Gần 30 năm theo nghiệp hát, NSƯT Tấn Giao cũng không nhớ mình đã hóa thân vào bao nhiêu nhân vật nhưng chắc chắn vai diễn Nguyễn Ái Quốc trong vở cải lương "Tổ quốc nơi cuối con đường" (kịch bản: Lê Thu Hạnh, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt) chiếm vị trí thật đặc biệt trong sự nghiệp của anh!

NSƯT Tấn Giao: Vinh dự được thể hiện hình tượng Nguyễn Ái Quốc

(Thethaovanhoa.vn) - Gần 30 năm theo nghiệp hát, NSƯT Tấn Giao cũng không nhớ mình đã hóa thân vào bao nhiêu nhân vật nhưng chắc chắn vai diễn Nguyễn Ái Quốc trong vở cải lương Tổ quốc nơi cuối con đường (kịch bản: Lê Thu Hạnh, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt) chiếm vị trí thật đặc biệt trong sự nghiệp của anh!

Với Tấn Giao, đây không chỉ là một vinh dự lớn mà còn là cơ hội để anh đột phá bản thân.

Chân thành cảm nhận về Bác!

Trong giới nghệ sĩ, NSƯT Tấn Giao được xem là “có số thi cử” khi anh sở hữu “bộ sưu tập đồ sộ” các giải thưởng, huy chương các cấp, nổi bật nhất là: Huy chương Vàng Giải thưởng Trần Hữu Trang 1996; giải thưởng cá nhân Liên hoan Sân khấu Đồng bằng sông Cửu Long 2002; giải Mai Vàng 2007; loạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 1995, 2005, 2015, 2018…

Việc Tấn Giao gần như “đánh đâu thắng đó” không chỉ là “vận may” mà minh chứng rõ ràng nhất cho khả năng của người nghệ sĩ. Cũng kinh qua không ít vai diễn khó với tâm lý phức tạp thế nhưng chưa lần nào Tấn Giao thấy áp lực như khi nhận vai Tống Văn Sơ - Nguyễn Ái Quốc trong vở cải lương Tổ quốc nơi cuối con đường.

Chú thích ảnh
NSƯT Tấn Giao trong hình tượng Tống Văn Sơ - Nguyễn Ái Quốc trong vở cải lương “Tổ quốc nơi cuối con đường” giành Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc 2018

“Ban đầu, khi nhận lời đạo diễn Nguyên Đạt rồi thì tâm lý tôi cũng chao đảo, hoang mang lắm, rất lo sợ. Rõ ràng, đây là vinh dự không dễ có được, một vai diễn cả đời cầu được, nhưng kèm theo đó là áp lực như núi, tâm lý rất nặng nề. Rồi nhờ sự động viên của tập thể anh em nghệ sĩ, của những đàn anh như NSƯT Thanh Điền (trong vai luật sư Loseby), nghệ sĩ Bảo Trí (trong vai công tố viên) cùng đạo diễn Nguyên Đạt đã cởi mở được tâm lý cho mình” - NSƯT Tấn Giao kể - “Tôi nhớ anh Nguyên Đạt nói: Tấn Giao an tâm, cái gì mình không biết thì học hỏi, trong quá trình dựng thì đào sâu tìm hiểu thêm nhân vật, bối cảnh để gắn kết vào vở diễn, làm sao để có một kết quả hay nhất, đẹp nhất!

Những lời động viên đó đã thực sự giúp tôi tự tin, thoải mái hơn trong việc cảm nhận và thể hiện hình tượng Nguyễn Ái Quốc” - anh nói.

Không riêng gì NSƯT Tấn Giao mà cả ê-kíp thực hiện vở cải lương Tổ quốc nơi cuối con đường cũng xem đây là cơ hội để có một tác phẩm “để đời” và đặc biệt là hiểu hơn về giai đoạn tuổi trẻ, vẫn còn được ít biết đến, của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Rất nhiều điều ngỡ ngàng, những cảm xúc mới mẻ được bồi đắp xuyên suốt 2 tháng trên sàn tập. Như gợi ý của đạo diễn Nguyên Đạt, là không cố gắng thể hiện tầm vóc một lãnh tụ mà chỉ truyền tải hình tượng người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc thật dung dị, nhẹ nhàng, cũng như để chính nghệ sĩ cảm thụ và “sáng tạo” nên nhân vật của riêng mình, NSƯT Tấn Giao đã trăn trở cảm nhận và chọn thể hiện hình ảnh một thanh niên yêu nước như biết bao thanh niên Việt Nam cùng thời đại, đau nỗi đau của người dân mất nước mà hành động.

Anh cũng tự đặt cho mình rất nhiều câu hỏi: Không biết độ tuổi của mình có vừa vặn với hình ảnh của Bác khi đó không, hay khi phải bôn ba nơi đất khách quê người thì người thanh niên yêu nước đó có bao giờ cảm thấy đơn độc, sẽ làm gì khi nhớ về quê nhà?… Cứ thế, những áp lực tâm lý dần được cởi bỏ để Tấn Giao càng thêm tự tin hóa thân vào vai diễn.

“Đặc biệt vở này nếu không thuộc tuồng, nghe nhắc tuồng thì ca không bao giờ hay được đâu, sẽ không thể nào vào vai được. Văn vừa dài, vừa khó và tuyệt nhiên không thể ca sai nên tôi rất tập trung học tuồng. Dù đã ra công diễn rồi mà đêm nào cũng vậy, hát xong, trở về vẫn tiếp tục học tuồng, học cho càng nhuần nhuyễn thì tâm lý càng ổn định. Mỗi ngày, tôi lại tìm tòi, đào sâu nhân vật thêm một chút nữa, càng diễn lại càng khao khát phải đem lại cho khán giả cảm xúc thật trọn vẹn về vai diễn này!” - NSƯT Tấn Giao bộc bạch.

Chú thích ảnh
NSƯT Tấn Giao (trái) và NSND Minh Vương trong vở cải lương “Tổ quốc nơi cuối con đường”

Được lòng khán giả qua hình tượng “anh bộ đội Cụ Hồ”!

Trước khi đến với vai diễn Nguyễn Ái Quốc của Tổ quốc nơi cuối con đường, NSƯT Tấn Giao đã rất được lòng khán giả qua hình tượng “anh bộ đội Cụ Hồ” khi thuộc số những nghệ sĩ thể hiện nhiều vai diễn người lính nhất và cũng là một trong những người thành công nhất. Nhiều khán giả vẫn trìu mến gọi anh là “kép bộ đội”.

NSƯT Tấn Giao xuất thân từ Khóa 3 - Lớp đào tạo diễn viên của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Từ thời đi học đã được thầy cô, đàn anh đàn chị đều là những nghệ sĩ gạo cội, giàu tâm huyết không chỉ truyền nghề mà còn cho mình vốn sống, hướng dẫn cách ăn nói, đi đứng chuẩn mực, sinh hoạt nề nếp.

Từ khi ra trường vào năm 1991 theo nghề cho đến nay cũng ngót nghét 30 năm và chỉ gắn bó duy nhất với một đơn vị là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, chủ yếu làm nhiệm vụ của một chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa phục vụ bà con vùng sâu vùng xa.

“Tôi cảm nhận mình gần như là bộ đội luôn rồi. Hồi nhỏ, xem các phim chiến tranh cách mạng, tôi ngưỡng mộ các chú bộ đội lắm. Lớn lên, nhiều cơ duyên được thể hiện các vai người lính với nhiều số phận khác nhau, rồi được gặp gỡ, giao lưu với các cựu chiến binh, được nghe các chú kể chuyện chiến trường, những hy sinh xương máu cho đất nước, thì lại càng thấm. Tôi không cầm súng ngày nào nhưng tôi rất thích thể hiện hình ảnh người bộ đội, trân trọng từng vai diễn người lính của mình” - NSƯT Tấn Giao chia sẻ.

Từ hình tượng những người lính đa số phận đến hình tượng vị lãnh tụ cách mạng đối với Tấn Giao là một bước ngoặt mới trong sự nghiệp. Càng vui hơn khi trở về từ Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc 2018 với Huy chương Vàng cho vở diễn và bản thân Tấn Giao cũng bổ sung chiếc Huy chương Vàng cá nhân vào “bộ sưu tập” huy chương, giải thưởng của mình, Tổ quốc nơi cuối con đường đã đến được với đông đảo khán giả TP.HCM qua hàng chục suất diễn - điều không dễ có với một vở cải lương đề tài danh nhân, cách mạng trong giai đoạn hiện nay.

“Thêm mỗi suất diễn là tôi lại thêm tự tin và tự hào. Vở diễn thực sự được đánh tiếng nhiều, được bà con khán giả, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp khen rất nhiều. Bản thân Tấn Giao cũng chưa nghe lời chê, có lẽ mình đã đạt được điều gì đó trong vở diễn này…” - NSƯT Tấn Giao không giấu niềm tự hào khi nói về vai diễn đặc biệt của mình.

Đâu đó từng có lời nhận xét rằng Tấn Giao không đa dạng, hay “chết vai” ở những nhân vật trong các tuồng đề tài chiến tranh cách mạng. NSƯT Tấn Giao lại nghĩ khác: “Tôi cho rằng đó là một lời khen. Tôi không sợ cái gọi là “chết vai” hay “chết tên” gì cả mà cảm thấy tự hào vì mỗi nghệ sĩ làm nghề chỉ mong có vai diễn ấn tượng, có một cái tên hay một ấn tượng cụ thể gì đó với khán giả, với đồng nghiệp. Trước nay, khán giả vẫn quen với hình ảnh “kép bộ đội” của Tấn Giao và bây giờ ủng hộ thêm hình tượng Nguyễn Ái Quốc, biết đâu sẽ có thêm nhiều cơ hội thể hiện các vai diễn về danh nhân cách mạng. Tất cả là niềm vui, niềm hạnh phúc của tôi, không có gì phải băn khoăn suy nghĩ hết” - NSƯT Tấn Giao bày tỏ.

“Tôi không cố gắng thể hiện tầm vóc một lãnh tụ mà chỉ truyền tải hình tượng người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc thật dung dị, nhẹ nhàng…”.

Ninh Lộc