Mở cánh cửa cho mỹ thuật hội nhập

30/05/2021 07:24 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Để hội họa thu hút đông khách thưởng lãm, nhiều họa sĩ, nhà chuyên môn tại Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực mang đến nhiều không gian trưng bày nghệ thuật mới mẻ, thú vị nhằm giúp khán giả nói chung cảm nhận được nội dung; đồng thời, định hình thị hiếu thưởng thức cho khán giả trẻ.

Khắc gỗ của Khắc Hân: Những đứa trẻ 'khác' trong mỹ thuật Việt Nam

Khắc gỗ của Khắc Hân: Những đứa trẻ 'khác' trong mỹ thuật Việt Nam

“Nếu chúng ta nhìn vào hình tượng những đứa trẻ trong mỹ thuật Việt Nam, cho đến bây giờ vẫn vẹn nguyên những vẻ đẹp trong sáng, tinh túy gắn với người phụ nữ Việt Nam… Các họa sĩ tiền bối đã rất thành công. Nhưng những đóng góp xuất sắc của Hân đã mang tính lật trang cho hình tượng trẻ em trong nền mỹ thuật Việt Nam đương đại”.

* Không gian kết nối người yêu hội họa

Ra mắt vào tháng 5/2021, “Ngõ Art Gallery” (đường Võ Trường Toản, phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức) là không gian trưng bày hơn 100 bức tranh của 12 họa sĩ với chủ đề “Đất nước và con người”, là điểm đến thú vị dành cho những người có niềm đam mê với nghệ thuật.

Tại đây, khách tham quan có cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm tranh vẽ giá trị của  những họa sĩ tên tuổi. Ngoài đặc quyền thưởng lãm tranh, giới mộ điệu còn có cơ hội tiếp xúc, giao lưu cùng những nhà chuyên môn có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành hội họa Việt Nam và trên thế giới. Thông qua những buổi trưng bày, tọa đàm và hội thảo, khách tham quan sẽ có thêm kiến thức và những góc nhìn mới lạ về mỹ thuật.

Chú thích ảnh
Ngõ Art Gallery. Ảnh: Internet

Tương tự, phòng trưng bày nghệ thuật “Monosketch” (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), “Sàn Art” (Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh)… cũng đang là điểm đến quen thuộc của nhiều bạn trẻ có niềm đam mê hội họa. Trong đó, các tác phẩm đều sử dụng những hoa văn, họa tiết, nét đặc trưng dân tộc để kể những câu chuyện văn hóa bằng các hình thức mới, như đồ họa mở, sắp đặt đa phương tiện, video art trên lụa, nhiếp ảnh phù điêu, sắp đặt chạm khắc đồng tương tác, sắp đặt hàn sắt chuyển động…

Tiến sỹ, họa sỹ Trang Phượng, người từng có hơn 50 năm cầm cọ vẽ nhận định, “Sàn Art”, “Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory”, “Monosketch”… là những không gian trưng bày sáng tạo thu hút khán giả lẫn nghệ sĩ trẻ. Bên cạnh đó, các không gian này phần nào đáp ứng nhu cầu triển lãm và tạo không gian sáng tạo, truyền cảm hứng sáng tác, năng lượng tích cực cho họa sĩ trẻ để họ phát huy năng lực của mình. Đây còn là dịp các họa sĩ trẻ có cơ hội giao lưu cùng các họa sĩ có nhiều kinh nghiệm nhằm nghiên cứu mỹ thuật thông qua những chủ đề ý nghĩa.

Tới tham quan tại phòng tranh ở “Ngõ Art”, anh Lê Minh Trí (thành phố Thủ Đức) chia sẻ, tranh ở đây khiến người xem dễ hình dung, cảm nhận vì từng nét vẽ như ghi lại khoảnh khắc ở cuộc sống thường nhật. Bên cạnh đó, “Ngõ Art” còn là địa điểm quy tụ nhiều họa sĩ tên tuổi và nhiều dòng tranh giúp cho mỗi người có thể thưởng lãm theo ý thích riêng của mình.

Ấn tượng với triển lãm “Vết in từ đất” đang diễn ra tại “Sàn Art” (đường Bến Vân Đồn, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh), chị Nguyễn Minh Ngọc (Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, phòng trưng bày nghệ thuật tại địa điểm này được thiết kế vừa vặn, có điểm nhấn đặc biệt, các khu vực tranh do nghệ sĩ sáng tác, nghiên cứu mỹ thuật hay chiếu phim đều tách bạch hẳn với không gian trưng bày giúp người xem dễ theo dõi, hình dung.

Nhận định về các phòng trưng bày nghệ thuật hiện nay, họa sĩ Mai Duy Minh, người từng có kinh nghiệm tổ chức thành công hơn 20 triển lãm về hội họa tại miền Bắc và miền Nam cho rằng, trình độ thể hiện trong hội họa là vấn đề không phải một sớm một chiều các họa sĩ đạt được, nhất là đối với họa sĩ trẻ. Tuy nhiên, sự cố gắng và thành quả lao động nghệ thuật được thể hiện qua các phòng triển lãm nghệ thuật gần đây như “Ngõ Art”, “Sàn Art”… của các họa sĩ thời nay rất đáng được khích lệ và tôn trọng. Điều đó thể hiện một bộ phận thế hệ trẻ vẫn luôn dành nhiệt huyết cho nghệ thuật, với mong muốn thông qua từng nét vẽ, cách thể hiện các bức tranh, các nghệ sĩ có thể cùng nhau kết nối, thu hút đông đảo công chúng và đánh thức ý tưởng của những người có chung đam mê, sáng tạo.

* Tích cực đổi mới

Nhiều chuyên gia cho rằng, sự góp mặt của “Ngõ Art” hay các phòng trưng bày nghệ thuật khác hiện nay không phải là một điều mới mẻ trong thị trường mỹ thuật. Tuy nhiên, trong xu hướng mới của các phòng trưng bày nghệ thuật hiện nay, việc chú trọng không gian để người xem thưởng thức và tìm hiểu về mỹ thuật góp phần nâng cao thẩm mỹ trong cộng đồng, đào tạo một lớp khán giả biết thưởng thức nghệ thuật.

Chú thích ảnh
Sàn Art

Giới chuyên môn vẫn thường nhắc lại những triển lãm mang tính đột phá như triển lãm “Tác phẩm mới” từ những năm 2000 của nhóm 10 họa sĩ Thành phố Hồ Chí Minh hay nhóm 5 người (Ðặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, Trần Lương, Phạm Quang Vinh, Hồng Việt Dũng) bắt đầu từ năm 2012...  Song song với các triển lãm nhóm và cá nhân tự do, các triển lãm có được từ hoạt động mỹ thuật do Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam tổ chức vẫn duy trì và mang nhiều yếu tố đổi mới, ngày một chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, các triển lãm trao đổi giao lưu với nước ngoài thời kỳ này phát triển mạnh, ngày một xa hơn và mang tính toàn cầu.

Theo họa sĩ Hứa Thanh Bình, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc sáng tạo của Ngõ Art Gallery cho biết, phòng trưng bày dự định tổ chức những buổi gặp gỡ giao lưu dành cho những khán giả thích hội họa, có cơ hội tìm hiểu về mỹ thuật và âm nhạc vào Chủ nhật cuối cùng mỗi tháng. Nội dung tại triển lãm sẽ xoay quanh các chủ đề về lịch sử mỹ thuật thế giới và Việt Nam từng giai đoạn, từng trường phái, nhóm hay từng họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng của mỹ thuật từ thời cổ đại tới nay. Bên cạnh đó, sẽ có những chuyên đề về lịch sử âm nhạc, các trường phái sáng tác, nhạc sĩ với những tác phẩm tiêu biểu của âm nhạc thế giới và Việt Nam. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động này đang tạm ngưng.

Họa sĩ Nguyễn Trung Tín - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần xây dựng nhiều buổi workshop đa dạng các đề tài như mỹ thuật đương đại, mỹ thuật mới ở Việt Nam và thế giới, chất liệu sáng tác mỹ thuật truyền thống và hiện đại, tổ chức sáng tác tại chỗ hoặc ngoài trời... góp phần ghi nhận những thành tựu, nỗ lực của họa sĩ cho sự phát triển của thị trường mỹ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng giao lưu văn hóa.

Đồng quan điểm, họa sĩ Việt Thị Kim Quyên - người từng được chọn tham gia triển lãm mỹ thuật Đông Nam Á cho rằng, thế giới đang phát triển rất nhanh, các họa sĩ, nghệ sĩ Việt Nam cũng không thể dừng lại mà cần tích cực, chủ động trao đổi về lý luận và sáng tác giao lưu cùng nhau. Từ đó, các phòng trưng bày triển lãm hướng tới xây dựng và phát triển theo hướng là nơi tìm và phát hiện các nghệ sĩ tiềm năng của Việt Nam, đồng thời có những chính sách cụ thể để thúc đẩy sáng tạo mang tính mới mẻ, tính nhân văn và giá trị thẩm mỹ cao.

Thu Hương - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm