT Tấn Minh được nhạc sĩ tin tưởng, gắn bó hầu hết các chương trình trong 15 năm qua. Tối 8/12/2021, chúng tôi ngồi tại nhà Tấn Minh cùng tưởng nhớ chú Phú Quang. Có một kỷ niệm đặc biệt của tôi là lần đầu tiên và duy nhất đến nay, nhạc sĩ Đỗ Bảo đệm piano cho Tấn Minh hát bài của Phú Quang. Thường thì Đỗ Bảo không đệm cho ai ngoài sáng tác của mình. Dòng sông không trở lại mà Phú Quang phổ thơ tôi đã vang lên tại Nhà hát Lớn tối 1/12/2012 mới đó mà đã 9 năm. Tất nhiên, không ai có thể trở lại gặp dòng sông y như cũ. Không thể gặp lại Phú Quang trên sân khấu hát, đàn, giao lưu duyên dáng nữa.

Nhưng vẫn có thể trở lại khi sống tình nghĩa thủy chung. Nhạc sĩ Phú Quang sinh ra và sống 5 năm ở Cẩm Khê, huyện nằm bên hữu ngạn sông Thao. Ông nhiều lần về đây và nhất là đêm nhạc 1/10/2014, ông đã cùng Tấn Minh, Tùng Dương về biểu diễn ở Cẩm Khê với chủ đề Trở lại để dựng xây theo ý tưởng của TS Nguyễn Đức Hưởng (Ngân hàng Liên Việt) - người con Cẩm Khê tổ chức để quyên góp kinh phí xây nhà tưởng niệm liệt sĩ và các công trình ở quê hương.

Định mệnh lại đưa Phú Quang về an nghỉ trên đất Phú Thọ. Khu đất 100m2 của 4 gia đình mùa Hè năm 2020 trên lưng đồi công viên Thiên Đức, huyện Phù Ninh là ý nguyện của Phú Quang. Người anh cả Phú Đắc (1928 - 2012) nằm bên bố mẹ ở quê nhà - xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất. Còn 4 chị em sẽ về nằm bên nhau tại đất Phù Ninh này. Họ đã có những năm thơ ấu ở Cẩm Khê. 5 tuổi theo gia đình từ nơi tản cư - huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ; trở về Thủ đô, Phú Quang vẫn coi nơi sinh quán ấy như quê, quê của thời thơ ấu. Chị Nguyễn Thị Hiếu (1932 - 2010) đã ở đây đón em. Người em út Nguyễn Phú Quang mà chị bế ngày nào, sau khi hỏa táng tại Thiên Đức sẽ được an nghỉ vĩnh viễn bên chị cả. Còn chị thứ Nguyễn Thị Thông (1937) và anh Nguyễn Phú Ân (1940) sau này cũng sẽ quây quần.

Phú Quang đang được hát ru bằng giọng Tấn Minh và chính hồn ông bay bổng: "Một chiều lại về bên bến sông xưa/ Dòng sông vẫn rì rào như một thời thơ bé/ Chiều cuối năm, sao buốt lòng đến thế/ Cây si già trầm tư thương nhớ con đò ngang/ Một chiều lại về với miền quê trung du/ Thương nhớ ai mà sông Thao trào nước mắt/ Ngỡ như mẹ cha vẫn chờ ta ngoài hiên vắng/ Ngỡ như chị ta lại ôm ta trong vòng tay dịu dàng/ Một chiều lại về khi mái tóc pha sương/ Cẩm Khê ơi! Sao dòng sông còn mênh mông thế/ Ngỡ như còn đây một thời thơ bé/ Quê hương ơi! Nỗi nhớ cuộn theo tôi suốt cuộc đời...".

(Còn tiếp)

Nhà thơ Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm