Nhạc sĩ Việt nói gì về việc bỏ quy định cấm 'hát nhép'?

18/12/2020 21:33 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhạc sĩ Dương Cầm cho rằng, “nếu đã không hát được thì đừng hành nghề ca sĩ”, trong khi nhạc sĩ Phạm Hải Âu thì nhận định “chuyện cho phép hát nhép công khai sẽ "giết chết" những ca sĩ có thực lực, có giọng hát trời ban”.

Những điểm mới đáng chú ý của Nghị định về nghệ thuật biểu diễn vừa ban hành

Những điểm mới đáng chú ý của Nghị định về nghệ thuật biểu diễn vừa ban hành

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, chính thức có hiệu lực từ 1/2/2021 với những điểm mới.

Nghị định 144/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/2/2021 thay thế cho Nghị định 79/2012/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn vừa được ký ban hành có rất nhiều điểm mới.

Một điểm mới khác trong Nghị định 144 sắp có hiệu lực, được dư luận rất quan tâm là trong nghị định mới không còn quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái) như ở Nghị định 79.

* Nhạc sĩ Dương Cầm: Đáng lẽ phải xử phạt hát nhép

Về vấn đề này, nhạc sĩ Dương Cầm bày tỏ quan điểm: “Việc này các cơ quan quản lý đáng lẽ phải quản lý chặt hơn, cấm hát nhép và đưa ra những quy định xử phạt.

Bên cạnh đó thì cần có những quy định riêng về cách sử dụng phần nhạc đệm, hay gọi là beat, đối với nhạc điện tử thì được phép để phần hát bè, hát nền ở mức bao nhiêu phần trăm.

Và cũng cần có quy định rõ những vấn đề này đối với việc ca sĩ tham gia ghi hình và biểu diễn truyền hình trực tiếp.

Đã bước chân vào con đường nghệ thuật thì người nghệ sĩ phải có đủ tố chất, khả năng, bản lĩnh. Là ca sĩ thì phải dùng giọng hát để chinh phục khán giả chứ không phải dùng điệu múa, điệu nhảy để qua mặt khán giả. Một ca sĩ toàn diện là vừa hát hay vừa nhảy đẹp. Nếu đã không hát được thì đừng hành nghề ca sĩ”.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Dương Cầm

“Tôi luôn đánh giá cao các chương trình có đầu tư ban nhạc sống, ca sĩ có sự đầu tư tập luyện cùng với ban nhạc. Ở Việt Nam hiện nay, trình độ chơi nhạc của các nghệ sĩ của chúng ta rất tốt, không hề thua kém các nước lớn trong khu vực. Đặc biệt là trong việc kết hợp công nghệ để chơi backing track cùng với ban nhạc, có thể phục vụ cả những show âm nhạc điện tử, hiphop hay rap” - nhạc sĩ Dương Cầm nói.

* Nhạc sĩ Phạm Hải Âu: Hát nhép sẽ "giết chết" những giọng hát thực lực

Trên trang cá nhân, nhạc sĩ Phạm Hải Âu cũng bày tỏ: "Chuyện cho phép hát nhép khi vừa nghe mình cũng khá sốc thiệt. Đầu tiên phải nói là chuyện cho phép hát nhép công khai sẽ "giết chết" những ca sĩ có thực lực, có giọng hát trời ban vì công nghệ tune giọng, chỉnh phô hiện nay quá tinh xảo. Ai cũng có thể có 1 bản ghi hay hơn chính mình rất nhiều".

Anh viết tiếp: "Chuyện hát nhép cũng "giết dần" các ban nhạc, mà mùa Covid-19 vừa qua đã quá khổ thân cho các ban nhạc vì chẳng mấy ai dám làm chương trình ngoài trời hay gameshow ca nhạc trong nhà. Các tụ điểm, phòng trà cũng đóng cửa hàng loạt.

Vì sao lại giết chết ban nhạc vì khi cho phép hát nhép tức là vô tình tuyên bố không cần nhạc sống. Tại sao không suy nghĩ và hành động để nâng tầm thẩm mỹ và trải nghiệm của khán giả mà lại làm điều ngược lại?

Vì sao khán giả ở nhà nghe một bản nhạc (có trả phí hoặc không) và rồi để đến khi bỏ phí ra xem show cũng nghe được chính bản nhạc đó không khác, vẫn những giọng tuned đó, vẫn những luyến láy đó. Nghe ở sân khấu mà không khác gì nghe ở nhà, ở quán cafe, ở trung tâm thương mại, ở trên xe taxi".

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Phạm Hải Âu

Phạm Hải Âu cũng đặt câu hỏi: "Có phải trải nghiệm thưởng thức của khán giả bị bóp chết từng ngày không? Mà từ hồi nhạc số lên ngôi, bao nhiêu hàng CD đã phải đóng cửa, phá sản. Từ hồi có Netflix, Disney+, HBO max... trải nghiệm xem phim của khán giả và các nhà rạp cũng đã bị bóp chết từng ngày...".

"Đương nhiên cũng có những người làm nhạc được lợi, là những phòng thu âm từ nay sẽ đông khách hơn, những người làm beat sẽ nhiều việc hơn. Nhưng cũng đừng đánh giá thấp họ. Họ có muốn thu âm hay làm beat cho những người không có giọng hát không? Họ cũng muốn chiếc beat của mình được ban nhạc hoà phối lại, muốn nghe được thêm nhiều cách xử lý sống động mà từ bản ghi của mình đã góp phần tạo nên.

Đã làm việc ai cũng cần tiền nhưng khi làm âm nhạc, làm nghệ thuật thì sâu thăm thẳm trong người họ, họ cũng cần tâm hồn nữa. Hãy để tâm hồn ấy được sống" - anh bày tỏ.

Bảo Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm