'Nàng Kiều là hình ảnh rất 'thời thượng' ở mọi thời đại'

25/01/2020 19:30 GMT+7 | Giao lưu Việt - Đức

(Thethaovanhoa.vn) - Chắc chắn mới đầu ai cũng sẽ cảm thấy bất ngờ khi nghe một “ông Tây chính hiệu” như Wilfried Eckstein, Giám đốc Viện Goethe tại Hà Nội, bình giảng về Truyện Kiều và cách mà con người hiện đại hôm nay có thể đối thoại với nàng Kiều. Nhưng khi biết được rằng, chuỗi sự kiện trong dự án Nàng K… do chính ông cùng Viện Goethe khởi xướng thì người ta sẽ thấy đấy là lẽ đương nhiên.

Nàng Kiều “thuần Việt” trong tranh lụa

Nàng Kiều “thuần Việt” trong tranh lụa

Họa sĩ Ngọc Mai cũng say đắm nàng Kiều như triệu triệu người Việt khác. Và bởi sự say đắm ấy, bà đã dành 12 năm để hoàn thành 28 bức tranh về truyện Kiều và 1 cuốn sách với tựa đề Tranh lụa Kiều.

Wilfried Eckstein sinh ra tại Đức, học chuyên ngành về ngữ văn và có trên 30 năm phục vụ tại Viện Goethe ở Moskva, St. Petersburg, Bangkok, Thượng Hải, Washington DC và Hà Nội.

Còn nhớ, sau khi hết nhiệm kỳ ở Mỹ, Wilfried Eckstein đã đệ đơn sang Việt Nam, với mong muốn tìm hiểu về văn hóa, con người Việt Nam.

- Tôi đã làm việc ở Nga được 10 năm, với tôi mối liên kết giữa Nga và Việt Nam rất tương đồng. Tôi đệ đơn sang Việt Nam bởi muốn tìm hiểu về cách thức con người của đất nước này tìm kiếm và tôn vinh phẩm cách, các hệ giá trị của mình như thế nào với tư cách là người đã chiến thắng rất nhiều cuộc chiến tranh trong lịch sử. Các phẩm giá đó được hình thành, nuôi dưỡng hàng ngày như thế nào, và được thể hiện ra sao trong các tác phẩm văn học” - Wilfried Eckstein mở đầu cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về lý do ông chọn Việt Nam.

Chú thích ảnh
Ngài Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam

* Ông nghiên cứu về Truyện Kiều từ bao giờ và Truyện Kiều có phải là một cuộc khám phá mà ông chuẩn bị cho bản thân để tới Việt Nam?

- Đúng. Có thể nói đó là một trong những sự chuẩn bị của tôi trước khi đến Việt Nam. Khi tìm hiểu về Việt Nam và văn học Việt Nam thì tôi thấy rất nổi trội cái tên Nguyễn Du với Truyện Kiều. Và tôi cũng vô tình tìm được một cuốn Truyện Kiều được dịch sang tiếng Đức. Tôi đã đọc và cảm thấy rất thú vị, từ đó tôi ấp ủ ý tưởng sẽ phát triển nó thành một dự án…

Chú thích ảnh
Ông Wilfried Eckstein (trái) và nữ họa sĩ Franca Bartholomi (giữa) tại triển lãm “Nàng K...” của bà tại Viện Goethe Hà Nội

* Khoan hãy nói về dự án, trước tiên ông cho một vài đánh giá về Truyện Kiều? Đọc tác phẩm này, chi tiết nào, nhân vật nào làm ông ấn tượng nhất? Vì sao?

- Đối với tôi, tất cả những chi tiết trong Truyện Kiều đều rất thú vị. Đó là câu chuyện về một người phụ nữ đã bước vào một cuộc đời khốn khó và cơ cực trong vòng 15 năm. Thân phận người phụ nữ bị chà đạp không chỉ bởi đàn ông mà còn có cả phụ nữ. Bị đẩy đến tình thế gần như không còn lối thoát.

Ở trong văn học Đức cũng có những tình huống nhân vật bị dồn nén như vậy cho đến đường cùng tuy nhiên nó sẽ thường kết thúc bằng một sự kết liễu cuộc đời của nhân vật đấy. Còn trong Truyện Kiều thì cũng có tình tiết là Kiều định tự tử nhưng bất thành. Sự bất ngờ của tôi là ở chỗ sau khi tự tử bất thành thì Kiều quyết định sẽ sống tiếp và sống theo một cách rất riêng của mình. Và kết thúc câu chuyện thì Kiều không những lấy lại được niềm tin và khát khao được sống mà còn giành được quyền tự chủ, tự quyết định của mình.

Ở mỗi tác phẩm nghệ thuật hay văn học thì đều có một lời nhắn nhủ, một lời hứa mà tác giả muốn gửi gắm. Ở đây thì Nguyễn Du muốn nhắn nhủ sau tất cả những bất công, sự chà đạp đến với mình thì cái khát khao được sống, được là chính mình sẽ trỗi dậy và sẽ đi đến cùng.

Tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa cuốn Truyện Kiều này sang Đức (sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du cho vợ chồng dịch giả người Đức là Irene và Franz Faber và bản Truyện Kiều tiếng Đức đầu tiên đã đến với công chúng Đức năm 1964 – PV). Bởi vì trong tình hình bối cảnh lịch sử thời đó thì hành động ấy chính là lời nhắn nhủ của dân tộc Việt Nam rằng họ sẽ chiến thắng và họ sẽ giành được quyền tự quyết. Còn ngày nay bài học rút ra từ Truyện Kiều là dù có gặp những hoàn cảnh khốn khó như thế nào thì niềm tin và niềm khát khao của mỗi con người chính là động lực để tiến tới chiến thắng.

Chú thích ảnh
Tác phẩm cắt kéo và khắc gỗ khổ lớn của họa sĩ Franca Bartholomi (thuộc triển lãm “Nàng K…)

* Ông có thể cho biết, từ nhân vật Thúy Kiều, chúng ta ngẫm gì về hình ảnh và vai trò của người phụ nữ hiện đại?

- Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều cuộc trưng cầu ý kiến không chỉ của những người phụ nữ, những người đồng nghiệp của chúng tôi tại Viện Goethe mà chúng tôi còn tổ chức rất nhiều hội thảo về vấn đề này. Cũng có rất nhiều câu trả lời khác nhau, phụ thuộc vào độ tuổi của người trả lời hay phụ thuộc vào biến cố trong cuộc đời mà họ gặp phải hay vào cách nhìn, phụ thuộc vào chuyên môn, học vấn của họ.

Tuy nhiên thì hình ảnh của nàng Kiều là hình ảnh rất thời thượng trong xã hội ở mọi thời đại.

Chú thích ảnh

* Thế thì làm thế nào để tạo ra một cuộc đối thoại giữa độc giả hôm nay với Kiều, thưa ông? Và theo ông, làm thế nào để các tác phẩm văn chương kinh điển sống được trong đời sống đương đại?

- Với một người ngoại quốc như tôi thì việc đọc Truyện Kiều ngày nay sẽ có một cách nhìn hoàn toàn khác so với bối cảnh Nguyễn Du viết Truyện Kiều. Không chỉ với người đọc mà cả với những người như đạo diễn nghệ thuật hay những nhà khoa học, xã hội học, những người nghiên cứu khi tiếp nhận Truyện Kiều sẽ hiểu Truyện Kiều theo cách khác và rất riêng của mình.

Tôi tin rằng chắc chắn sẽ có những đạo diễn có cách tiếp cận khác, khai thác khía cạnh khác của Truyện Kiều mang tính hiện đại hơn. Kể cả trong các tác phẩm của nước ngoài dù là tác phẩm bằng tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Đức thì cũng có rất nhiều tác phẩm muốn khai thác vấn đề ở Truyện Kiều. Không chỉ vậy, còn có cả những nhà soạn nhạc, nghệ sẽ đều muốn khai thác cái chất của Truyện Kiều.

Tôi sẽ rất vui khi không chỉ ở Việt Nam, ở Đức mà có rất nhiều nước trên thế giới sẽ khai thác được cái hay của Truyện Kiều. Và như tôi được biết thì ở Pháp, họ cũng đã có những tác phẩm, những câu chuyện khai thác tình tiết của Truyện Kiều. Tôi nghĩ, đó được xem thay cho lời khen về tác phẩm cũng như tác giả khi mà ngày nay, sau rất nhiều năm vẫn có rất nhiều người muốn tiếp cận Truyện Kiều bằng những cách khác nhau và Truyện Kiều luôn là nguồn cảm hứng cho những người hoạt động văn hóa nghệ thuật.

* Xin cảm ơn ông!

“Tôi nghĩ con Chuột sẽ mang được rất nhiều châu báu về cái tổ của mình. Năm tới là năm con Chuột, tôi cũng xin chúc tất cả người dân Việt Nam một năm đầy may mắn và sẽ mang về cho mình thật nhiều châu báu giống như con chuột vậy!” - Wilfried Eckstein hóm hỉnh gửi lời chúc năm mới Canh Tý.

Mai Chi – Trung Kiên (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm