Nhớ Lê Thái Sơn - tranh của anh đã về đâu?

24/07/2015 18:16 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Lê Thái Sơn (7/4/1968 - 26/7/2012) là thế hệ thứ 4 của giới sưu tập Việt Nam, anh ôm ấp nhiều dự định với mỹ thuật, nhưng chưa kịp hoàn tất. Sự ra đi đột ngột của anh cách đây 3 năm đã để lại nhiều tiếc nuối của họa giới. Mấy ngày gần đây trên mạng xã hội đã có những nhắc nhớ, những bài viết về Lê Thái Sơn.

Hôm 23/7, họa sĩ Lê Kinh Tài chia sẻ về Lê Thái Sơn trên Facebook của mình, có đoạn: “Một trong số rất ít người Việt yêu thích và mua tranh mình, hôm bạn ra đi, mình đang ở Singapore, về Sài Gòn trễ một ngày, nghe nói phút cuối người nhà xem nhật ký điện thoại thì thấy bạn có gọi cho mình.

Về Sài Gòn, vừa xuống sân bay, tổng đài 9232 báo 37 cuộc gọi nhỡ của bạn bè, anh em họa sĩ hỏi thăm về tin bạn, một cuộc của bạn gọi từ 21h ngày 26/7/2012... Thật tiếc, hai thằng ở gần nhà, thỉnh thoảng bạn lên máu là mặt đỏ gay, mình nhắc uống thuốc, mười lần như mười, sờ túi, rồi: “Để quên thuốc đâu mất rồi, lát mua uống sau”, sao bạn lại chủ quan đến như vậy chứ...”.


Nhà sưu tập Lê Thái Sơn. Ký họa của Trần Trung Lĩnh

2. Bộ sưu tập của Lê Thái Sơn có thể lên đến 600 - 700 tác phẩm, nhưng giá trị nhất là khoảng 300 ký họa và hội họa thời chiến, từ thời kháng Pháp, kháng Nhật, chống Mỹ, cho đến chiến tranh biên giới Việt - Trung.

Tiêu chí sưu tập bộ ký họa và hội họa thời chiến này rất rõ ràng, đầu tiên là các ký họa thời chiến, đặc biệt là các chuyến đi đường rừng trong thời chống Mỹ, các trận chiến biên giới Việt - Trung.

Kế đến là các họa sĩ thực tài nhưng đương thời ít hoặc chưa được chú ý, giá tranh còn rẻ. Cuối cùng, nhắm vào các họa sĩ trẻ có triển vọng, thường là những tác phẩm thời kỳ đầu, trong triển lãm đầu tiên.

Lê Thái Sơn cũng rất sòng phẳng, phiêu lưu, trong giấy cam kết bán tranh, anh có viết: “Đảm bảo rằng chúng tôi chấp nhận sự hoàn trả hoặc mua lại những tác phẩm đã mua từ phòng trưng bày của chúng tôi, sau thời gian 2 năm, nếu bạn không hài lòng bởi bất kỳ lý do nào, liên quan đến tài chính, hoặc sở thích...

Giá mua lại sẽ được thương lượng bởi hai bên trong tinh thần hợp tác thống nhất, tránh thiệt hại cho quyền lợi của phòng tranh”. Ở Việt Nam, đến nay cam kết này vẫn là một điều khá mới, bởi tất cả chỉ muốn bán, ít muốn thu lại.

“Chúng ta phải công nhận rằng, từ những thập niên trước (1990) đến hôm nay, các tác phẩm hội họa của nhiều thế hệ họa sĩ Việt đều được mua bởi các phòng tranh nước ngoài, hoặc các nhà sưu tập nước ngoài, hoặc thông qua các phòng tranh Việt Nam làm trung gian… thì đối tượng người mua tranh nước ngoài vẫn chiếm 95-99% thị phần của thị trường tranh” - Lê Thái Sơn  từng thẳng thắn như vậy.

Nay, sau 3 năm anh qua đời, bộ sưu tập dày công phu và tâm huyết ấy chẳng biết đi đâu về đâu, vì người vợ mà anh đã ly thân vốn chẳng mặn mà gì với tranh pháo, nhưng khi anh mất lại thành người thừa kế cùng hai con gái còn quá nhỏ.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm