Gần hai năm tác nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, các phóng viên TTXVN thường trú ở nước ngoài đã không quản ngại khó khăn, sẵn sàng đến những điểm nóng dịch bệnh.

Kỷ niệm 76 năm TTXVN: Giữ vững dòng tin thông tấn từ những vùng dịch

(Thethaovanhoa.vn) - Gần hai năm tác nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, các phóng viên TTXVN thường trú ở nước ngoài đã không quản ngại khó khăn, sẵn sàng đến những điểm nóng dịch bệnh, liên tục đưa tin, gửi nhiều bức ảnh, thước phim cập nhật về tình hình Covid-19 trên toàn cầu, trong khi vẫn liên tục bám sát mọi diễn biến chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh tại địa bàn.   

Hằng ngày chứng kiến số ca nhiễm và tử vong liên tục tăng; các biện pháp hạn chế được siết chặt, kéo dài hàng tháng, có những địa bàn tới cả năm trời, điều đó không khỏi khiến phóng viên lo lắng. Tính chất công việc phóng viên thì lại không thể ở nhà, phải xông pha tận nơi, kể cả vùng tâm dịch, phải tiếp xúc với nhiều người, kể cả bệnh nhân…

Nguy cơ lây nhiễm trong tác nghiệp hoàn toàn có thể xảy ra. Trong bối cảnh đó, nhiệt huyết, lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm trở thành động lực để các phóng viên cơ quan thường trú ngoài nước (CQTTNN) vượt qua, với việc xác định nhiệm vụ kép: Vừa chống dịch, đảm bảo an toàn cho bản thân, vừa đảm bảo thông tin thông suốt, cập nhật. Chị Đặng Huyền, phóng viên TTXVN thường trú tại Washington D.C (Mỹ), chia sẻ: “Nỗi sợ hãi bị nhiễm bệnh cũng bị lấn át bởi tinh thần trách nhiệm với công việc của người phóng viên thường trú như chúng tôi”.   

Chú thích ảnh
Phóng viên Đặng Huyền dẫn hiện trường làm tin bầu cử trong những ngày dịch COVID-19 bùng phát ở nước Mỹ, ngày 10/3. Nguồn: TTXVN

Khó có thể nói hết những khó khăn của các phóng viên CQTTNN khi tác nghiệp trong thời kỳ đại dịch.Các nước vào giai đoạn đầu bùng dịch đều rơi vào tình trạng khan hiếm “chưa từng có” những thiết bị bảo hộ cơ bản như khẩu trang, dung dịch rửa tay khô, diệt khuẩn… Phóng viên Quang Minh từ Tel Aviv chia sẻ, thời điểm đầu khi dịch bùng phát, các trang thiết bị y tế như khẩu trang hết sức khan hiếm, kể cả loại bằng vải thông thường, chứ chưa kể đến các loại được quảng cáo có khả năng tiêu diệt virus, trong khi hoàn toàn không có khả năng tìm mua và trang bị bộ đồ phòng hộ. Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, anh em trong CQTT đã cùng chia sẻ nguồn cung khẩu trang và nhắc nhở nhau phải rửa tay sát khuẩn, thường xuyên khử trùng nơi làm việc và nơi ở.   

Nỗi lo thường trực đối với các phóng viên CQTT là nguy cơ mắc COVID-19 bởi phóng viên thường xuyên phải di chuyển và phải tiếp xúc nhiều người khi tác nghiệp. Tại Anh, phóng viên thường xuyên sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển bởi việc sử dụng xe riêng ở London có nhiều bất tiện do tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên và khó khăn trong việc tìm chỗ đậu xe.

Trong thời gian diễn ra vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2020), khi làn sóng dịch ở Anh đang tăng cao với hàng chục nghìn ca mắc COVID-19/ngày, tại khu vực sân vận động Wembley, nơi diễn ra trận bán kết và chung kết với sự góp mặt của đội chủ nhà, mỗi trận có hơn 60.000 khán giả tham gia, Tại các khu Fanzone (khu dành riêng cho cổ động viên) và Football Village (làng bóng đá) ở trung tâm London, tình trạng cũng tương tự. Phóng viên CQTT London đã tác nghiệp phỏng vấn, ghi hình giữa một rừng cổ động viên không đeo khẩu trang, trong tâm trạng đầy phấn khích, sẵn sàng ôm vai bá cổ bất kỳ ai, thậm chí sẵn sàng nhảy xổ vào ống kính máy quay hoặc "tay bắt, mặt mừng" thân thiết với phóng viên. Trong bối cảnh đó, phóng viên chỉ có cách cố gắng “tự bảo vệ” ở mức cao nhất có thể.  

Tại Mỹ, trong suốt quá trình bầu cử tổng thống năm 2020, các phóng viên CQTT tại Washington và New York liên tục bám sát, có mặt tại các sự kiện, kể cả trong những giai đoạn đỉnh dịch. Các phóng viên CQTT tại Moskva cũng thường xuyên tác nghiệp tại các sự kiện đông người như EURO 2020 ở St.Petersburg, Hội thao Quân sự quốc tế Army Games hay Diễn đàn Kinh tế Phương Đông…Những “sự cố” có thể gây nguy cơ lây nhiễm cho phóng viên, mà anh Việt Hùng ở CQTT Mexico chia sẻ là “khó đỡ” như đang dẫn hiện trường bỗng có người qua đường không đeo khẩu trang ghé sát vào, cũng xảy ra với khá nhiều CQTT.   

Chú thích ảnh
Phóng viên Hải Vân và Vũ Hiếu, CQTT tại New York, chuẩn bị cho việc dẫn hiện trường đưa tin về dịch COVID-19, tháng 5/2020. Nguồn: TTXVN

Việc vô tình trở thành F1 khi tiếp xúc với người mắc COVID-19 không phải là chuyện hiếm.Trong chuyến công tác tại Alexandria, hai phóng viên CQTT Cairo Việt Khoa và Trương Anh Tuấn đều phải tự cách ly sau khi tham dự một sự kiện và có tiếp xúc với quan chức mắc COVID-19. Rất may, sau thời gian cách ly cả hai đều an toàn. Các phóng viên tại CQTT London cũng từng xuất hiện triệu chứng bệnh sau khi đưa tin về đoàn công tác từ Việt Nam sang trao đổi và học tập kinh nghiệm về xây dựng chính sách, chiến lược phát triển quốc gia tại Anh vào đầu tháng 3/2020 (đoàn có 1 thành viên được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 sau khi về nước).

Dù chưa chắc là có mắc COVID-19 hay không do không được xét nghiệm, hai phóng viên đã thực hiện tự cách lý theo khuyến cáo của cơ quan chức năng Anh, may mắn là sau vài ngày nghỉ ngơi, các triệu chứng đều thuyên giảm. Một phóng viên CQTT tại Paris cũng tiếp xúc với bệnh nhân 50 và phải cách ly trong điều kiện các gia đình đều sống tương đối chật chội và bệnh viện thì chật cứng.   

Tác nghiệp trong những giai đoạn virus lây lan mạnh ở các nước, một số phóng viên cũng không tránh khỏi bị mắc bệnh.Tại Ấn Độ, tâm dịch của thế giới trong suốt thời gian dài với những thời điểm có tới hàng trăm nghìn ca dương tính trong cộng đồng, cả hai phóng viên CQTT đều lần lượt mắc COVID-19 và phải điều trị tại nhà.Nhiễm virus đúng vào thời điểm dịch bệnh ở Ấn Độ căng thẳng nhất, không có bác sĩ do hệ thống y tế nước bạn đã trong tình trạng quá tải, hai phóng viên Huy Lê và Minh Luyến đã tự điều trị, mua thuốc, tự chăm sóc cho bản thân, đồng thời phối hợp bảo đảm thông tin gửi về nhà. Nhớ lại giai đoạn ấy, các anh nói rằng đây chắc chắn là những ngày tháng không thể quên được trong cuộc đời phóng viên của mình.   

Đó cũng là thử thách của các phóng viên CQTT tại Pretoria, Nam Phi. Phóng viên Hồng Minh tâm sự “mắc COVID-19, trở thành F0 tại một đất nước cách xa quê mẹ Việt Nam hơn mười nghìn cây số và 20 giờ bay là điều không ai muốn”. Đúng vào ngày Chính phủ Nam Phi nâng mức cảnh báo toàn quốc vì dịch COVID-19 lên cấp độ 4 (dưới cấp độ cao nhất 1 bậc) 28/6, một “thành viên nhí” của CQTT Pretoria, trước đó vẫn đi học, bắt đầu có biểu hiện sốt và một số triệu chứng nhiễm bệnh, xét nghiệm đã mắc COVID-19.

Cả hai gia đình phóng viên tại CQTT sau đó được xác định đều dương tính với virus SARS-CoV-2.Các phóng viên ngay lập tức thống nhất về cách thức liên lạc và làm việc trong quá trình tự cách ly tại CQTT, phân công công việc, xây dựng kế hoạch thông tin rõ ràng. Trong gần một tháng từ khi nhiễm đến lúc phục hồi, mọi người tự điều trị tại nhà. Hằng ngày, các phóng viên vẫn cập nhật tình hình sức khỏe, đo thân nhiệt,  đo huyết áp… của từng thành viên qua chat WhatsApp… Gần một tháng vừa điều trị COVID-19 vừa bảo đảm thông tin, số lượng tin, bài của CQTT Pretoria vượt các tháng trước, bao quát, cập nhật tất cả các sự kiện quan trọng, trong đó có các vụ bạo loạn, cướp phá tại Nam Phi.   

Hai trong số 3 phóng viên CQTT Moskva mắc bệnh, có người phải nhập viện đúng lúc Việt Nam chuẩn bị đón Tết Nguyên đán năm 2021, thời điểm cần phải đáp ứng một lượng khá lớn tin, bài. Đồng thời, tình hình dịch bệnh ở Nga phức tạp, các hoạt động, sự kiện tại địa bàn vẫn liên tục diễn ra, các phóng viên CQTT ngay khi vừa khỏi bệnh lại lao vào công việc.   

Chú thích ảnh
Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Moskva Bùi Duy Trinh đưa tin về chuyến bay đầu tiên đưa hơn 300 công dân Việt Nam từ Liên bang Nga về nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19, tại sân bay Sheremetyevo, tháng 5/2020. Ảnh: TTXVN

Hoạt động tác nghiệp của phóng viên cũng bị hạn chế do các quy định phòng ngừa dịch của các nước. Phóng viên Tiến Trung ở CQTT Bắc Kinh, Trung Quốc, nơi đầu tiên bùng phát dịch COVID-19, nhớ lại những khó khăn khi dịch bệnh mới xuất hiện. Khi đó, do tính chất nguy hiểm và chưa thể hiểu rõ của dịch bệnh, nhà chức trách Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch hết sức nghiêm ngặt, hạn chế đi lại tại những khu vực xảy ra dịch bệnh, thậm chí nhiều nơi không có ca bệnh nào cũng phải chịu một số hạn chế phòng dịch nhất định. Rất nhiều hoạt động gần như tê liệt tại những vùng có dịch. Phần lớn phóng viên nước ngoài, trong đó có nhóm phóng viên CQTT tại Trung Quốc, khi đó gần như không thể tác nghiệp bên trong những khu vực đang xảy ra dịch bệnh, nếu không được sự cho phép của nhà chức trách. Tuy nhiên, việc xin phép tác nghiệp tại những khu vực bị phong tỏa cũng hết sức khó khăn.   

Phóng viên Minh Luyến trao đổi khi Ấn Độ áp dụng biện pháp phong tỏa, để quay được cảnh dẫn hiện trường ở ngoài trời thực sự là vất vả. Phóng viên Huy Lê tiết lộ, có lần bản thân đã bị lực lượng cảnh sát địa phương dùng roi, gậy đuổi, dọa đánh khi thấy anh em ra đường tác nghiệp. Còn với CQTT ở Washington, nhờ có kế hoạch ứng phó linh hoạt, các phóng viên mới có thể thực hiện được tin, bài, ảnh, phóng sự truyền hình gửi về nhà trong bối cảnh đại dịch.   

Ở Israel, quốc gia được đánh giá là kiểm soát khá thành công dịch COVID-19, công việc tác nghiệp cũng không hề đơn giản. Phóng viên Quang Minh kể lại thời gian đầu lực lượng chức năng của Israel cấm toàn bộ các đối tượng không nằm trong diện hoạt động thiết yếu ra đường và máy móc áp dụng với cả phóng viên. Một khó khăn nữa là dịch COVID-19 đã khiến không ít các quan chức, chuyên gia ngần ngại tiếp xúc và trả lời phỏng vấn trực tiếp của phóng viên.   

Chưa kể tại một số địa bàn, do ảnh hưởng của dịch bệnh đến nền kinh tế, tỷ lệ tội phạm tăng mạnh đã gây rủi ro cao về cướp giật tài sản, công cụ chuyên môn tác nghiệp của phóng viên. Để vượt lên khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ, phóng viên mỗi lần ra đường tác nghiệp đều phải lựa chọn những vị trí an toàn, như đứng cạnh cảnh sát hay lực lượng bảo vệ và nhiều khi là đứng luôn trong… khuôn viên đồn cảnh sát khu vực.   

Nguy hiểm, khó khăn là thế, nhưng với ý thức và trách nhiệm của người phóng viên TTXVN, chưa lúc nào các anh chị chùn bước. Gần 2 năm qua, bất chấp dịch bệnh phức tạp, phóng viên TTXVN tại 30 CQTTNN ở khắp 5 châu lục đã gửi về hàng chục nghìn tin bài, hàng nghìn tấm ảnh, thước phim, phản ánh những thông tin chân thực, chuẩn xác, sinh động nhất. Nhờ sự xông pha của các phóng viên ở nơi tâm dịch hay ở các điểm nóng của thế giới, thông tin về tình hình mọi mặt trên khắp thế giới và về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được đảm bảo thông suốt, kịp thời.    

“Nhiệm vụ tác nghiệp trong vùng tâm dịch thực sự là cuộc chiến đấu vô cùng nguy hiểm, để duy trì công tác truyền thông, tiếp tục thực hiện chức năng của CQTT tại tâm dịch Ấn Độ cho chúng tôi thấy sự tâm huyết với nghề, trách nhiệm với xã hội của các phóng viên, nhà báo chúng ta. Dù vất vả, phải đối mặt với nhiều rủi ro ở mức độ cao nhất, nhưng khi thấy lại hình ảnh phóng viên thường trú xuất hiện trong chương trình truyền hình thông tấn, dẫn hiện trường, đưa tin ảnh phát trên các bản tin của TTXVN, hệ thống báo chí của Việt Nam, chúng tôi như quên đi mệt nhọc, rủi ro lớn để tiếp tục cống hiến, nỗ lực hết mình, "sống chết với nghề" đưa tin về cuộc chiến với COVID-19 rất khốc liệt này” - bộc bạch của phóng viên Tiến Hiến từ CQTT New Delhi có lẽ là tâm sự chung của tất cả các phóng viên TTXVN, những người đang vượt qua mọi thách thức của đại dịch để quyết giữ cho dòng tin thông tấn chảy mãi.

                                               Nhóm phóng viên TTXVN tại CQTTNN