Nghệ sĩ với World Cup: 'Trước vòng chung kết' với Nguyễn Nhật Ánh

11/12/2022 19:00 GMT+7 | Văn hoá

Ở Việt Nam mình, từng trải trên sân cỏ để rồi có vô số bàn thắng trên "sân chữ" - trên các trang văn là Nguyễn Nhật Ánh. Ông từng tung "cú sút chào sân" bằng đường truyện ("truyện" chứ không phải "chuyền") dài tới… 13 chương, 266 trang, cộng thêm 38 lần tái bản.Đó là truyện dài Trước vòng chung kết.

1. Nguyễn Nhật Ánh cho biết: "Khi viết Trước vòng chung kết, tôi vừa chuyển sang dạy học ở trường Bình Tây. Trước đó, tôi có 2 năm làm Chủ nhiệm CLB Thiếu nhi quận 6, TP.HCM. Chính trong thời gian trông coi CLB này, tôi và các anh em trong CLB đã tổ chức nhiều sân chơi cho thiếu nhi trong quận, trong đó có giải bóng đá mini, sau này được tôi đưa vào sân Trước vòng chung kết".

Nghệ sĩ với World Cup: "Trước vòng chung kết" với Nguyễn Nhật Ánh - Ảnh 1.

Minh họa của Đỗ Đức

Ông kể: "Ở giải đấu này, nhiều trận tôi phải trực tiếp đứng ra cầm còi vì... trọng tài vắng mặt đột xuất. Để viết Trước vòng chung kết, tôi cùng nhà văn Võ Phi Hùng (vốn xuất thân từ cô nhi viện - tác giả bộ Sống sót vỉa hè) đến các "lớp học tình thương" ban đêm để tiếp xúc và tuyển chọn các hảo thủ bụi đời. Trước vòng chung kết là truyện dài đầu tay của tôi. Tôi tự viết, một mình một bóng, rồi đá thẳng vào Nhà xuất bản Măng Non (tiền thân của NXB Trẻ bây giờ). Tôi được các nhà văn đàn anh Trần Hoài Dương và Đào Hiếu khuyến khích, cổ vũ".

Albert Camus và bóng đá

Albert Camus – "nhà vô địch" giải văn chương quốc tế - Nobel 1957 - từng viết: "Tất cả điều tôi biết chắc chắn nhất về đạo đức và nghĩa vụ của con người đều nhờ bóng đá".

Albert Camus từng chơi bóng chuyên nghiệp thời niên thiếu ở vị trí thủ môn cho câu lạc bộ Racing Universitaire Algerios, đội bóng giành chức vô địch Cúp Bắc Phi năm.

2. Sử sách còn ghi, bóng đá theo chân lính viễn chinh Pháp vào Việt Nam và trở thành môn thể thao chính danh ở đất này vào những năm đầu thế kỉ XX với sự ra đời của Câu lạc bộ Thể thao Sài Gòn (Cercle Sportif Saigonnais) vào năm 1902, cùng một sân bóng đúng chuẩn, mở trong vườn Jardin de la Ville, nay là công viên Tao Đàn nằm giữa bốn mặt phố Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, Huyền Trân Công Chúa và Nguyễn Du ở TP.HCM.

Trận cầu quốc tế đầu tiên của Việt Nam diễn ra trên sân này vào năm 1905, khi đội bóng (đội khách) của chiến hạm Anh mang tên King Alfred ghé thăm Sài Gòn, và đã đấu giao hữu với đội chủ nhà gồm những cầu thủ người Pháp và Việt. Phải chăng, vì Nam Bộ tiếp xúc với bóng đá sớm nhất nước mà người viết về bóng đá nhiều nhất nước, hiện nay, và chuyên nghiệp nhất, vẫn là người Nam Bộ, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh?

Quả thật, ông chẳng những có truyện dài Trước vòng chung kết đã nói trên kia mà còn truyện ngắn Khi trái bóng lăn, và còn dành nguyên tập "đeo số" 14 trong đội hình Kính vạn hoa để kể chuyện "Thủ môn bị từ chối". Trận banh ấy còi thủ - trong tài Nguyễn Nhật Ánh bắt hơi bị kĩ, ông đuổi thủ môn ra khỏi sân vì đôi tay nhựa của chàng bị…ghẻ!

Nghệ sĩ với World Cup: "Trước vòng chung kết" với Nguyễn Nhật Ánh - Ảnh 3.

“Trước vòng chung kết” của Nguyễn Nhật Ánh

Theo sát chân "còi thủ" Nguyễn Nhật Ánh dễ nhận thấy ông viết về bóng đá sống động như một bình luận viên chuyên nghiệp đang ngồi ngay bên lề sân cỏ coi cọp và bình luận trực tiếp:

"Các cầu thủ phường 2 như sực tỉnh sau bàn thua, lại bắt đầu dâng lên quyết kiếm thêm một điểm quý giá. Muốn ghi thêm một bàn thắng trong khi trận đấu chỉ còn khoảng mười lăm phút, quả là một chuyện cực kỳ khó. Nhưng các cầu thủ phường 2 trong giây phút này đã tỏ rõ một ý chí kiên cường. Các tuyến đều tham gia tấn công dồn dập và dữ dội…Thủ môn Hoàng đúng là một tấm lá chắn vững vàng. Phải nói đến giờ này mà bóng chưa lọt vô lưới đội "Sư tử" phần lớn là nhờ công lao của Hoàng. Nó bay lên lượn xuống như chim, nó nhảy nó vồ như cọp, nó đấm nó đá như một võ sĩ. Thôi thì đất cát bụi bặm tem lem trên đầu trên cổ. Nhờ nó tả xung hữu đột như một viên tướng giữa trận tiền mà bên "Mũi tên vàng" chưa ghi bàn được. Nếu gặp phải một thủ môn khác thì nãy giờ đội "Sư tử" đã lãnh cả rổ trứng rồi. Các cầu thủ đội "Sư tử" thấy tình hình như vậy, biết không thể nào đá thắng được đối phương nên quyết định rút về lập một hàng rào phòng ngự trước khung thành, hiệp lực với thủ môn ngăn chận những cú sút của tụi thằng Tân, hy vọng kiếm một cái hòa".

3. Nguyễn Nhật Ánh viết khỏe như một danh thủ trẻ chơi bóng đá tổng lực, có thể đá ở nhiều vị trí, trên sân văn. Với bút danh Chu Đình Ngạn, mỗi mùa World Cup ông viết bình luận hằng ngày cho báo Sài Gòn giải phóng. Những bài bình luận bóng đá ông viết đã tập hợp thành sách Cú sút của Beckham (NXB Trẻ 2005). Trong sách "túc cầu giáo" này, ông bao quát bóng đá thế giới:

"Mỗi kỳ World Cup để lại trong tôi những ấn tượng khác nhau. World Cup 74, 78 là sự xuất hiện của bóng đá tổng lực, dù World Cup 78 ngôi sao Cruyff đột ngột rút lui vào giờ chót. World Cup 82 là sự thất trận đau đớn của tuyển Brazil với "tam giác vàng" Zico-Socrates-Falcao. World Cup 86 là sự lên ngôi của "ông vua" mới Maradona. World Cup 1998, Pháp lần đầu tiên vô địch. World Cup 2010, thêm một nhà vô địch mới Tây Ban Nha và lối chơi tiki-taka được tôn vinh".

Ông bất ngờ "lật cánh": " Các World Cup 1990, 1994, 2002, 2006 không có gì nổi bật. Tuy vậy, tôi sẽ nhớ mãi World Cup 1994, vì đó là kỳ World Cup đầu tiên tôi xem bóng đá cùng con gái tôi, được chứng kiến niềm vui rạng rỡ trẻ thơ của cháu khi đội Brazil đoạt chức vô địch. Cháu là fan của tuyển Brazil và rất thích hậu vệ Roberto Carlos".

4. Trong hiệp phụ của cuộc phỏng vấn này, người viết bài hỏi nhanh: "Với 38 lần in lại như thế, tổng số bản Trước vòng chung kết là bao nhiêu? Trước vòng chung kết có phải là "quán quân tái bản" của ông? Còi thủ Nguyễn Nhật Ánh đáp gọn:

"Tôi không biết tổng số bản in của Trước vòng chung kết là bao nhiêu. Nhưng tôi biết tác phẩm có số lượng in lớn nhất của tôi cho đến nay là Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. Tới World Cup 2022 này tôi có chân trong đội lão tướng rồi, vẫn "cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" đá banh! 

Luyện chưởng Kim Dung

Ngoài bóng đá Nguyễn Nhật Ánh còn chánh tâm luyện chưởng Kim Dung để thành kiếm sĩ Tiếu Ngạo Thư Sinh, một chuyên gia "gỡ rối tơ lòng" cho các anh hùng, giai nhân chốn Internet giang hồ. Những câu trả lời hài hước loang loáng như xuất chưởng khiến người được gỡ rối, rất thỏa lòng.

Xin nghe Nguyễn Nhật Ánh đổi giọng văn nhân thành giọng võ khách khi xuất ngôn hành đạo: "Thông thường, báu vật võ lâm càng nhiều người tranh đoạt thì càng quý hiếm, càng kích thích khát vọng chinh phục của anh hùng hào kiệt bốn phương. Như danh mã Phiên Vũ chưa xuất hiện, chỉ nghe tên mà cả giang hồ mấy ngày nay đã nhấp nhổm không yên. Đã là nam nhi thì không sợ khó, chỉ sợ mình không dám vượt khó thôi. Trong vạn nhất có "về thành dưỡng sức" thì chết vì tình yêu cũng có thể kể là một cái chết đẹp. Chứ nếu vừa "ra ngõ thấy núi", mặt mày đã xanh lè xanh lét thì tốt nhất đừng yêu iếc lôi thôi; cũng như thay vì theo đuổi Phi Vân, Phiên Vũ, thà bỏ vài ngàn lượng mua quách loại Liệt Hoàng Mã ngày đi... 10 mét, bán đầy ở các mã điếm tại thất đại thành thị cưỡi tạm cho xong!".

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm