Nhà ai có người già phải cảnh giác ngay thủ đoạn lừa đảo mới này: Bịa chuyện cháu bị tai nạn, yêu cầu chuyển tiền ngay lập tức!

15/03/2023 16:18 GMT+7 | HighTech

Sử dụng nhiều câu chuyện khác nhau, những kẻ lừa đảo liên lạc với những người cao tuổi để bịa chuyện cháu của họ bị tai nạn. Trong một số trường hợp, chúng tiếp cận những người bị suy giảm trí nhớ tin rằng mình có cháu thật sự.

Lừa đảo người cao tuổi

Trò lừa này giống như cuộc điện thoại bắt giữ con tin mà bạn thường thấy trong phim.

Một người đàn ông gọi đến máy bàn của bà Ilene Lawson. Ngay từ giây đầu tiên, người phụ nữ lớn tuổi đã cảm thấy thảng thốt.

Đầu dây kia nói cháu gái của bà đang gặp nguy hiểm. Chỉ trong khoảnh khắc, Lawson rơi vào tuyệt vọng và quyết bằng mọi giá cứu người thân.

Người bà đến từ Mississauga, Canada, hồi hộp lắng nghe câu chuyện của người đàn ông "tốt bụng". Người đó giải thích rằng cháu gái của Lawson bị tai nạn xe hơi.

"Tôi đã phát hoảng, thực sự phát hoảng, run rẩy và lo lắng", Lawson kể lại sự việc với Global News..

Câu chuyện tiếp diễn khi người đàn ông nói rằng cảnh sát phát hiện ra một khẩu súng đã lên đạn trong cốp xe của cháu gái Lawson. Gã nhấn mạnh rằng cháu gái của bà đang bị giam giữ và đối mặt với nguy cơ về mặt pháp lý.

Người đàn ông thuyết phục Lawson trả 10.000 USD tiền thỏa thuận, cháu gái của bà có thể được trả tự do. Nhưng hắn cảnh báo bà phải giữ im lặng về cuộc trò chuyện trong 72 giờ vì lệnh im lặng từ tòa án.

Toàn bộ câu chuyện là một lời nói dối.

Lawson, người thực sự có một cháu gái đang học đại học, đã bị bọn tội phạm có tổ chức sắp đặt để moi tiền. Trong khi sự lờ là của các ngân hàng ở Canada đã vô tình khiến trò lừa thực hiện dễ dàng hơn.

Đây là hình thức lừa đảo được gọi là "lừa đảo người già".

Sử dụng nhiều câu chuyện khác nhau, những kẻ lừa đảo liên lạc với những người cao tuổi, những người có thể có hoặc không có cháu. Trong một số trường hợp, chúng tiếp cận những người bị suy giảm trí nhớ tin rằng mình có cháu thật sự.

Điều cốt yếu là tạo ra một tình huống khiến người nghe tin rằng ai đó thân thiết với họ đang gặp rủi ro và cần họ giúp đỡ về tài chính ngay lập tức.

Vào đầu tháng 11/2022, hai người đàn ông Quebec đã bị bắt vì âm mưu lừa đảo một người đàn ông 94 tuổi đến từ Hamilton.

Người đàn ông được cho biết là cháu trai của mình bị bắt vì có một lượng lớn ma túy trong xe. Trong vụ việc, kẻ lừa đảo có ý định tước đoạt trái phiếu 120.000 USD. Nạn nhân đã trả một phần số tiền nói trên.

Nhà ai có người già phải cảnh giác ngay thủ đoạn lừa đảo mới này: Bịa chuyện cháu bị tai nạn, yêu cầu chuyển tiền ngay lập tức! - Ảnh 1.

Thao túng cảm xúc

Đối với Lawson, vụ việc nói trên là chấn thương tồi tệ nhất mà bà trải qua trong đời.

Sau khi mắc mưu đối tượng, Lawson đến hai ngân hàng để rút 10.000 USD. Tuy nhiên, các nhân viên ở cả hai chi nhánh đều không hỏi bà về mục đích rút tiền, điều vốn được coi là bất thường khi bà ít khi rút hơn 500 USD tiền mặt trong quá khứ.

Cả hai ngân hàng trên đều có chung bộ quy tắc cảnh giác với những nguy cơ rủi ro đối với người cao tuổi và đào tạo nhân viên về "lạm dụng tài chính, gian lận và lừa đảo". Việc ngân hàng không đả động đến khoản tiền lớn mà Lawson rút đã khiến nhiều người cảm thấy nghi ngại.

Rất may, sau khi vụ việc vỡ lở, Lawson đã lấy lại được toàn bộ 10.000 USD từ hai ngân hàng này.

Ngoài tổn thất tài chính, Lawson nhấn mạnh vụ việc khiến bà bị tổn thương tinh thần và niềm tin bị xâm phạm. "Tôi dường như không còn tin tưởng bất cứ ai nữa", bà nói.

Các nạn nhân bị lừa đảo thường không xuất hiện trước các phương tiện truyền thông vì nhiều lý do, thường là vì xấu hổ.

Nhưng Lawson muốn cảnh báo những người khác có thể nhận được cú điện thoại lừa đảo giống mình.

Sự gia tăng đáng kể của cái gọi là lừa đảo qua điện thoại đối với người cao niên Canada đã khiến cảnh sát và các quan chức chống lừa đảo phải đồng loạt cảnh báo.

Trung tâm chống gian lận Canada hồi đầu tháng 2 vừa qua cho biết, 9,2 triệu USD thiệt hại đã được ghi nhận trong những vụ người cao niên bị lừa đảo vào năm 2022 — tăng từ 2,4 triệu USD vào năm 2021. Nhưng con số đó có thể chỉ mới thể hiện 5 đến 10% tổng số nạn nhân, vì đại đa số không báo cáo việc bị lừa đảo.

Kẻ lừa đảo sẽ cho rằng thành viên gia đình có liên quan đến một tình huống khẩn cấp — tai nạn ô tô, bệnh lý, bị bắt giữ hoặc buộc tội hình sự, sau đó yêu cầu người cao tuổi cung cấp tiền để được tại ngoại, phí pháp lý, tiền phạt hoặc các hóa đơn khác.

Các nạn nhân của vụ lừa đảo tin rằng họ không được nói chuyện này với bất kỳ ai thân cận do lệnh im lặng từ tòa án và hoàn toàn tin tưởng kẻ lừa đảo ở đầu dây bên kia do tính chất vụ việc rất cấp bách.

Sau đó, kẻ lừa đảo yêu cầu nạn nhân rút tiền từ ngân hàng. Số tiền này sẽ được đối tượng thuê người đến lấy hoặc gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Một số người cao niên còn thanh toán bằng tiền điện tử.

Về cơ bản, trò lừa đảo lợi dụng tính gấp rút và thao túng cảm xúc để moi tiền từ các nạn nhân.

Mạnh Kiên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm