Một Hà Nội của 'chuyện xưa phố cũ'

23/01/2023 08:43 GMT+7 | Văn hoá

"Tôi yêu Hà Nội, dù không sinh ra ở đây. Hà Nội quyến rũ tôi qua từng ngôi nhà, góc phố, biển hiệu xi măng cũ kỹ. Những gì xưa cũ của Hà Nội luôn gợi cho tôi sự tò mò, đam mê. Tình yêu ấy khiến tôi luôn muốn tìm hiểu những câu chuyện của mảnh đất này" - tác giả Tạ Thu Phong cho biết.

Nổi tiếng từ lâu trong vai trò chuyên gia sưu tập sách báo cổ nhưng đây mới là lần thứ 3 Tạ Thu Phong được nhắc đến trên tư cách tác giả. Cuốn du khảo Hà Nội chuyện xưa phố cũ của anh đang ít nhiều thu hút sự chú ý trong thời gian qua, với 39 bài viết về mọi mặt của thành phố kể từ đầu thế kỷ XX và xa hơn nữa.

Một Hà Nội của 'chuyện xưa phố cũ' - Ảnh 1.

Tác giả Tạ Thu Phong

Các mặt sáng - tối của một Hà thành xưa

Về cái tên khá giản dị Hà Nội chuyện xưa phố cũ, tác giả cho biết:

- Quả thật, việc đặt tựa cho những cuốn sách về Hà Nội hiện dần có những thay đổi đáng kể so với các bậc tiền bối. Trước đây, các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ khi đặt tên sách thường trực diện, dễ hiểu như Hà Nội cũ của Sở Bảo Doãn Kế Thiện, Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài, Hà Nội chỉ nam của Nguyễn Bá Chính. Còn bây giờ, nhiều người muốn chọn phong cách hiện đại, gây ấn tượng và có cá tính cho những tựa sách của mình.

Một Hà Nội của 'chuyện xưa phố cũ' - Ảnh 2.

Thiếu nữ Hà Nội năm 1930. Ảnh: Tư liệu trong sách

Thú thực tôi không có năng khiếu trong việc "rút tít" để tìm một tựa sách hay. Ban đầu, tôi muốn đặt là "Hà Nội ngày tháng cũ". Rồi sau những góp ý của bạn bè và cân nhắc của bản thân, tôi chọn cái tên Hà Nội chuyện xưa phố cũ. Sự giản dị ấy làm tôi hài lòng, bởi sách thuộc thể loại du khảo (ghi chép, khảo cứu) và hướng tới sự giản dị, dễ hiểu. Thực tế, sự đơn giản dễ hiểu cũng là phong cách viết của tôi.

* Việc thu thập thông tin, tổng hợp, diễn giải… để hình thành các bài biên khảo được anh triển khai thế nào?

- Trước đây, tôi từng thực hiện cuốn Tiếng thét Yên Bái về cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân Đảng nên ít nhiều có chút kinh nghiệm. Khi bắt tay vào cuốn sách này, tôi vẫn giữ phong cách khảo cứu. Tuy nhiên, Hà Nội chuyện xưa phố cũ không phải công trình nghiên cứu như Tiếng thét Yên Bái mà thuộc thể loại du khảo nên tôi lựa chọn cách viết phù hợp: Vừa tra cứu, tổng hợp, khảo cứu thông tin vừa viết theo lối kể chuyện cho mềm mại.

Về cách thức triển khai, ban đầu tôi lựa chọn chủ đề của mỗi tiểu mục rồi thu thập tư liệu liên quan, đặc biệt là các thông tin và hình ảnh chưa được biết đến. Từ đó, tôi tiến hành hành phê khảo thông tin, tìm tới tiệm cận sự thật và diễn giải sự kiện theo lối kể chuyện riêng.

Một Hà Nội của 'chuyện xưa phố cũ' - Ảnh 3.

Tác phẩm “Hà Nội chuyện xưa phố cũ”

* Vậy trong đó, trường hợp nào khiến anh mất nhiều tâm lực nhất?

- Quả thực, nhiều đề tài về Hà Nội xưa trong cuốn sách cũng khiến tôi tốn nhiều tâm sức, mà Chuyện ông Ký Bưởi là một ví dụ. Thực tế, Bạch Thái Bưởi là nhân vật nổi tiếng của Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX và được sách báo viết tới khá nhiều. Phần lớn đều ca ngợi ông là nhà tư sản yêu nước, có tinh thần dân tộc cao nhưng mọi thứ chẳng lẽ chỉ có vậy?

Sự tò mò thôi thúc tôi tìm kiếm, chắp nối các tư liệu về ông và phát hiện nhiều chi tiết rất thú vị xoay quanh cuộc đời của nhà tư sản nổi tiếng được mệnh danh là ông vua đường sông này.

Tương tự, câu chuyện về tiệm cầm đồ Vạn Bảo trên Phố Mới (Hàng Chiếu) cũng là đề tài tôi phải tốn khá nhiều thời gian để phục dựng mô hình hoạt động và những gì xảy ra đối với tiệm cầm đồ nhất Hà Nội này.

Một Hà Nội của 'chuyện xưa phố cũ' - Ảnh 4.

Vòi nước công cộng ở Hà Nội thời Pháp. Ảnh: Tư liệu trong sách

* Anh có thể nói thêm về cách tìm đề tài cho các biên khảo của mình được tiến hành như thế nào? Có đề tài nào khiến anh tâm đắc nhưng "lực bất tòng tâm"?

- Để có kết cấu chặt chẽ, tôi chọn cách thức kể các câu chuyện theo trình tự thời gian và các lát cắt lịch sử, văn hóa, đời sống, phong tục, ẩm thực, thói quen và cả các tệ nạn xã hội. Ví dụ, các chủ đề tôi kể theo trình tự thời gian từ khi người Pháp xâm chiếm Hà Nội (Trận Cầu giấy và mả Ba Hoanh, Mộ Quan Năm) rồi đến những thay đổi của Hà Nội (Đường phố Hà Nội trước 1954), thay đổi về đời sống xã hội (Xe kéo tay và kiếp người ngựa, Ăn chơi cho đủ mọi mùi...). Từ đó tôi kể về các mặt sáng tối của xã hội Hà thành trong giai đoạn thuộc Pháp và diễn tiến về sau này.

Còn lại, chủ đề tôi rất thích khảo cứu nhưng chưa có điều kiện thực hiện đó chính là chuyện về các hãng buôn của Hà Nội xưa. Đây là đề tài hay, hấp dẫn nhưng đòi hỏi khá nhiều công sức. Và đề tài này rất khó gói gọn ở một tiểu mục nhỏ bé trong cuốn sách. Bởi vậy, ở Hà Nội chuyện xưa phố cũ tôi mới chỉ kể sơ lược một số hãng buôn lớn như Quảng Hưng Long, hiệu ảnh Hương Ký và chờ trở lại với đề tài này trong một nghiên cứu chuyên biệt khác.

"Trong quá trình sưu tầm, tôi phát hiện những thông tin rất hay trên các trang sách báo cũ - chìa khóa mở ra các đề tài khảo cứu sau này" - tác giả Tạ Thu Phong.

Có một dòng chảy về "Hà Nội quá vãng"

* Trước khi trở thành một tác giả, anh được biết tới khá nhiều trong vai trò một người sưu tập sách báo, tư liệu cũ tại Hà Nội. Vậy câu chuyện ở đây có phải "nghề chơi dẫn đến nghề viết"?

- Tôi từng nhận được những câu hỏi tương tự. Thực ra mọi thứ không hẳn như vậy. Tôi là một luật sư, công việc lẽ ra không liên quan gì đến lịch sử hay nghiên cứu về Hà Nội. Nhưng, mong ước trở thành nhà nghiên cứu đã ấp ủ trong tôi từ  khi còn là một chàng sinh viên trường Luật. Và sau này khi đi làm, tôi vẫn không ngừng theo đuổi mơ ước đó.

Là luật sư nên tôi rất hiểu tầm quan trọng của văn bản, tài liệu trong các hoạt động nghiên cứu. Tôi nghĩ rằng ngoài việc nắm vững phương pháp, điều đầu tiên để bước vào con đường nghiên cứu chuyên nghiệp là tư liệu. Và tôi bắt đầu chuẩn bị viết sách bằng việc tìm kiếm thu thập tài liệu sách báo.

Tuy nhiên, trong quá trình ấy, chính vẻ đẹp mộc mạc xưa cũ của sách báo xưa đã hớp hồn tôi. Tôi trở nên say mê với những tờ báo cũ, những cuốn sách cổ lúc nào không biết.

Cũng trong quá trình sưu tầm, tôi phát hiện những thông tin rất hay trên các trang sách báo cũ - chìa khóa mở ra các đề tài khảo cứu sau này. Có lẽ, nếu không phải người sưu tầm sách báo tư liệu cũ thì tôi sẽ rất khó khăn trong việc tìm đề tài khảo cứu và sẽ chẳng viết được cái gì.

Một Hà Nội của 'chuyện xưa phố cũ' - Ảnh 6.

Một tiệm cao lâu tại phố Hàng Buồm năm 1951. Ảnh tư liệu trong sach

* Trong mấy năm qua, thị trường xuất bản đang xuất hiện - và được tiếp nhận - khá nhiều khảo cứu về lịch sử và những giá trị cũ của Hà Nội trong quá khứ. Từ góc độ của mình, anh có thể lý giải điều này?

- Cũng dễ hiểu thôi, hiếm có mảnh đất nào nhận được nhiều tình yêu như Hà Nội và cũng khiến người ta say đắm như Hà Nội. Từ trước tới nay, những đầu sách viết về Hà Nội vẫn là dòng chảy không ngừng - cả từ sự hào hứng của người viết và cả về quy luật cung cầu khi độc giả luôn quan tâm.

Riêng với các sách khảo cứu về Hà Nội trong quá khứ, có lẽ mọi thứ bắt đầu từ việc những gấp gáp của cuộc sống hiện đại đã làm mảnh đất này thay đổi rất nhiều. Bây giờ, những tòa nhà cao tầng dần mọc lên ngay ở những địa danh xưa cũ từng gắn bó sâu đậm trong tâm thức người dân. Rồi, sự xô bồ náo nhiệt khiến nhiều người nhớ tiếc một Hà Nội thanh bình, yên ả xưa cũ.

Một Hà Nội của 'chuyện xưa phố cũ' - Ảnh 7.

Đường Cổ Ngư xưa và Tam quan đền Quán Thánh. Ảnh: Tư liệu trong sách

Ngoài ra Hà Nội là mảnh đất của nhiều thế hệ gia đình danh gia vọng tộc sinh sống. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả vòng quay khắc nghiệt của lịch sử, nhiều người trong số họ đã rời nơi này nhưng vẫn đau đáu nhớ đến Hà Nội quá vãng, vẫn cố gắng tìm kiếm dấu ấn xưa của Hà Nội qua những trang sách. Đó là một trong những nguyên nhân để dòng sách khảo cứu về Hà Nội có sức sống và chỗ đứng riêng cho mình.

* Cuối cùng, khi đọc một cuốn sách về Hà Nội, anh thường hi vọng tìm thấy điều gì? Và ngược lại, với cuốn sách này, anh muốn độc giả sẽ được chia sẻ những gì trong đó?

- Mỗi tác giả viết về Hà Nội mang lại cho tôi những điều khác nhau. Chẳng hạn, bộ Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX của nhà giáo Nguyễn Văn Uẩn thực sự là công trình nghiên cứu toàn diện và đầy đủ nhất về Hà Nội tính đến thời điểm hiện tại. Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài giúp tôi hiểu hơn về Hà Nội thời thuộc Pháp qua những trải nghiệm chân thực của chính tác giả. Tuyển tập tư liệu Phương Tây do PGS-TS Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên lại mang tới nhiều tư liệu quý về Thăng Long từ thế kỷ thứ XVII qua ghi chép của của các giáo sĩ phương Tây. Tương tự, những Nguyễn Vinh Phúc, Philippe Papin - hay gần đây là Đỗ Phấn, Nguyễn Trương Quý, Nguyễn Ngọc Tiến - với phong cách riêng cũng mang lại cho người đọc những cảm xúc khác nhau trong tình yêu chung về Hà Nội.

Cũng như các tác giả đương đại, tôi viết về Hà Nội bằng tình yêu với mảnh đất này. Do không sinh ra và lớn lên tại đây nên tôi lựa chọn viết về nó qua những trang tư liệu thời Pháp. Những thiếu hụt về trải nghiệm, tôi bổ khuyết bằng cảm xúc qua những trang viết của các tác giả khác, chẳng hạn như những gì mà nhà văn Đỗ Phấn đã viết về người Hà Nội trong thời bao cấp và chiến tranh.  Với Hà Nội chuyện xưa phố cũ, nếu giúp bạn độc hiểu thêm chút gì về thành phố này, tôi đã đủ lấy làm hạnh phúc.

*Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!

Một Hà Nội đặc thù

Ở cuốn sách này, từ chuyện ăn - mặc - chơi với Cao lâu tửu điếm, Món Pagpag Cửa Đông, Chợ hoa phố Hàng Lược đến chuyện về những nơi chốn cụ thể như Vui nhất có chợ Đồng Xuân, Ngõ Tạm Thương, thương em thì ngỏ, Trường tư thục Thăng Long, từ chuyện về những kiếp người làm phu xe, làm đao phủ trên đất Hà thành cũ đến những thương hiệu nay chỉ còn là hoài niệm như Quảng Hưng Long phố Hàng Bồ, Hương Ký phố Đồng Khánh… tất cả đều là những nét phác họa có độ dài vừa đủ để tạo nên bức tranh sinh động về một nơi chốn đầy ắp di sản văn hóa như Hà Nội.

Hoàng Nguyên - Xuân Quý Mão 2023

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm