Năm 1982 - thời điểm mà báo Thể thao và Văn hóa ra đời - đời sống báo chí và đời sống xã hội đang diễn ra theo cách nào? Đó là câu hỏi được đặt ra với nhà sử học Dương Trung Quốc, một cái tên vốn dĩ rất quen thuộc với TT&VH. Ông hiện giờ đang giữ mục Ảnh = Lịch sử = Ký ức trên TT&VH số thứ Hai hằng tuần với bút danh QXN.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Hãy cùng 'quay ngược' 4 thập kỷ

Năm 1982 - thời điểm mà báo Thể thao và Văn hóa ra đời - đời sống báo chí và đời sống xã hội đang diễn ra theo cách nào? Đó là câu hỏi được đặt ra với nhà sử học Dương Trung Quốc, một cái tên vốn dĩ rất quen thuộc với TT&VH. Ông hiện giờ đang giữ mục Ảnh = Lịch sử = Ký ức trên TT&VH số thứ Hai hằng tuần với bút danh QXN.

Rất nhiều độc giả trẻ - và cả không trẻ lắm - của TT&VH đến giờ vẫn muốn hiểu rõ về thời điểm tờ báo ra đời. Bởi, 40 năm là một quãng thời gian quá dài, và năm 1982 là thời điểm mà có lẽ chúng ta thưởng thức bóng đá theo cách rất khác với bây giờ...

- Với thế hệ của những người như chúng tôi, Espana 1982 là giải vô địch thế giới gắn liền với truyền hình. Bởi năm đó, khán giả Việt Nam lần đầu tiên được xem phát sóng trực tiếp một số trận bóng của giải đấu. Có điều, do Đài truyền hình phải tiếp sóng của Liên Xô, nên số trận được xem trực tiếp cũng khá hạn chế và phập phù. Nhưng chừng ấy là đủ để chúng tôi hào hứng và cảm nhận sức hấp dẫn của một giải bóng đá vô địch thế giới.

Chú thích ảnh
Nhà sử học Dương Trung Quốc

Để rồi, gắn với giải đấu, bản Tin nhanh Espana 82 của TTXVN ra đời và được đón nhận hết sức nồng nhiệt. Sự nồng nhiệt ấy khiến tôi nghĩ tới một định nghĩa xa xưa của phương Tây, rằng báo chí cũng là một thứ “kinh nhật tụng” trong đời sống hàng ngày.

Ở tuổi 75 bây giờ, tôi vẫn nhớ rằng bên cạnh tường thuật trận đấu và kết quả, điều đọng lại ở những bản tin nhanh bóng đá ấy vẫn là phần bình luận. Các phóng viên của TTXVN khi đó có nguồn tin quốc tế tốt, tiếp cận được nhiều thông tin nên đưa ra những bài viết rất mới mẻ so với thói quen xem bóng đá trong nước. Có điều, nếu tôi không nhầm, do điều kiện in ấn, phát hành còn hạn chế nên báo thường ra sạp không cố định trong ngày, hôm buổi sáng, hôm buổi chiều, khiến người mua luôn phấp phỏng theo (cười).

Từ bản thân mình, ông có thể phác thảo một chút về cách mọi người xem bóng đá, cũng như đọc báo và theo dõi đời sống văn hóa thời đó?

- Tôi lúc đó 35 tuổi, là một cán bộ của Viện Sử học, và con gái đầu lòng vừa vào lớp một. Cũng may mắn, gia đình khi ấy lại có được chiếc tivi Neptune đen trắng của Ba Lan. Có lẽ, với người Hà Nội, tự thân 2 chữ bóng đá đã có tính hấp dẫn rồi.

Và việc được xem bóng đá trực tiếp từ nước ngoài với thế hệ chúng tôi là một cái gì đó thần kỳ. Nói gì thì nói, trước đó chúng tôi chủ yếu vẫn chỉ biết thưởng thức bóng đá qua tường thuật trực tiếp trên đài phát thanh. Nếu muốn có không khí xôm tụ thì kéo nhau ra Bờ Hồ, ngồi nghe dưới những chiếc loa phát thanh treo trên cây, rồi cũng tranh luận, cãi cọ, to tiếng... như đang được nhìn trực tiếp vậy (cười).

Chú thích ảnh
Bìa "Mexico 86 - phụ trương của Báo TT&VH". Ảnh: T.M.H

Còn đời sống văn hóa thời bao cấp thì tất nhiên nghèo nàn. Nhưng bù lại, chuyện đọc sách báo phát triển hơn bây giờ. Đơn giản là chúng tôi không có nhiều sự lựa chọn ngoài sách. Xem lại tư liệu, tôi nhận ra hầu hết sách trong thời kỳ này đều in với số lượng bản in rất lớn, dù vậy vẫn khó đáp ứng đủ so với nhu cầu của mọi người. Nhiều cuốn phải có phiếu để mua, chẳng hạn như có lần tôi muốn mua bộ Đỏ và Đen của Stendhal thì phải nhờ một người bạn bên Hội nhà văn...

Vậy nhìn lại, ông có thể nói gì về năm 1982 trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam, cũng như cách mà người ta vượt qua một năm của giai đoạn trước Đổi mới?

- Thật ra, năm 1982 là một năm nhích gần tới cái mốc Đổi mới. Và với quan điểm của tôi, càng gần tới cái mốc ấy, sự khó khăn trong xã hội lại càng tăng mạnh - nếu chúng ta nhìn cột mốc Đổi mới cũng là thời điểm xã hội gần chạm đáy của sự cùng cực, để rồi từ đó đưa ra những thay đổi cơ bản và bước sang trang. Thời điểm đó, song song với giải bóng đá thế giới 1982, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam chưa hẳn đã kết thúc, nên những tác động của nó tới xã hội vẫn còn nặng nề, chưa kể những bất hợp lý đặc thù của thời bao cấp...

Nhưng nếu nói rằng những người như chúng tôi vượt qua năm ấy bằng hi vọng, hay bằng nghị lực đặc biệt, thì cũng chưa hẳn. Chúng tôi khi ấy còn trẻ, và chấp nhận cuộc sống cứ trôi theo một quỹ đạo khá phẳng lặng. Tất cả cùng tồn tại trong một mặt bằng chung về sự khó khăn, ở đó người ta không có nhiều bức xúc hay khao khát khi nhìn sang nhau như xã hội bây giờ. Và những thứ sau này thành vấn đề “nóng” như giáo dục, giao thông... thì khi đó diễn ra cũng đơn giản thôi.

Nhiều lúc, tôi vẫn nghĩ rằng vì nhiều lý do, chúng ta chưa có những bộ biên niên sử lớn, ghi lại mọi cột mốc của đời sống theo từng năm. Để rồi trong thời điểm mạng xã hội phát triển như bây giờ, những câu chuyện hay thông tin cũ vẫn khó có thể tra cứu, và chỉ có thể mường tượng phần nào qua những cuộc trò chuyện như chúng ta đang làm...

- Hình thức này đã được thực hiện tại nhiều nước trên thế giới, với những cuốn biên niên sử được xây dựng đều đặn hàng năm, rồi cứ 10 năm, 50 năm thì làm lại một lần. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp, công ty hay tổ chức cũng thực hiện những biên niên sử riêng của mình. Những tư liệu như vậy vô cùng quan trọng: Chúng không chỉ khiến dòng chảy thông tin không bị đứt gãy mà còn giúp chúng ta định vị lại quá khứ, từ đó rút ra các bài học cần thiết qua những quy luật thăng trầm.

“Cần thực hiện một bộ biên niên sử đầy đủ, đi từ giai đoạn hiện đại ngược về những năm đầu thập niên 1980” (Nhà sử học Dương Trung Quốc).

Quả thật, đây là lĩnh vực chúng ta còn rất thiếu. Thậm chí, trong một chừng mực, chúng ta còn thua các cụ ngày xưa. Đọc những Đại Nam thực lục hay Đại Việt sử ký, có thể thấy những pho sử ấy ghi lại khá toàn diện và đầy đủ những diễn biên của đời sống - tất nhiên chỉ là ở những gì có giá trị với cung đình, vốn là trung tâm của lịch sử khi ấy.

Chúng ta hiện tại cũng có những biên niên sử trong một vài lĩnh vực, nhưng chưa đầy đủ. Thật ra, khi còn ở Viện Sử học, tôi đã nhiều lần đặt vấn đề này: Cần thực hiện một bộ biên niên sử đầy đủ, đi từ giai đoạn hiện đại ngược về tới những năm đầu thập niên 1980. Và chúng tôi cũng thí điểm thực hiện một vài lần nhưng không thành công, trong đó khó khăn lớn nhất thuộc về kinh phí.

Bây giờ, ở bối cảnh hiện tại, tôi nghĩ chúng ta có nhiều thuận lợi để triển khai công việc này - khi mà độc giả luôn quan tâm tới rất nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống chứ không chỉ là những câu chuyện lớn. Công nghệ hiện có cũng giúp mọi thứ giản đơn hơn để xóa bỏ thứ lịch sử “vô nhân xưng” mà tôi từng nói tới nhiều lần....

Cuối cùng, xin ông chia sẻ một chút kỉ niệm cá nhân với TT&VH trong chặng đường 40 năm qua?

- Tôi đọc TT&VH khá đều đặn, có lẽ ngay từ những năm đầu tiên. Một phần, ở giai đoạn đó tôi có phụ trách thư viện của Viện Sử học nên thường xuyên có cơ hội tiếp xúc miễn phí với những ấn phẩm của TTXVN. Một phần khác, văn hóa và thể thao đúng là 2 lĩnh vực mà tôi quan tâm và hào hứng nhất.

Ông Dương Trung Quốc (phải) trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2012 cho PGS Nguyễn Văn Huy

TT&VH ra đời đúng thời điểm nhu cầu về thông tin trong xã hội đang ngày một cao nên sớm để lại dấu ấn từ những đặc thù của mình. Bởi, bên cạnh yếu tố thông tin, đặc trưng của tờ báo là việc tiếp cận vấn đề với một hàm lượng văn hóa và kiến thức khá cao. Rồi theo thời gian, tôi cũng có cơ duyên để cộng tác, bắt đầu từ loạt bài đối thoại Những câu chuyện Hà Nội cùng nhà báo Nguyễn Lưu từ cách đây khoảng 25 năm, cho tới việc trở thành thành viên Hội đồng giám khảo của giải thưởng thường niên Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội hoặc gần nhất là giữ chuyên mục Ảnh = Lịch sử = Ký ức vào các ngày thứ Hai trong tuần.

Tất nhiên, từng làm báo, tôi cũng hiểu cái khó của TT&VH trong sự cạnh tranh khốc liệt về thông tin như hiện tại. Ở đó, ngoài tiềm lực của trí tuệ, chúng ta sẽ phải đối diện với những bài toán khác về công nghệ, về điều kiện vật chất. Nhưng trước mắt, tôi vẫn muốn chia vui và gửi một lời cám ơn tới TT&VH vì sự tồn tại trong 40 năm của nó.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Trí Uẩn