Như Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã đề cập đến trong bài về đạo diễn Phạm Kỳ Nam (nghệ danh Hiếu Dân) và phim "Chung một dòng sông" (số ra ngày 29/4/2020): Ông không chỉ là vị đạo diễn phim truyện đầu tiên của Việt Nam mà còn là tác giả của một số bộ phim tài liệu quan trọng như: "Nguyễn Thái Bình" (1972), "Ngày Độc lập 2/9/1945" (1975), "Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh" (1975), "Miền Nam trong trái tim tôi"(1976)…

Viết tiếp câu chuyện về đạo diễn Phạm Kỳ Nam: Chiếc 'chìa khóa vàng' để mở 'kho vàng' lịch sử

(Thethaovanhoa.vn) - Như Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã đề cập đến trong bài về đạo diễn Phạm Kỳ Nam (nghệ danh Hiếu Dân) và phim Chung một dòng sông (số ra ngày 29/4/2020): Ông không chỉ là vị đạo diễn phim truyện đầu tiên của Việt Nam mà còn là tác giả của một số bộ phim tài liệu quan trọng như: Nguyễn Thái Bình (1972), Ngày Độc lập 2/9/1945 (1975), Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (1975), Miền Nam trong trái tim tôi (1976)… Trong đó nổi bật là những bộ phim tư liệu về Bác.

1. Khi tôi viết bài viết này, NSND Phạm Quốc Trung - con trai đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã cung cấp cho tôi một số bức ảnh cha mình và đoàn sang Pháp, Anh, Italy làm bộ phim Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Sự việc diễn ra vào mùa Thu năm 1974, đoàn phim gồm: Đạo diễn Phạm Kỳ Nam, biên kịch: Hồng Hà, quay phim: Nguyễn Như Ái. Trước khi lên đường, đoàn đã đến thăm nhà sàn của Bác Hồ và tại đó được đồng chí Trường Chinh dặn dò, giao nhiệm vụ quan trọng: “Trong thời gian làm phim, các đồng chí cố gắng đi tìm phim tài liệu quay về ngày 2/9/1945 ở Quảng trường Ba Đình. Nếu may ra mà tìm được, phải mua bao nhiêu tiền thì Đảng và Nhà nước sẽ cấp đủ tiền để đoàn làm phim mua bằng được”.

Các nghệ sĩ trong đoàn xúc động hiểu được gánh nặng trên vai cùng trách nhiệm và niềmvinh dự lớn.

Trong chuyến đi này, đoàn làm phim may mắn được bạn tặng những thước phim lịch sử quý giá. Đây là thước phim tư liệu duy nhất quay cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình.

Chú thích ảnh
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đạo diễn Phạm Kỳ Nam từng kể về ước muốn tái hiện sự kiện này trước khi tìm được những thước phim: “Hình ảnh về Ngày Tết Độc lập 2/9/1945 để lại quá ít ỏi, chỉ có một số tấm ảnh. Lúc đó, chúng ta không có lấy một máy quay phim để ghi lại cảnh hào hùng của sự kiện lịch sử đó. Cũng vì thế ngay sau khi điện ảnh cách mạng ra đời tại chiến khu Việt Bắc, anh em đã bàn với nhau về việc dựng lại cảnh ngày 2/9/1945 để đưa vào phim. Khi đó đang giữ cương vị Giám đốc, đạo diễn Phạm Văn Khoa nói: “Chiến thắng về Hà Nội, ta sẽ dựng lại cảnh ngày độc lập. Chính mình tham gia dựng lễ đài mà, mình còn nhớ như in ngày đó. Ta mời Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập để đưa vào phim” (theo Lịch sử điện ảnh Việt Nam).

Nhưng ước mong của những nhà làm phim khi về giải phóng Thủ đô đã không thực hiện được vì cả dân tộc lại bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đất nước bị chia cắt 2 miền. Và thật may mắn cho dân tộc ta khi đoàn làm phim được bạn tặng cho những thước phim tư liệu lịch sử vô cùng quý giá vào thời điểm quan trọng sau gần 30 năm Hồ Chủ Tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Khi về nước, tư liệu quý đó đã được các nghệ sĩ đã dàn dựng và Xưởng phim Tài liệu Trung ương đã gấp rút sản xuất bộ phim Ngày độc lập 2/9/1945. Bộ phim lần đầu tiên công chiếu nhân kỷ niệm 30 năm Quốc khánh 2/9 đã mang đến bao cảm xúc cho công chúng.

Đạo diễn Phạm Kỳ Nam từng kể lại cơ duyên đoàn làm phim có những thước phim lịch sử “độc nhất vô nhị” ấy: “Sang Pháp năm đó, chúng tôi tìm gặp rất nhiều nhân chứng lịch sử và các tư liệu liên quan đến hoạt động của Bác Hồ ở Pháp vào những năm 1920 để làm phim. Thế rồi một buổi sáng nọ, có người liên hệ với tôi qua điện thoại, giọng nói ấm áp: “Có một người bạn của Việt Nam, luôn quý mến nhân dân Việt Nam, muốn gặp ông để tặng món quà nhỏ. Tôi mong món quà này rất quý cho công việc của ông”.

Chúng tôi đến ngay nơi hẹn. Ông chủ nhà thân mật tiếp và đưa hộp phim 16 ly đã cũ. Chúng tôi xúc động muốn được xem ngay hộp phim ông chủ nhà tặng. Tôi cầm dao khẽ nậy nắp hộp phim bóc lớp giấy chống ẩm, thấy cuộn phim nhỏ phần đầu bị ướt. Tôi nhẹ thay kéo dần từng đoạn phim, soi lên cửa sổ.

Mới xem qua vài khuôn hình, chúng tôi đã bàng hoàng vì hình ảnh hiện lên cảnh Quảng trường Ba Đình, quần chúng mít tinh, hình ảnh lễ đài ngày 2/9/1945 trang nghiêm. Ôm hộp phim vào lòng, phần xúc động, phần muốn về xem lại phim trên máy dựng cảnh nên chúng tôi chỉ kịp cảm ơn ông chủ mà quên hỏi về nguồn gốc phim.

Về đến nơi làm việc, lòng vừa mừng rỡ, hy vọng, vừa lo âu phấp phỏng sợ phim bị lão hóa, khô giòn, khi lên máy dựng sẽ bị đứt. Chúng tôi cho lau máy thật sạch sẽ, chỉ sợ hạt bụi sẽ làm xước phim. Tuy đã mấy chục năm rồi, nhưng do khí hậu ở Pháp khô ráo, nên hình phim còn sáng. Mấy anh em ngồi xem ai nấy đều nín lòng khi thấy lễ đài, hình ảnh Bác Hồ, quần chúng náo nức với các khẩu hiệu Ngày Độc lập muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm…Toàn bộ đoạn phim chiếu lên chỉ vài phút, nhưng thật cảm động” (theo Lịch sử điện ảnh Việt Nam).

Tôi hỏi NSND Nguyễn Như Vũ - Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu Khoa học Việt Nam- con trai của nhà quay phim Nguyễn Như Ái- một thành viên của đoàn làm phim Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và anh cung cấp phóng sự Đi tìm những tác giả của bộ phim “Ngày độc lập 2-9-1945”. Phóng sự đã cho biết thêm, nhờ sự giúp đỡ của đạo diễn Joris Ivens (Hà Lan), đoàn đã được tặng 3 hộp phim về Đông Dương. Cả đoàn xúc động, nhẹ nhàng giở từng hộp phim. 2 hộp phim khô xem trước không có nội dung liên quan. Đến hộp thứ 3 soi lên cửa sổ thấy cảnh Hà Nội, cảnh đám đông nhân dân cầm biểu ngữ mừng Ngày Độc lập, cảnh đoàn xe đi vào Quảng trường có cảnh sát đi xe đạp hộ tống 2 bên và đến cảnh Bác Hồ trên lễ đài… cả đoàn ôm nhau xúc động tràn trào nước mắt mừng vui... Tư liệu của khoảnh khắc đó thật quý. Đoàn làm phim vô cùng xúc động.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Phạm Kỳ Nam (bìa trái) trong chuyến công tác làm phim “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”. Ảnh tư liệu của NSND Phạm Quốc Trung

Dựa trên nguồn tư liệu ít ỏi mà vô cùng quý giá đó, đạo diễn Phạm Kỳ Nam cùng đạo diễn dựng phim Lê Mạnh Thích đã chuốt chải lại cho bộ phim tài liệu sống động, hấp dẫn. NSND Đào Trọng Khánh cho biết khi ngồi vào bàn dựng phim, Lê Mạnh Thích gần như bám chặt với chiếc bàn dựng, chăm chú, loay hoay nhiều ngày đêm; ngủ ngay trong phòng dựng khiến người ông gầy xọp, da cớm nắng. Nhà quay phim Nguyễn Như Ái quay bổ sung một số cảnh như: Khu Di tích 48 Hàng Ngang nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập, cảnh lá cờ tung bay trong gió được quay trên nóc Sân vận động Hà Nội… đồng thời đi đến nhiều nơi tìm cảnh đẹp trên khắp đất nước để ghép vào bộ phim.

Bộ phim dài khoảng 15 phút chỉ bằng những cảnh quay khá đơn giản, ngôn ngữ hình ảnh chắt lọc, súc tích, nhạc nền mở đầu là bài Du kích ca (nhạc sĩ Đỗ Nhuận), ca khúc Cùng nhau đi hồng binh (nhạc sĩ Đinh Nhu), cử hành Tiến quân ca (nhạc sĩ Văn Cao), kết thúc là nhạc ca khúc Chiến sĩ Việt Nam (nhạc sĩ Văn Cao) cùng lời bình, lời quốc dân tuyên thệ và đặc biệt giọng đọc trầm ấm, hào sảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước thế giới, trước quốc dân đồng bào về một nước Việt Nam độc lập:

“Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa.

Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam…

Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”

2. Cả hai bộ phim Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí MinhNgày độc lập 2/9/1945 đã đánh dấu một bước tiến trong việc thực hiện và xây dựng phim tài liệu về Đảng, Bác Hồ và các lãnh tụ, mang đến cho người xem những cảm xúc thiêng liêng về hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Phim Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ghi lại chặng đường Nguyễn Ái Quốc hoạt động cách mạng từ năm 1917 đến năm 1923 - chặng đường quan trọng Người tìm thấy chủ nghĩa Mác - Lê Nin. Những sự kiện lịch sử, những bước ngoặt lớn của đất nước, tầm vóc lớn lao của lãnh tụ đã được văn nghệ sĩ ghi lại bằng cảm xúc trân trọng, thiêng liêng.

Chú thích ảnh
Đoàn làm phim “Ngày độc lập 2/9/1945” gặp gỡ đạo diễn Hà Lan Joris Ivens. Ảnh tư liệu của NSND Nguyễn Như Vũ

Bộ phim Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thể hiện sự sáng tạo về cấu trúc thủ pháp thể hiện: Quá khứ, hiện tại, thời gian, không gian được đồng hiện, đan xen để thể hiện nhịp điệu, tiết tấu cho tác phẩm. Trong bộ phim này, ngôn ngữ điện ảnh tài liệu được phát huy mạnh mẽ nhờ những hình ảnh phim màu mới quay được, kết hợp với việc sử dụng những thước phim tư liệu đen trắng, giúp cho người xem thấy được quá khứ để nhìn rõ hơn hiện tại…Bộ phim đã mang đến cho người xem những cảm xúc chân thực, xúc động về tầm vóc lớn lao, cao cả, sự dâng hiến trọn đời cho dân tộc của vị lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Kể từ năm 1975, bộ phim tài liệu Ngày độc lập 2/9/1945 quý giá xuất hiện đều đặn trên các phương tiện thông tin đại chúng làm người xem xúc động, tự hào. Cuộc đời người nghệ sĩ không có gì vui hơn là được đóng góp cho đất nước, dân tộc. Cũng như 2 thành viên trong đoàn nhận được hộp phim tư liệu quý, đạo diễn Phạm Kỳ Nam luôn trăn trở muốn biết tác giả đã quay sự kiện trọng đại của đất nước. Hỏi người cho hộp phim vẫn chỉ nhận được câu trả lời:“Chỉ biết đoạn phim đó có ích cho các ông và đã gửi tặng đúng địa chỉ, thế là yên tâm rồi”.

Dẫu vậy, những người làm điện ảnh và công chúng Việt Nam vẫn muốn nói lời cảm ơn đến tác giả đã quay những thước phim quý giá này. Nhận thấy đây là một vấn đề của lịch sử cần làm sáng tỏ, ít ra cũng là để ghi công và bầy tỏ lòng biết ơn đối với người đã quay và tặng lại cho chúng ta, NSND Đặng Nhật Minh khi đó là Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam, kiêm Tổng biên tập tạp chí “Nghệ thuật Điện ảnh” đã bàn với anh em trong tòa soạn liên hệ với một số nhân vật có liên quan đến sự kiện trọng đại đó để mời viết bài, mong tìm lời giải đáp ai là tác giả ghi hình phim Ngày Tết độc lập 2/9/1945. Tạp chí Nghệ thuật Điện ảnh đã đăng bài “Những điều còn bí ẩn quanh việc quay bộ phim Ngày độc lập 2/9/1945” của ông Nguyễn Hữu Đang. Theo đó, ông Đang - nguyên Trưởng ban Tổ chức ngày Lễ Độc lập năm 1945 đã đưa ra giả thiết: “Một là có nhân viên trong phái đoàn Patty Mỹ được phép vào Quảng trường Ba Đình có thể họ có máy quay tinh xảo để quay phim. Hai là ông chủ Hiệu ảnh Hương Ký - hiệu ảnh lớn nhất của Hà Nội thời ấy có máy quay phim, nên ông được phép tới ghi hình. Nhưng khi ông Đang hỏi, thì ông Hương Ký trả lời rằng không quay được vì máy hỏng...”.

Sau khi qua đời 28 năm, đến năm 2012, đạo diễn Phạm Kỳ Nam được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Trong danh sách các tác phẩm được vinh danh có tên bộ phim Ngày Độc lập 2/9/1945. Phải chăng đó là cái duyên trời thiêng liêng của đạo diễn Hiếu Dân với đất nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Có thể cuộn phim tư liệu đó vẫn là ẩn số, mãi mãi là ẩn số… nhưng cuộn phim tìm được người tin cậy để trở về đất Việt sau bao năm im lặng, lưu lạc xứ người mới chính là đáp số quan trọng. Người có chiếc “chìa khóa vàng” để mở “kho vàng” đúng thời điểm lịch sử ấy chính là đoàn làm phim và đạo diễn Phạm Kỳ Nam.

Vài nét về đạo diễn Phạm Kỳ Nam

Phạm Kỳ Nam sinh ngày 27/6/1928 tại làng Vẽ, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm), TP Hà Nội, mất năm 1984. Ông đã đoạt giải thưởng đạo diễn cho phim tài liệu Miền Nam trong trái tim tôi tại LHP Việt Nam lần thứ IV (năm 1975) tổ chức ở Hải Phòng.

Năm 2007, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; năm 2012, được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

PGS.TS Lê Thị Bích Hồng