'Lỗ hổng' Sơn Tùng M-TP

10/05/2022 18:17 GMT+7 | Giải trí

Một cá nhân,một công ty tư nhân, một bài hát, một MV chưa đầy 4 phút mà đủ khuấy động không chỉ làng nhạc Việt đại chúng mà cả các cơ quan ban ngành trong lĩnh vực văn hóa từ địa phương đến trung ương.

Ồn ào quanh ca khúc của Sơn Tùng M-TP: Để nghệ sĩ có trách nhiệm hơn với xã hội

Ồn ào quanh ca khúc của Sơn Tùng M-TP: Để nghệ sĩ có trách nhiệm hơn với xã hội

MV "There's No One At All" (Không có một ai) của Sơn Tùng M-TP sau khi phát hành đã bị lên án kịch liệt vì mang thông điệp sống tiêu cực. Chiều ngày 6/5 vừa qua, MV "There's No One At All" đã chính thức “bay màu” khỏi YouTube toàn thế giới.

Sao lại như vậy? Điều gì đang diễn ra trong đời sống văn hóa đại chúng?

“Không có ai cả”

Đây là tên tiếng Việt của MV There's No One At All - tâm điểm bùng nổ những ý kiến phản ứng trong thời gian qua. Đồng thời, như một “định mệnh”, có lẽ nó cũng chính là tâm trạng của Sơn Tùng M-TP trong suốt những ngày qua kể từ khi debut MV này và sau đó khóa lại cùng lời xin lỗi.

Tôi cũng đã tranh thủ xem MV không chỉ 1 lần. Nếu chưa bàn đến nội dung tư tưởng, và khách quan mà nói, thì đây là một MV “chất” về âm nhạc, hòa âm, thể hiện… Nó không chỉ phù hợp với tai của giới trẻ Việt. Về hình ảnh nói chung (không kể cảnh tự tử phản cảm) cũng có thể nói hiếm có một MV của ca sĩ trong nước nào làm được như thế. Nó hướng tôi nghĩ tới MV của các ca sĩ quốc tế.

Trong khi nội dung MV, tâm điểm của cuộc tranh cãi, là diễn biến tâm lý bất ổn của một cậu trai trẻ mới lớn: Không có sự sẻ chia, đồng cảm, muốn nổi loạn, ẩn sâu trong đó là sự bế tắc, cô đơn và tuyệt vọng dẫn đến tìm cách giải thoát. Nhưng…

Chú thích ảnh
Mọi điều đều có giới hạn, và MV “There's No One At All” của Sơn Tùng đã vượt giới hạn

Điểm “rơi”

Bên cạnh chức năng phổ biến nhất là làm đẹp cho cuộc đời, lan tỏa những điều tích cực thì trong nhiều chức năng còn lại của nghệ thuật, còn có chức năng cảnh báo. Đôi khi nghệ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm chỉ là từ cảm xúc cá nhân, cảm xúc đó được khơi nguồn trong giai đoạn họ đang sống. Và ở thời điềm này, sự tác động tới diễn biến tâm lý một người trẻ không chỉ từ cộng đồng, xã hội của người đó đang sống mà còn từ khắp nơi trên thế giới.

Có thể, ở góc khuất nào đó, Sơn Tùng M-TP cảm thấy có sự bế tắc và chọn hướng giải tỏa bằng cách giãi bày cùng âm nhạc. Nên ở góc khác, MV There's No One At All chính là một cảnh tỉnh xã hội của người trẻ về người trẻ. Nó (không phải nguyên nhân mà chỉ là lăng kính) góp phần khiến các bậc cha mẹ, rộng hơn là thầy cô và xã hội nhìn nhận rõ hơn một vấn đề đã ở mức cảnh báo đang tồn tại.

Tuy nhiên, MV There's No One At All “chết” ở 2 điểm chính: Hình ảnh không phù hợp và thời điểm ra mắt không hợp lý. Cụ thể, hình ảnh ca sĩ cũng là nhân vật chính tìm cách giải thoát ở những giây cuối của MV không ổn. Hình ảnh này lại xuất hiện trong thời điểm cả xã hội vừa chứng kiến hành động bồng bột của một vài thanh thiếu niên.

Tôi tin rằng các bậc cha mẹ đã có những thay đổi nhất định sau những gì vừa mới xảy ra. Dù không nói ra, mọi người đều muốn quên đi bằng cách không nhắc tới nó. Và khi nó đã tạm lắng thì MV There's No One At All xuất hiện, một lần nữa và thổi bùng lên.

Chính vì thế, ngay khi debut, MV There's No One At All đã khiến cho quá nhiều người choáng, tạo cuộc tranh luận mạnh mẽ trên mạng xã hội. Quá nhiều người yêu cầu gỡ bỏ vì lo ngại ảnh hưởng không tốt đến giới trẻ. Thậm chí có fanpage của một tờ báo còn gay gắt tới mức trong một status chỉ trích thẳng MV quay cảnh tự tử của Sơn Tùng M-TP là “vô đạo đức” và “phải tự gỡ bỏ ngay”. Điều này thể hiện sự lo lắng của chủ fanpage về một vấn đề xã hội. Trên thực tế thì nội dung status này để hướng đến một bài viết ghi lại nhiều ý kiến của độc giả, trong đó có những người có ảnh hưởng trong xã hội về những tiêu cực trong MV liên quan đến giới trẻ.

Ngành chức năng cũng nhanh chóng vào cuộc, thanh tra văn hóa cấp sở, cấp bộ đều kịp thời xuất hiện, lần lượt gọi chủ sở hữu MV đến làm việc và đã có những hình thức xử lý. Chẳng hạn, yêu cầu dừng phát hành rồi xóa toàn bộ MV khỏi môi trường mạng, phạt 70 triệu đồng…

Chú thích ảnh

Lỗ hổng

Việc MV There's No One At All bị tẩy chay và nhà chức trách phạt, cấm lưu hành là hệ quả có thể nhìn thấy. Nguyên nhân chọn điểm “rơi” (thời điểm debut) không đúng lúc chỉ là giọt nước tràn ly. Nguyên nhân chính ở đây là cảnh tự tử ở những giây cuối cùng. Cho nên, kể cả không phải chọn debut thời điểm nhạy cảm này thì MV vẫn có thể tạo làn sóng phản ứng và bị cơ quan chức năng can thiệp.

Điều này cho thấy lỗ hổng trong hoạt động sản xuất các sản phẩm nghệ thuật của team Sơn Tùng M-TP cần phải lấp đầy nếu không muốn những điều tương tự xảy đến trong trong tương lai.

Nguyên nhân dẫn đến lỗ hổng này có thể từ sự quá tự tin, hoặc cũng đã vượt qua biết bao những trận sóng gió của cá nhân nghệ sĩ cùng ê-kíp nên đã sẵn tâm lý chấp nhận “bão”. Tuy nhiên, mọi điều đều có giới hạn, và giới hạn mà MV There's No One At All gặp phải đã chạm ngưỡng. Quá hơn nữa, có thể nghệ sĩ và những người thực hiện sẽ gặp những rắc rối nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân khách quan, có thể do sự cởi mở của các quy định trong việc sản xuất và phát hành bản ghi âm, ghi hình những năm gần đây. Nếu như trước kia các sản phẩm phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xuất bản thì với các quy định mới, việc này đã không còn là một quy định bắt buộc. Tổ chức cá nhân có thể tự sản xuất phát hành các bản ghi âm, ghi hình trong lĩnh vực âm nhạc.

Sự tự do này tưởng tạo cho nghệ sĩ dễ thở hơn nhưng về bản chất, quả bóng trách nhiệm đã được “đá” lại cho chính các nghệ sĩ. Họ tự làm và tự chịu trách nhiệm với những sản phẩm của mình. Điều này đúng là dễ thở với những nghệ sĩ có kinh nghiệm hoặc có đội ngũ chuyên gia, cố vấn đồng hành, nhưng sẽ là cái bẫy đối với những nghệ sĩ hoạt động theo khuynh hướng tự nhiên, chủ quan.

Chú thích ảnh
Nguyễn Quang Long - Tác giả bài viết

Suy nghĩ lớn hơn

Từ câu chuyện MV There's No One At All gợi trong người viết thêm nhiều suy nghĩ.

Thứ nhất, thuật ngữ ngành văn hóa sử dụng cho các tác phẩm âm nhạc bằng tiếng hay bằng hình trên mạng hay băng đĩa (CD, DVD...) là bản ghi âm, ghi hình, cách gọi này để “hợp thức hóa” việc sản xuất và phát hành băng đĩa ca nhạc không thuộc phạm vi của lĩnh vực xuất bản (?). Và vì thế, nó hoạt động theo các Nghị định và Thông tư. Theo đó, hiện tại, vai trò của quản lý nhà nước ở giai đoạn kiểm duyệt bản ghi âm, ghi hình trước phát hành đã không còn.

Nếu như vậy, ngành văn hóa cần có những quy định bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân muốn hoạt động lĩnh vực này phải học hoặc đọc và nắm kỹ các quy định, những thứ được phép và những điều không nên trong hoạt động.

Thứ hai, hoạt động phổ biến bản ghi âm ghi hình trên môi trường số với các mạng xã hội có nguồn gốc từ nước ngoài khi hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, Nhà nước cần nghiên cứu và có những quy định ràng buộc hơn, rõ ràng hơn để việc quản lý của cơ quan có thẩm quyền được thuận lợi và hiệu quả.

Thứ ba, thông qua sự việc này mới thấy chúng ta hiện vẫn chưa thấy có một chiến lược phát triển văn hóa đại chúng vươn tầm khu vực, hay gọi cách khác là hướng tới một nền công nghiệp văn hóa xứng tầm, điều mà được nói rất nhiều trong những năm gần đây trước xu hướng toàn cầu hóa và càng trở nên cần thiết trong thời điểm diễn ra cuộc cách mạng 4.0. Nếu có, cái này mới thực sự cần sự can thiệp trực tiếp từ tầm vĩ mô cho tới vi mô. Và nếu có thì âm nhạc đại chúng sẽ là một trong những trọng tâm, trong khi để đạt hiệu quả cần chọn những hạt nhân có đủ tài năng để đầu tư...

Rõ ràng nếu thế, một trong số ít ứng cử viên, trong mắt tôi, có thể là Sơn Tùng M-TP như tôi từng biết trước đây, bởi vươn ra thế giới đã là một trong những hướng đi của nam ca sĩ này, những sản phẩm gần đây đã rõ ràng yếu tố “quốc tế hóa”. Tất nhiên khi có chiến lược văn hóa, khi đã có sự can thiệp có chủ ý, những gì nam ca sĩ này mang đến cho khán giả Việt Nam và quốc tế sẽ là những màu sắc Việt Nam, những thời trang mang thương hiệu Việt Nam, những cảnh đẹp như thiên đường trên đất nước… chứ không phải là những nội dung, tình tiết, hình ảnh gây phản ứng dữ dội như vừa qua.

Cho nên sự việc MV There's No One At All thực sự chẳng vui gì, nhưng nó là bài học để cá nhân Sơn Tùng M-TP, các nghệ sĩ, đặc biệt nghệ sĩ trẻ có tham vọng vươn ra thế giới phải biết tự bảo vệ thương hiệu của bản thân, nâng cao ý thức xã hội. Và bên cạnh họ, rất cần có sự hậu thuẫn không phải của một bầu sô, công ty mà cả một nền công nghiệp âm nhạc.

Lỗ hổng trong hoạt động sản xuất các sản phẩm nghệ thuật của team Sơn Tùng M-TP cần phải lấp đầy nếu không muốn những điều tương tự xảy đến trong trong tương lai.

Không cho điểm

Nguyễn Quang Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm