Phẩm chất anh hùng!

18/08/2016 08:19 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - “Rất khiêm tốn, đáng quý, đáng khen ngợi”, đấy là lời đánh giá của Thủ tướng Chính phủ,  Nguyễn Xuân Phúc, với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.

Đấy là lúc Xuân Vinh "xin hứa sẽ tiếp tục rèn luyện, nâng cao trình độ, bản lĩnh thi đấu, giành thêm nhiều thành tích hơn nữa, mang về vinh quang cho Tổ quốc. Tôi là người lính, tôi sẽ luôn phục vụ đất nước”.

Đấy là lúc Hoàng Xuân Vinh từ chối  xin phong danh hiệu Anh hùng Lao động, anh bảo rằng nên dành cho ngành Thể thao Việt Nam.
Có lẽ, không ai hồ nghi tính chân thành của Hoàng Xuân Vinh khi từ chối “cơ hộivàng”. Bởi, quá trình dấn thân cho đến ngày gặt hái vinh quang của anh là biểu tượng tinh thần tự nguyện, hiến dâng vô điều kiện cho lý tưởng đã chọn, cho nghề, cho ngành, và cho danh dự của một người lính.

…Còn nhớ ngay khi Hoàng Xuân Vinh bắn xong viên cuối để đoạt HCV, Tờ Daily Mail  ca ngợi chiến thắng xạ thủ 42 tuổi: “Hoàng Xuân Vinh đã kết thúc chờ đợi sáu thập niên của Việt Nam cho một HCV Olympic đầu tiên vào thứ Bảy nhưng anh không hát hay nhảy ăn mừng về kỳ tích lịch sử của mình”.

Nếu là bạn, chắc phải biểu đạt bằng một cảm xúc khác, hành động khác Hoàng Xuân Vinh lúc chạm đến tột cùng của vinh quang.

Nếu bạn, (hoặc đại diện tổ chức bạn) khi có cơ hội được được chạm tay vào danh hiệu Anh hùng Lao động, hẳn khó mà không nổi lòng ham muốn.

Đấy là cơ chế tâm lý chung của con người. Nhưng với những người anh hùng chân chính,  thời nào cũng thế, họ thường có những lựa chọn khác, thường không  dành lợi ích cho riêng mình, không muốn được vinh danh cho cá nhân, chỉ lặng lẽ hiến dâng cho lý tưởng đã chọn và không bao giờ nghĩ để có ngày được phong anh hùng.

Những phẩm giá riêng biệt đó khiến họ lấp lánh và tỏa sáng như trăng rằm, dù là anh nông dân, hay là chính khách.

Tôi lại nhớ đến năm ngoái, một người được hai lần tặng danh hiệu Anh hùng Lao động là ông Hồ Giáo đã qua đời. Điều gì làm cho một con người đang sống tại một huyện heo hút ở Quảng Ngãi, chết đi, lại làm hàng triệu người dân cả nước tiếc thương?


VĐV Hoàng Xuân Vinh được ngưỡng mộ không chỉ bởi tài năng, ý chí mà ca sự đức độ.Ảnh: ISSF

Vì cuộc đời ông là một chân dung tiêu biểu của cái gọi là Chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ông là Anh hùng Lao động duy nhất của ngành chăn nuôi, nhiều lần có cơ hội để “làm quan”, nhiều lần được tạo cơ chế tốt cho gia đình, nhưng đã kiên quyết từ chối để sống một cuộc đời thanh liêm. Khi sống được yêu quý, tin tưởng,tôn vinh, khi thác được dân tiếc thương vô hạn, anh hùng đơn giản là thế.

Hoàng Xuân Vinh từ chối xin danh hiệu Anh hùng lao động, điều đó chỉ làm cho mọi người thêm yêu quý, ngưỡng mộ anh hơn. Biển người chào đón anh ở sân bay ngày về như đón một người thân, đấy mới là bảng vị quan trọng, trong bối cảnh mà đã có trường hợp khai man thành tích để được phong anh hùng, hay có doanh nghiệp thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng vẫn được tấn phong.

* * *

Đến đây, có lẽ phải nhắc đến tên tuổi người đề xuất xin cho Hoàng Xuân Vinh danh hiệu Anh hùng Lao động, đấy là ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban Olympic Việt Nam. Ông Giang cũng từng được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2006, để đến nay là cá nhân duy nhất trong ngành thể thao được nhận danh hiệu cao quý đó.

Ngày 20/8, các thủ khoa xuất sắc năm 2016 sẽ giao lưu với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh

Ngày 20/8, các thủ khoa xuất sắc năm 2016 sẽ giao lưu với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh

Thành Đoàn Hà Nội cho biết các thủ khoa xuất sắc và đoàn viên thanh niên Thủ đô sẽ được tham dự chương trình giao lưu “Khát vọng chinh phục đỉnh cao” với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.


Người viết không dám so sánh Xuân Vinh có xứng đáng bằng ông Giang, nhưng rõ ràng ngành thể thao, với truyền thống rất hào hùng, lực lượng đông đảo, được trui rèn qua lịch sự khắc nghiệt, được đầu tư không nhỏ (nhất là bóng đá) nhưng chỉ mới một cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động là quá khiêm tốn, cần nhìn lại một cách nghiêm túc.

Trên thực tế, phải hơn 60 năm TTVN mới đạt một tấm HCV Olympic, tự thân đã nói lên ngành thể thao phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Đất nước đã thay da, đổi thịt nhiều, nếu   ngành thể thao xác lập được uy tín trong xã hội, biết đầu tư khoa học, bài bản, thì chắc sẽ sẽ được quan tâm, không có cảnh một nhà quán quân Olympic như Hoàng Xuân Vinh và đồng đội lại luôn trong tình trạng “thiếu đạn”.

Hoàng Xuân Vinh, anh đã cứu một bàn thua cho Thể thao Việt Nam. Anh góp phần làm cho hình ảnh người lính thời bình trở nên gần gũi và không kém phần cao đẹp. Với giới trẻ, khái niệm “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” qua hình tượng người lính khá cao siêu trong các tác phẩm văn chương một thời, giờ hiện ra chân thực hơn, nếu có thêm nhiều người lính, dù chỉ là người lính trên mặt trận thể thao, như  Đại tá Hoàng Xuân Vinh.

Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm