Dư âm buồn từ một di sản Tây Nguyên

15/03/2014 08:49 GMT+7 | Di sản


(Thethaovanhoa.vn) - Mừng vì bộ đồ nghề bắt và thuần dưỡng voi của Ama Kông được tặng cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhưng những người yêu mến văn hóa Tây Nguyên cũng không khỏi chạnh lòng khi nhìn vào sự mai một của một di sản phi vật thể cực lớn: nghệ thuật bắt và thuần dưỡng voi rừng.

Chiều 14/3, lễ tiếp nhận bộ hiện vật này đã được tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học trước sự chứng kiến của ông Khăm Phết Lào, con trai thứ hai của "vua voi" Ama Kông.

Giữ lại, sẽ mất nốt

Bộ sưu tập này gồm hơn 20 hiện vật khác nhau như dây buộc voi, thòng lọng, tù và, búa... và được chế tác bởi những nguyên liệu bản địa từ Tây Nguyên như tre, mây, sáp ong, sừng, da trâu. Đáng chú ý hơn, bộ đồ này còn có "tuổi đời" gần 200 năm, gắn liền với câu chuyện của 2 "vua voi" Tây Nguyên nổi tiếng là cha con Y Thu - Ama Kông. Nếu Y Thu (1828 - 1938) coi là ông tổ của nghề bắt voi rừng tại Bản Đôn (và từng được quốc vương Thái Lan phong danh hiệu "vua săn voi") thì con rể ông, Ama Kông (1910 - 2012), lại càng nổi tiếng hơn với thành tích từng bắt 298 con voi trong cuộc đời mình.


Vợ chồng ông Khăm Phết Lào trao tặng tấm da phủ lưng voi (tượng trưng bộ sưu tập) cho ông Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng dân tộc học VN

"Bộ đồ nghề này còn gắn với 2 lần bắt được voi trắng. Con voi ông ngoại bắt được tặng cho quốc vương Thái Lan năm 1861, rồi quốc vương tặng lại cho ông ngoại danh hiệu "vua săn voi". Còn voi trắng do bố tôi bắt thì phải tặng cho Tổng thống chế độ Sài Gòn cũ Ngô Đình Diệm" - ông Khăm Phết Lào kể.

Trong bộ sưu tập đặc sắc này, 2 hiện vật giá trị nhất phải kể tới là chiếc gùi đeo lưng Sheh Muk đan bằng vỏ cây rừng vô cùng tinh xảo và bộ dây buộc voi bằng da trâu. "Năm xưa, ông ngoại mua chiếc gùi này giá đúng bằng một con voi"- Khăm Phét Lào nói. Còn bộ thừng da trâu là kết quả của cả chục năm chế tác từ những nghệ nhân bản Đôn”.

"Lúc bố mất, Khăm Phét Lào được thừa kế bộ đồ này. Ông dặn tôi giữ cẩn thận, vì đó là thứ quý giá nhất đối với nghề bắt voi của người M’Nông mình. Nghĩ mãi, tôi thấy chuyển cho bảo tàng là đúng nhất, vì nó sẽ được giữ gìn cẩn thận và giới thiệu với người xem cả nước về nghề bắt voi. Để ở nhà, con cháu sau này dễ làm thất lạc" - Khăm Phét Lào kể.  

Lối nào cho "di sản bắt voi"?

Khăm Phét không theo nghề bắt voi, nhưng Y Kông - anh trai anh - cũng là một quản voi chuyên nghiệp và từng bắt 38 con voi trong những năm trước đây. Và bộ đồ đặc biệt của cha con ông Ama Kông lẽ ra có thể kéo dài thời gian sử dụng của mình, nếu như không có quyết định cấm săn bắt voi vào năm 1992 của Bộ Lâm nghiệp. Từ đó, bộ đồ được treo mãi trên tường nhà Ama Kông. Khách tới thăm, xem và nghe kể chuyện về nghề săn voi khi xưa, rồi "mừng tuổi" gia chủ vài chục, vài trăm ngàn đồng.

Không phải ngẫu nhiên mà du khách tới Tây Nguyên đều ghé thăm nhà Ama  Kông để nghe những câu chuyện cũ. Cũng không phải ngẫu nhiên, nghệ thuật bắt voi và thuần dưỡng voi - với hàng loạt phong tục và quy ước kèm theo - mặc nhiên vẫn được coi là một khái niệm văn hóa gắn liền với vùng đất này. Bởi thế, khi nghề săn voi và thuần dưỡng voi không còn cơ hội tồn tại, rất nhiều người đã luyến tiếc và lo lắng cho khả năng mất đi một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của VN.

22 năm đứt đoạn, những nghệ nhân bắt voi huyền thoại như Ama Kông gần như không còn. Nghệ thuật bắt và thuần dưỡng voi rừng cũng theo đó mà mai một hẳn. Tôi tiếc vô cùng nhưng không biết nên làm thế nào?" - Khăm Phét Lào nói. "Nuôi voi nhà khác hẳn với việc bắt voi rừng, bởi vậy việc áp dụng nghệ thuật thuần dưỡng voi rừng vào đây gần như không phù hợp".

Sự thật, trong vài năm gần đây, vấn đề tìm hướng lưu giữ và bảo tồn loại hình di sản này đã được các chuyên gia nhắc tới - đặc biệt là trong bối cảnh những con voi nhà tại Đắk Lắk ngày một già yếu và gần như không có khả năng sinh nở. Bởi thế, ý tưởng tìm hướng tổ chức bắt và thuần dưỡng voi rừng một cách có kiểm soát, kết hợp với việc xây dựng các khu sinh thái để bảo tồn loại động vật hoang dã này, bắt đầu được một số cá nhân đề ra.

"Nghệ thuật bắt và thuần dưỡng voi Tây Nguyên là một phần của văn hóa VN và hoàn toàn có thể đưa vào danh mục di sản phi vật thể cấp quốc gia. Vẫn biết, việc tìm được hướng cân bằng giữa công ước quốc tế về bảo vệ voi và nhu cầu duy trì, bảo tồn di sản này là rất phức tạp, nhưng chúng ta cũng cần có hướng nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm quốc tế để có lời giải hợp lý" - nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm