Làn sóng "chia sẻ xe" - Khi chúng ta không còn sở hữu ô tô

22/03/2023 10:49 GMT+7 | HighTech

Xe hơi sẽ không còn là tài sản cá nhân. Chúng ta sẽ không còn khao khát sở hữu ô tô nữa. Đó là khi làn sóng "Car sharing" (Chia sẻ xe hơi) bùng nổ và lan rộng? Nhưng bao giờ và như thế nào?

Bài 1: KHI TAXI CŨNG NGOẢNH MẶT LÀM NGƠ

Buổi tối hôm 14/2 khi chúng tôi vừa kết thúc bữa ăn tại một trung tâm ẩm thực ngoài trời ở Singapore tròn chuyến đi tham quan ngắn ngày thì người bạn trong nhóm có điện thoại cầu cứu từ... vợ anh ấy. Vợ anh (đang ở một điểm khá xa chúng tôi) đã mất cả tiếng đồng hồ để đặt xe, gọi taxi mà không thể được, sau mới phát hiện ra ngày Valentine dịch vụ di chuyển buổi tối ở đây "tắc nghẽn" vì tình yêu!

Làn sóng "chia sẻ xe" - Khi chúng ta không còn sở hữu ô tô - Ảnh 1.

Làn sóng "chia sẻ xe" - Khi chúng ta không còn sở hữu ô tô - Ảnh 2.

Xe của dịch vụ Car Sharing ở Singapore

Anh bạn bấm vài phát trên điện thoại và xin phép đi lấy xe đón vợ. Thấy chúng tôi ngạc nhiên không biết anh lấy xe kiểu gì - vì biết chắc chắn ở bên này anh không có xe hơi, anh xoè ngay cho xem app trên điện thoại : Car Sharing. Thế là chỉ tốn chừng vài chục đô la Sing, còn rẻ hơn taxi, lại còn khiến vợ mãn nguyện vì một chuyến xe đặc biệt trong ngày lễ tình nhân nữa chứ.

Ai cũng biết việc sở hữu xe hơi ở Singapore đắt đỏ và khó khăn hàng đầu thế giới. Do diện tích nhỏ, để hạn chế lượng xe lưu thông trên đường, quốc gia này áp dụng nhiều thuế, phí khiến giá xe đắt gấp đôi, thậm chí gấp ba ở Việt Nam. Ngoài ra, chủ sở hữu còn phải mua quyền được lưu hành xe mỗi năm, để đảm bảo số lượng xe được phép lưu thông trên đường ổn định ở mức giới hạn. Thực tế này khiến dịch vụ Car Sharing phát triển sớm ở Singapore. Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore là quốc gia đầu tiên có dịch vụ chia sẻ xe hơi này, từ năm 1997. Khi đó 40 cư dân đầu tiên trong hai toà chung cư có nhu cầu "dùng chung xe" và họ đã thiết lập nên dịch vụ chia sẻ ô tô có tên Car Co-op. Giờ thì có đến 6 công ty chia sẻ xe hơi (GetGo, Shariot, BlueSG, Tribecar, Whizz car, Drive Lah) cho một thị trường 5,64 triệu dân dù tỉ lệ sở hữu xe cá nhân ở đây rất cao, khoảng 10% trên đầu người (Số liệu năm 2022 Singapore có 532.348 xe dùng cho mục đích cá nhân) và phương tiện công cộng cũng rất phát triển.

TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ CỦA MỘT NGƯỜI DÙNG

Anh Lê Nam, nguyên phóng viên báo Tuổi trẻ, đã trải nghiệm dịch vụ Car Sharing ở Singapore từ hơn 2 năm nay. "Dịch vụ chia sẻ xe bùng phát và hoạt động khá mạnh trong thời gian Covid-19 buộc dân Singapore không ra khỏi quốc đảo. Tôi đăng ký dùng hơn 4 trong tổng cộng 6 công ty car sharing đang hoạt động ở Singapore: BlueSG (hoàn toàn là xe điện), Getgo (đa dạng xe từ hybrid, xe điện và xe xăng), Shariot và Drive Lah. Thủ tục đăng ký khá đơn giản và nhanh chóng nhưng chỉ dành cho người trên 19 tuổi. Sau khi tải ứng dụng về điện thoại, mở chế độ định vị, tôi đăng ký với hãng bằng việc cung cấp căn cước, bằng lái xe (với kinh nghiệm lái ít nhất 1 năm căn cứ theo thời gian cấp thẻ), cung cấp số thẻ tín dụng (để thanh toán sau mỗi cuốc xe). Ở ứng dụng Shariot và Drive Lah tôi phải đóng 100 SGD (khoảng 1,8 triệu đồng) phí thành viên, số tiền này đối với người nước ngoài cư trú và làm việc hợp pháp ở Singapore thì gấp 10 lần (1.000 SGD). BlueSG thì phí thành viên mỗi tháng là 8 SGD. Trong vòng 24 hours sau khi kiểm tra các thông tin cá nhân, tài khoản của tôi đã được kích hoạt.

Các hãng chia sẻ rải đều số lượng xe ở các bãi đậu xe, nhà để xe ở các khu chung cư để tiện cho người có nhu cầu không phải đi xa lấy xe. Có ứng dụng cho phép lấy xe điểm A trả điểm B nhưng đa số thì không, thuê xe ở đâu thì trả đúng giờ đúng chỗ cũ nếu không bị phạt tiền ốm đòn. Với BlueSG vì là xe điện nên khi trả xe buộc phải cắm sạc vào xe, khi đó mới được xác nhận là đã trả xe".

Đón xem tiếp Bài 2: Từ chết non đến bước vọt

Phan Ka

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm