Kỳ I: Những ngày xưa thân ái...

13/07/2022 12:15 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Trong lịch sử các danh thủ làng bóng đá nội, Hoàng Đức là một trong ít gương mặt tài năng phát tiết rực rỡ nhanh đến thế, điển hình như cách anh chinh phục Quả bóng Vàng 2021. Một kỳ tài hội tụ đầy đủ các phẩm chất của một tiền vệ trung tâm: Thể lực, khả năng công - thủ - phân phối bóng - giữ bóng - dứt điểm; đặc biệt là bản lĩnh thi đấu. Hãy soi lại các trận đấu quan trọng sẽ thấy vóc dáng của một cầu thủ lớn. TT&VH trân trọng giới thiệu loạt bài của nhà văn Thủy Anna về ngôi sao vừa bình dị nhưng cũng rất “lạ lùng” này.

Hoàng Đức: 'Hy vọng Mạnh Dũng duy trì phong độ khi trở về V League'

Hoàng Đức: 'Hy vọng Mạnh Dũng duy trì phong độ khi trở về V League'

Phát biểu trong phòng họp báo sau chiến thắng trước Hougang United chiều tối 30/6 trên sân Thống Nhất, tiền vệ Hoàng Đức kỳ vọng người đàn em Nhâm Mạnh Dũng sẽ toả sáng để giúp đội khi V-League trở lại.

Một mái nhà hạnh phúc

Hoàng Đức có vẻ bề ngoài thư sinh, bẽn lẽn và nụ cười hiền hậu. Nếu không biết trước Hoàng Đức là một cầu thủ bóng đá được yêu thích nhất hiện nay, thật khó tin. Quả bóng Vàng có một vẻ ngoài hồn hậu, tự nhiên, không có vẻ gì thể hiện là một ngôi sao bóng đá đang được yêu thích bậc nhất hiện nay. Anh dành tặng sự phác thực với tất cả những ai gặp ngoài đời.

Bố mẹ Hoàng Đức sinh được 2 chị em, cách nhau 8 tuổi, được lớn lên điều kiện kinh tế gia đình có bố làm thầu xây dựng, mẹ làm cán bộ trong Công ty Nước sạch Thành phố Hải Dương. Nói chung là “nhà có điều kiện”.

Tuổi thơ sống bên bố mẹ, chị gái, cả nhà cùng yêu và cưng chiều Đức vô cùng. Tuổi thơ của Đức không có một “nếp nhăn biến cố” nào khiến Đức phải hằn sâu trong lòng. Tất cả là chuỗi ngày tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Nhớ lần mới vào Trung tâm bóng đá ở Hải Dương được mấy ngày, cậu đã quay quắt nhớ. Gọi điện cho mẹ thảng thốt: “Mẹ ơi con nhớ mẹ!”. Thế là, người mẹ trẻ phải phi xe máy 2km lên ngủ với con trai luôn, không để con trai nhõng nhẽo thêm.

Từ lúc nhỏ đến năm Đức lớp 4, bố mẹ luôn cho cậu mỗi sáng 10.000 đồng để chủ động ăn quà. Ngày đó một suất cơm ngon mới có 2.500 đồng/suất. Vì thế số tiền 10.000 đồng/ngày ấy có thể mua được nhiều thứ với một đứa trẻ đang học tiểu học nhưng Hoàng Đức chỉ mua bóng đá.

Lớp 3 trở đi Hoàng Đức bắt đầu mê trái bóng nhựa, có bận đưa đám bạn trẻ con về nhà đá bóng, nô đùa ầm ĩ bị bà nội mắng: “Bà muốn xem phim, bà cần yên tĩnh. Chúng mày đi chỗ khác chơi mau mau”. Năm lớp 5, Đức trúng tuyển vào Trung tâm Bóng đá Hải Dương.

Từ khi Hoàng Đức vào Trung tâm Bóng đá Hải Dương thì bố mẹ ít chu cấp tiền bạc cho con, chỉ bù đắp tình cảm hay đồ dùng cá nhân nếu con cần. Hoàng Đức có vẻ sống rất đơn giản, bằng lòng với những gì mình đang có. Vì thế, khi vào trung tâm, cuộc sống của anh không thay đổi nhiều do vẫn sống gần gia đình. Hai tuần là Đức được bố mẹ đón về nhà chơi, cuộc sống của cầu thủ nhí khi ấy vẫn là cậu ấm sống trong sự bao bọc của bố mẹ, chị gái.

Chú thích ảnh
Hoàng Đức (người cầm hoa) cùng đội bóng U10 thành phố giành chức vô địch tại Giải bóng đá nhi đồng tỉnh Hải Dương năm 2008. Ảnh: NVCC

Cuộc gặp định mệnh danh thủ Hồng Sơn

Cuộc sống của Hoàng Đức sẽ là những ngày tháng bình yên trôi đi ở Trung tâm Bóng đá Hải Dương nếu như không có một ngày, người bác về kể với gia đình có đi đánh golf với danh thủ Nguyễn Hồng Sơn. Mà thầy Hồng Sơn thì đang cống hiến cho đội bóng Viettel. Người bác sau đó làm nhịp cầu nối. Bằng con mắt chuyên môn, rất nhanh, thầy Sơn đã đưa Hoàng Đức xuống U13 Viettel.

Từ cuộc gặp định mệnh thầy Hồng Sơn năm lớp 8, cuộc đời Hoàng Đức cứ êm đềm phát triển ở Viettel. Đức thừa nhận anh luôn gặp quý nhân, cuộc đời dường như đơn giản và dễ dàng hơn với bản thân trong mọi chuyện. Viettel quản cầu thủ rất kỷ luật. Với U13 mới lên nhập cuộc thì mỗi năm chỉ được về nhà 1 lần vào dịp Tết. Dù nỗi nhớ nhà da diết nhưng rồi Hoàng Đức cũng quen dần.

Tất cả cầu thủ nhí mới lên Viettel, đều phải trải qua kỳ thử thách như vậy. Người trụ lại được là người chiến thắng, có “bản lĩnh chính trị vững vàng”.

Hoàng Đức cũng từng trải qua khoảng thời gian khủng hoảng khi đang khoác áo U15, bị nằm trong danh sách thầy chủ nhiệm thông báo “bị Viettel trả về” vì trong tập luyện không đạt yêu cầu kỹ thuật cũng như thể lực. Cái án trả về ấy là một vết hằn sâu trong tâm trí Đức, nó khủng khiếp hơn tất cả những sự cố buồn mà Đức từng trải nghiệm. Rất may, anh đã được “vớt”!...

Ngọc bất trác bất thành khí

Trở lại những ngày mới vào Viettel, Hoàng Đức “đầu quân” cho U13 do thầy Nguyễn Minh Tiến huấn luyện. Thầy Tiến động viên Hoàng Đức: “Môi trường ở đây cạnh tranh cao, con cần phải nỗ lực nhiều thì mới hy vọng trụ lại được”.

Hoàng Đức đá cho U13 Viettel ở vị trí tiền vệ đến năm 15 tuổi. Để trở thành Hoàng Đức của hiện tại, mỗi người thầy ở Viettel có một tầm ảnh hưởng nhất định đến Hoàng Đức, nhưng người có ảnh hưởng sâu sắc nhất là thầy Nguyễn Thành Công, được Viettel mời từ Nghệ An về làm huấn luyện viên.

Nhớ về thầy Nguyễn Thành Công, Hoàng Đức ánh lên cảm xúc chân thành, yêu mến: “Thầy hiền từ và giỏi chuyên môn. Nhiều bài học của thầy về chơi bóng đá đến nay vẫn còn trong tâm trí Đức”.

Chú thích ảnh
Hoàng Đức (thứ hai từ phải qua, hàng thấp) trong màu áo Viettel. Ảnh: Ngọc Anh

Còn các thầy thì ấn tượng về Hoàng Đức ở thái độ ngoan, lễ phép, cầu thị và rất lành. Mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng Hoàng Đức biết sống với người trên kẻ dưới rất đúng mực. Chính cách sống ban đầu ấy của Hoàng Đức mới là “điểm 10” với huấn luyện viên Nguyễn Thành Công, chứ không phải kỹ thuật hay lối chơi đã đạt tới tầm đỉnh cao như hiện nay.

Viettel là ngôi nhà bóng đá đã cho Hoàng Đức một bước đệm hoàn hảo để đi tới những sân cỏ tầm vóc hơn, gặp những người thầy định mệnh đưa tài năng Hoàng Đức đi xa hơn. Hoàng Đức là một thứ cây xanh đặc biệt và kỳ lạ, bởi cái vẻ bề ngoài trắng trẻo, thư sinh cùng nụ cười hiền khô ấy, lại là một cầu thủ tiền vệ trung tâm của ĐTQG với chiều cao 1m83 từng đem đến cho hàng triệu khán giả những cảm xúc thăng hoa bất tận.

Trên sân cỏ Hoàng Đức dường như là một con người hoàn toàn khác, bứt phá, kỹ thuật, vô cùng tinh quái, đúng như giới chuyên môn từng nhận định: “Trung bình mỗi trận Hoàng Đức có 2,8 pha đi bóng thành công, đạt tỉ lệ 65%. Bên cạnh sự toàn diện trong các khía cạnh, đây là con số minh chứng cho giá trị quan trọng nhất trong lối chơi của Hoàng Đức, với khả năng kiểm soát bóng, giữ bóng và hướng lên phía trước với bóng. Nó tạo ra sự khác biệt của tiền vệ trung tâm sinh năm 1998 so với những người đàn anh chơi trong vai trò tiền vệ trung tâm tại ĐTQG”.

Đón đọc kỳ II: Đường đến VCK U20 World Cup 2017

Danh thủ Nguyễn Hồng Sơn nói gì?

Chúng tôi đem duyên kỳ ngộ độc đáo trên ướm hỏi danh thủ Nguyễn Hồng Sơn, anh kể: “Câu chuyện gặp Hoàng Đức rất bất ngờ, do Hồng Sơn có dịp giao lưu với lãnh đạo tỉnh Hải Dương, có giải golf. Bác của Hoàng Đức cũng tham dự buổi đó. Bác Hoàng Đức kể có đứa cháu đam mê bóng đá đang ở Trung tâm Bóng đá tỉnh Hải Dương, chân trái rất khéo”. Hồng Sơn khi nghe nói thì ghi nhận như vậy đồng thời cũng nhất trí nếu Hoàng Đức có chuyên môn tốt, thể hình cao lớn sẽ là một lợi thế, phía huấn luyện viên Hồng Sơn sẵn sàng nhận một học trò tiềm năng như vậy. Sau đó, anh gặp bố của Hoàng Đức trước. Thật bất ngờ vì bố Hoàng Đức rất cao lớn, thể hình quá đẹp. Hồng Sơn có niềm tin rằng ông bố thể trạng như vậy thì Hoàng Đức sẽ thừa hưởng gen, sẽ rất cao. Ấn tượng về chuyên môn Hoàng Đức là cầu thủ nhí tâng bóng khéo, thể hình tốt, nhưng chưa được nhanh nhẹn cho lắm. Lúc đưa Hoàng Đức lên Viettel, thầy Hồng Sơn không dạy U11, U12, U13 nên thi thoảng mới gặp Hoàng Đức. Dù thế, anh vẫn luôn theo dõi học trò qua các trận Viettel, qua báo chí. Sự theo dõi “tàu ngầm” cũng là cách riêng mà danh thủ Hồng Sơn dành cho cậu học trò nhỏ anh đưa về Viettel năm xưa. Hồng Sơn cho biết: “Dù kỷ luật quân đội Viettel nghiêm ngặt nhưng các bạn vẫn có thể nhờ điện thoại của các thầy gọi về nhà khi có việc hoặc ra điện thoại công cộng. Công tác tư tưởng của Viettel dành cho học trò rất tốt. Bố mẹ có thể xin phép cho con về nhà những dịp gia đình có lễ ma chay hiếu hỷ. Còn theo thời gian, cuộc sống ở Viettel có sân chơi giải trí, Internet, bể bơi, bóng bàn … các bạn không chỉ có học văn hóa, đá bóng mà còn được xả stress theo khung giờ quy định”.

Hoàng Thủy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm