Ký sự World Cup: Đã từng có một Qatar như thế

09/12/2022 15:38 GMT+7 | World Cup 2022

Ký sự World Cup: Những con đường cao tốc của Qatar đẹp không thể tả. Một người đã từng lái xe trên nhiều con đường thế giới như tôi cũng phải lòng những tuyến cao tốc ấy.


Những con đường ấy dài, thẳng tắp và bốn làn, êm như ru. Trên loa đang bật rất to của chiếc ô tô tôi đã thuê để tự lái, lúc thì Taylor Swift hát, lúc Nicky Youre vang tiếng ca. Trên những con đường ấy, tôi khám phá Qatar. Một buổi trưa như thế, tôi đã lao đi như bay trên chiếc xe hướng về phía Bắc Qatar. Mặt trời vẫn còn chói rọi lúc xe rời khỏi Doha.

Thế rồi, khi xe đã qua sân Al-Bayt, nơi diễn ra trận khai mạc của World Cup, trời bỗng nhiều mây, cảnh tượng thật hiếm thấy trong những ngày tôi ở bán đảo nhỏ bé này. Và rồi trước mắt, cát bay mù mịt trong những cơn gió rất mạnh thổi dọc con đường, khiến tầm nhìn phía trước giảm hẳn. Những cơn cuồng phong cát đã chào đón tôi trong hành trình xa nhất tôi đã đi kể từ ngày đặt chân đến đây ba tuần trước. Bạn không chào đón tôi ư, con đường Qatar?

Ngôi làng ma ẩn giấu quá khứ khiêm tốn của Qatar

Thế rồi, khi xe đi đến Al Ruwais, thành phố nghỉ mát nhỏ ở gần cực Bắc của Qatar, nơi mà người ta cam đoan là trong những ngày quang đãng, có thể nhìn thấy bằng mắt thường lãnh thổ của Bahrain láng giềng và nhìn qua vịnh Arab thấy đất Iran xa xôi, trời trở nên quang hơn, mặt trời lại ló ra sau đám mây. Con đường rải nhựa chạy đến nơi tôi muốn tới cắt ngang một hoang mạc mênh mông, với một bên là biển xanh, bên kia là cát. Những cơn lốc xoáy nhỏ cuốn tung bụi cát lên che khuất tầm mắt.

Khi cát tản đi, hiện ra phía tay phải những đống đổ nát của một ngôi làng cổ. Nó đấy, Al Jumail, một làng chài, nơi đã từng ẩn giấu một quá khứ xa xôi của Qatar. Con đường rất xấu đầy sỏi đá dẫn đến một cái tháp ngày xưa thuộc về một giáo đường Hồi giáo nhỏ có tên Al Hussein, những bức tường đá và gạch lở loét, những ngôi nhà ngày xưa từng là nơi trú ngụ của dân chài đã mất mái, không còn cửa sổ, những con đường trong làng bằng đất, những cổng nhà cao đã mất hết tâm hồn. Cả ngôi làng không còn gì nữa, ngoài những đổ nát và nằm trong một khu vực rất rộng với những khu khảo cổ của Qatar. Ngay đó là biển đã rút, để lộ một bãi cát chạy dài lổn nhổn những đá và cây trơ trọi. Xung quanh ngôi làng ấy là sa mạc Qatar.

Ký sự World Cup: Đã từng có một Qatar như thế - Ảnh 1.

Tháp của giáo đường Hồi giáo Al Hussein tại “làng ma” Al Jumail

Đó là những gì còn lại của Al Jumail, ngôi làng nổi tiếng nhất trong số rất nhiều khu định cư nay đã chìm trong cát ở phía Đông Bắc Qatar. Những "ngôi làng ma" ấy thể hiện một Qatar trong quá khứ, trước khi sự bùng nổ kinh tế từ dầu mỏ và khí đốt trong những năm 1960 dẫn đến một sự thay đổi chóng mặt trong bố trí dân cư của đất nước này. Người ta còn sống ở đây đến những năm 1970, và rồi lũ lượt bỏ đi, tập trung ở thủ đô Doha, nơi bây giờ 99% dân số của Qatar đang sống.

Trước khi phát hiện ra dầu mỏ, người ta sống dựa vào biển. Những người dân của Al Jumail và các làng gần đó sống bằng nghề đánh cá. Nhiều người sống bằng nghề mò ngọc trai. Trong một video clip về Al Jumail ở Bảo tàng quốc gia Qatar, Ahmed Mohammed Srour, một cư dân từng sống ở đó, nói: "Chúng tôi làm việc từ sáng cho đến buổi cầu kinh chiều. Chúng tôi không hề nghỉ ngơi hay ngủ trưa, không có bữa sáng hay bữa trưa, chỉ có bữa tối, thường là với cơm và cá".

Những gì còn lại của một Qatar quá khứ

Bây giờ, trước đống đổ nát ấy, thật khó có thể hình dung ngày đó họ đã sống ra sao. Những cơn gió mạnh của một ngày thất thường bỗng nhiên thổi mạnh và cuốn cát bay khắp nơi, vào mặt và mắt tôi.

Ngày trước, vào mùa Đông như thế này, khi việc đánh bắt cá và mò ngọc trở nên khó khăn hơn, cư dân thường bỏ các ngôi làng của mình để cùng gia súc đến sống trong các ốc đảo. Đến mùa Hè, dưới cái nắng như thiêu đốt, họ trở lại sống trong các ngôi làng dọc các bờ biển ở phía Bắc, Đông và Tây. Dọc biển là nơi duy nhất người Qatar ngày xưa có thể sống, bởi những vùng đất bên trong chỉ là sa mạc, là cát trắng mênh mông.

Cách Al Jumail chừng 15km là một pháo đài. Nó được xây năm 1938 trên nền của một pháo đài cổ. Al Zubarah, tên của pháo đài cũ, được những người lái buôn dựng lên vào giữa thế kỷ 18, khi phía Bắc bán đảo Qatar ngày nay trở thành một trung tâm khai thác và buôn bán ngọc trai lớn bậc nhất thế giới ngày đó. Pháo đài ấy nhằm bảo vệ cảng biển Zubarah, một điểm quan trọng trong hải trình kết nối giữa Đông và Tây, đưa ngọc trai đến Iran, Ấn Độ, Trung Quốc, Đông Phi, Hà Lan, thậm chí Anh, khi Qatar lúc đó đồng nghĩa với ngọc trai. Nhưng không chỉ thế, Zubarah còn xuất khẩu rỉ đường, một đặc sản ở nơi này (nó là thành phẩm còn lại sau khi đã rút toàn bộ đường ra khỏi mía bằng phương pháp cô và kết tinh, dùng để làm ngọt và bảo quản đồ ăn). Thành phố cổ Zubarah đã trở thành công trình ma sau khi việc buôn bán ngọc trai đình đốn vào đầu thế kỷ 19.

Ký sự World Cup: Đã từng có một Qatar như thế - Ảnh 2.

Tác giả đứng trước pháo đài cổ Al Zubarah

Al Jumail bắt nguồn từ Arab "jameel", nghĩa là đẹp. Có lẽ, ngôi làng ngày xưa đẹp lắm, bất chấp cái nắng, cái gió và cát sa mạc khắc nghiệt đã luôn đe dọa sự tồn tại của nó. Nhưng cái chết của ngôi làng lại đến từ chính cuộc sống, khi người ta bỏ đi để tìm đến những nơi có thu nhập cao hơn, cuộc sống sung túc và đỡ bấp bênh hơn. Tôi đã từng đến châu Phi, đã từng nghe những người cao tuổi nói đến việc những ngôi làng bỗng nhiên thôi tồn tại sau một đêm chỉ vì người ta cảm thấy ở đó không còn đủ nguồn nước để sinh sống. Và họ bỏ đi.

Đó cũng là một quy luật của cuộc sống, liên quan đến sự sinh tồn. Và vì thế, bây giờ, nơi đây chỉ còn là một đống đổ nát, một quá khứ xa xăm và gần gũi, và cách đó 100km, là một thế giới khác, của hiện tại, là Doha, một thành phố mà nửa thế kỷ trước chưa từng hoành tráng, lộng lẫy và nguy nga thế này. Nó được như bây giờ là nhờ dầu khí. Vài thế kỷ trước, thậm chí nó còn chưa tồn tại và không thể đông đúc như những khu định cư kiểu Al Jumail ở phía Bắc. Vậy, hơn một thế kỷ nữa, khi dự báo ở đây sẽ hết dầu mỏ và khí đốt, điều gì sẽ xảy ra, một sự suy tàn của đế chế năng lượng vùng Vịnh hay điều gì sẽ đến? Biến mình thành một trung tâm dịch vụ tài chính và thương mại hàng đầu vùng Vịnh và thế giới. Và bóng đá cũng như World Cup trở thành một quyền lực mềm để khuếch trương hình ảnh. Đó chính là cách mà Qatar hiện tại đang làm, và làm rất thành công.

Và một Qatar hoàn toàn khác...

Tôi thực sự choáng ngợp trước quy mô và sự hoành tráng của The Pearl Island, một hòn đảo nhân tạo trải dài trên một diện tích gần 14km2. Nó là tập hợp của những gì đẹp nhất, phô trương nhất, sang trọng nhất, lung linh nhất mà Doha hiện đại đang đem đến cho thế giới, cho thấy Qatar có thể tạo ra những gì từ trí tưởng tượng.

Đấy là nơi mà những khách sạn 5 sao bậc nhất, những khu chung cư sang trọng nhất, những boutique chất nhất của Doha tọa lạc, cùng với những bến du thuyền ngập tràn những chiếc thuyền màu trắng đủ các kích cỡ, phô bày sự giàu có của nơi đây, một quốc gia hơn nửa thế kỷ trước còn nghèo đói và thậm chí hơn 100 năm trước vẫn quần tụ bên trong những ngôi làng dọc biển như Al Jumail. Không ngạc nhiên khi tên của nơi mà hơn 30 nghìn người đang có căn hộ và sống đây cùng với 15 triệu du khách viếng thăm mỗi năm được đặt tên là "The Pearl" (ngọc trai), bởi cái vịnh mà nó được xây lên đã từng là nơi mà người Qatar trước kia lặn xuống để mò trai. The Pearl hiện tại do đó kết nối với quá khứ ngọc trai của Qatar. Từ trên cao, nhìn nơi này giống hệt như một chuỗi ngọc lớn.

The Pearl có tới 12 khu lớn, chủ yếu mang phong vị của Địa Trung Hải, với những khu lấy cảm hứng từ những dòng kênh của Venice (khu Qanat), với cảnh quan kiểu Tây Ban Nha và vùng Illyria (khu Porto Arabia), những quảng trường, khu vui chơi trẻ con, những quán cafe và mua sắm (như khu Medina Centrale). Nó cũng có những khu cư dân kiểu Arab như Viva Bahriya, với các villa theo kiểu Maroc; những kiến trúc kiểu Ý, Pháp và Tây Ban Nha cho những villa bên bờ biển của khu Beach Villas; những tòa nhà chọc trời với 5 tòa tháp cao vút của khu Abraj. Khi dự án được công bố vào năm 2004, chi phí dự trù cho cả khu vực này là 2,5 tỷ USD. Bây giờ, khi còn một số phần vẫn đang xây, chi phí tổng cộng có thể lên tới 15 tỷ USD khi tất cả hoàn thành. Từ những làng chài như Al Jumail và nghề lặn lấy ngọc trai, Qatar đã thay đổi nhanh chóng sau khi phát hiện dầu mỏ vào những năm 1930 và nền kinh tế của họ bùng nổ những năm 1970. Hiện tại rất hoành tráng, nhưng quá khứ của họ vẫn được gìn giữ một cách cẩn thận, cho hiện tại và tương lai. Trong các bảo tàng và ở những nơi như Al Zubarah.


Trương Anh Ngọc, phóng viên TTXVN, từ Al Ruwais, phía Bắc Qatar

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm