Luật sư nói về tranh chấp tên gọi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam: Bên tuyên bố quyền sở hữu phải đưa ra được chứng nhận của mình

01/03/2023 10:00 GMT+7 | Giải trí

Một sự kiện hy hữu cả trong tư pháp lẫn giải trí khi hôm qua, JKN Universe LLC, đơn vị sở hữu Miss Universe - Hoa hậu Hoàn vũ và Unicorp – Unimedia đều đưa ra tuyên bố khẳng định quyền sở hữu tài sản trí tuệ với tên gọi "Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam".

Như vậy vụ tranh chấp liên quan thương hiệu "Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam" đã không chỉ dừng ở những tuyên bố của tổ chức trong nước mà đã liên quan tới các tổ chức quốc tế.

Để rộng đường dư luận, PV báo điện tử Thể thao và Văn hoá (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với nữ luật sư Trần Tám, người đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong việc tư vấn pháp luật liên quan đến lĩnh vực bản quyền ở Việt Nam.

Luật sư Trần Tám: Bên tuyên bố quyền sở hữu phải đưa ra được chứng nhận của mình - Ảnh 1.

Đương kim Hoa hậu Hoàn vũ 2022 R'Bonney Gabriel. Ảnh: MUO

* Thưa luật sư, chị nhìn nhận góc độ pháp lý vụ việc tranh chấp bản quyền liên quan tới thương hiệu "Miss Universe" và "Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam" giữa Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ (JKN) và Công ty Cổ phần Hoàn vũ Sài Gòn (Unicorp) - Công ty TNHH Universe Media Vietnam (Unimedia) như thế nào?

- Các tranh luận qua lại liên quan đến thương hiệu "Miss Universe" và "Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam" là tranh chấp về tên gọi một cuộc thi sắc đẹp.

Dưới góc độ luật sở hữu trí tuệ, tên gọi một cuộc thi sắc đẹp có thể được bảo hộ là nhãn hiệu, nếu nó đảm bảo đầy đủ các điều kiện được bảo hộ theo quy định của pháp luật. Vì vậy, đơn vị nào đã được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho tên gọi cuộc thi này thì đơn vị đó có lợi thế hơn trong vụ việc.

* Như vậy mấu chốt là đăng ký quyền sở hữu nhãn hiệu chứ không phải đăng ký quyền tác giả?

- Đăng ký đối tượng nào thì cần phải xác định đối tượng tranh chấp là gì. Nếu tranh chấp về tên cuộc thi thì đối tượng đăng ký phải là nhãn hiệu.

Theo quy định tại Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu là đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ thông qua thủ đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ.

Luật sư Trần Tám: Bên tuyên bố quyền sở hữu phải đưa ra được chứng nhận của mình - Ảnh 2.

Nữ doanh nhân Jakapong "Anne" Jakrajutatip (giữa) hiện là người nắm quyền sở hữu thương hiệu Hoa hậu Hoàn vũ. Ảnh: BTC Miss Universe Vietnam

* Trong thông tin gửi báo giới Việt Nam, JKN khẳng định Unicorp không có quyền sử dụng tài sản trí tuệ của họ, trong đó bao gồm tên Hoa hậu Hoàn vũ và bản dịch tiếng Việt của nó là Hoàn hậu Hoàn vũ Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng việc một tổ chức quốc tế có quyền nhãn hiệu với tên gọi gắn chữ "Việt Nam" là điều vô lý?

- Theo thông tin tôi tra cứu được trên website của Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), nhãn hiệu "Miss Universe" do IMG Universe, LLC (New York, Hoa Kỳ) đăng ký. Và thời điểm hiện tại ghi nhận chủ sở hữu là Miss Universe L.P., LLLP (New York, Hoa Kỳ).

Đúng là pháp luật có quy định một dấu hiệu nếu thuần túy là tên địa danh, nhất là tên quốc gia sẽ không được cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu cho bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào.

Tuy nhiên, cả cụm từ "Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam" thì khác. Bởi ngoài tên quốc gia (Việt Nam) thì còn có các dấu hiệu khác là "Hoa hậu Hoàn vũ", và dấu hiệu này có thể được cấp chứng nhận bảo hộ nếu nó đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn bảo hộ cho một nhãn hiệu.

Luật sư Trần Tám: Bên tuyên bố quyền sở hữu phải đưa ra được chứng nhận của mình - Ảnh 3.

CEO Bảo Hoàng của Unicorp - Unimedia từng giữ bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ tại Việt Nam. Ảnh: Fanpage Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam

* Unicorp – Unimedia đưa ra quan điểm: "Tại Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam là thương hiệu cuộc thi sắc đẹp uy tín do Unicorp - Unimedia sáng lập và độc quyền sở hữu, khai thác". Chị nhận định về quan điểm này ra sao?

- Tôi tra cứu thì chưa thấy ai nộp đăng ký nhãn hiệu cho các tên "Hoa hậu Hoàn vũ" hay "Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam", cũng có thể đơn mới nộp nên kết quả tra cứu không hiển thị được.

Theo quan điểm của tôi, tên gọi "Hoa hậu Hoàn vũ" có thể bị coi là tương tự với nhãn hiệu "Miss Universe" (đã được cấp văn bằng bảo hộ) về mặt ý nghĩa.

Vì thế, nếu Unicorp chưa nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho tên "Hoa hậu Hoàn Vũ" hoặc đã nộp nhưng nộp sau đơn đăng ký "Miss Universe" thì có thể khiến họ bị mất lợi thế trong việc sở hữu nhãn hiệu này.

Tất nhiên, "Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam" có được cấp văn bằng bảo hộ hay không thì phải dựa vào kết luận của Cục Sở hữu trí tuệ thông qua quá trình thẩm định nội dung đơn đăng ký (nếu có).

Với những đối tượng sở hữu trí tuệ mà pháp luật quy định rằng căn cứ phát sinh, xác lập quyền dựa trên thủ tục đăng ký và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ thì để chứng minh quyền sở hữu, người tuyên bố quyền sở hữu phải đưa ra được chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ cấp cho mình.

Luật sư Trần Tám: Bên tuyên bố quyền sở hữu phải đưa ra được chứng nhận của mình - Ảnh 4.

Quỳnh Nga (thứ hai từ phải sang) vừa được công bố là Tân giám đốc quốc gia của Miss Universe Vietnam. Ảnh: BTC

* Vừa qua, Miss Universe cùng Chủ tịch người Thái Lan - bà Anne Jakkaphong Jakrajutatip - đã tới Việt Nam ký kết và công bố bản quyền với Công ty Cổ phần Thương mại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Vậy trong trường hợp Công ty này xin cấp phép tổ chức cuộc thi có tên gọi "Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam" tại Việt Nam thì sao, thưa chị?

- Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn thì đơn vị tổ chức cuộc thi người đẹp không phải cung cấp chứng nhận quyền sở hữu đối với nhãn hiệu cho tên gọi cuộc thi khi làm thủ tục thông báo cuộc thi đến UBND cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc thi. Điều này có nghĩa là, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam không có lý do từ chối, không đồng ý cho Công ty trên tổ chức một cuộc thi với tên gọi như họ mong muốn.

Thủ tục xử lý hành vi xâm phạm nhãn hiệu này lại là một loại thủ tục khác, không liên quan đến thủ tục cấp phép tổ chức một cuộc thi sắc đẹp.

Luật sư Trần Tám: Bên tuyên bố quyền sở hữu phải đưa ra được chứng nhận của mình - Ảnh 5.

Top 3 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022. Ảnh: Fanpage Fanpage Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam

* Trong trường hợp hai bên phải đưa nhau ra toà thì dự kiến tình huống pháp lý tiếp theo là gì?

- Theo tôi được biết từ trước đến nay cũng có vài vụ tranh cãi qua lại trên truyền thông giữa các bên về tên gọi các cuộc thi sắc đẹp do có sự hiểu lầm về đơn vị tổ chức, nhưng lại chưa có bất kỳ một thông tin nào về việc các đơn vị đã kiện nhau ra tòa và được tòa án xử lý.

Việc sử dụng tên gọi cuộc thi tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ cho người khác thì có thể đối diện với nguy cơ kiện tụng dân sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hoặc cũng có thể bị cơ quan hành chính xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo thủ tục hành chính, tùy chọn vào lựa chọn của chủ sở hữu nhãn hiệu.

Nếu vụ việc này được đưa ra yêu cầu Tòa án giải quyết thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi mà công chúng vẫn thắc mắc về tên gọi các cuộc thi sắc đẹp. Sự việc diễn ra như thế nào phụ thuộc vào việc hai bên yêu cầu gì, cung cấp chứng cứ ra sao để chứng minh cho các yêu cầu của mình là hợp lý. Và tất nhiên, như tôi nói từ đầu, lợi thế sẽ thuộc về bên nắm giữ các chứng nhận về quyền sở hữu trí tuệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Minh Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm