Không cho bé trai 6 tuổi vào WC nữ, cô gái bị mẹ cậu bé lăng mạ 20 phút vì 'trẻ con không biết gì?'

03/02/2023 11:16 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Trong đoạn video dài 20 phút, người mẹ của một cậu bé đã nổi cơn thịnh nộ, liên tục chửi bới cô gái trẻ vì đã yêu cầu cậu bé không được sử dụng nhà vệ sinh nữ.

Một cuộc tranh luận gay gắt về giáo dục giới tính đã nổ ra ở Trung Quốc sau khi một phụ nữ yêu cầu cậu bé 6 tuổi rời khỏi nhà vệ sinh nữ ở ga tàu điện ngầm và bị mẹ cậu khủng bố bằng một tràng dài lời lẽ khó nghe.

Theo đó, vụ việc xảy ra ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc hôm 30/1. Trong video, mẹ bé trai hét lên một cách mất kiểm soát rằng không ai được ra khỏi nhà vệ sinh cho đến khi cô gái kia xin lỗi con trai mình. Bà mẹ liên tục lặp đi lặp lại rằng cô gái "đã làm tổn thương tâm hồn" cậu bé.

Cô gái, chỉ được xác định bằng tên tài khoản Weibo là @Bunengbeinifaxianxiugoudemimi, cho biết cô bị sốc khi đẩy cửa một buồng vệ sinh không khóa và phát hiện một cậu bé bên trong. Cô nói với bé trai: "Đây là nhà vệ sinh nữ. Cháu là con trai, cháu không được vào đây", rồi sang buồng khác.

Không cho bé trai 6 tuổi vào WC nữ, cô gái bị mẹ cậu bé lăng mạ 20 phút vì "trẻ con không biết gì?" - Ảnh 2.

Người mẹ yêu cầu cô gái xin lỗi con trai của mình vì đã yêu cầu cậu bé không được dùng nhà vệ sinh nữ - Ảnh: Weibo

Mẹ của bé trai đang ở buồng gần đó nghe thấy cuộc trao đổi đã lao ra, đóng sầm cửa lại rồi bắt đầu la hét, yêu cầu người phụ nữ kia "lộ diện".

Hoảng sợ trước phản ứng của mẹ, cậu bé chỉ biết bật khóc.

Trong 20 phút sau đó, người mẹ tức giận đã sử dụng ngôn ngữ khó nghe và lăng mạ khi yêu cầu người phụ nữ xin lỗi.

Tuy nhiên, cô gái không chịu và nói với người mẹ: "Thằng bé 6 tuổi rồi, đủ tuổi học tiểu học rồi mà".

Nhưng người mẹ đáp rằng con trai mình "còn quá nhỏ để vào nhà vệ sinh nam" và tiếp tục nói với cô gái: "Cô sẽ hiểu khi cô làm mẹ". Cô gái trả lời: "Khỏi lo, tôi không muốn làm mẹ". Người phụ nữ vặn lại: "Tại sao? Chẳng lẽ cô không có tử cung, không thể sinh sao?". Rồi bà mẹ này mở cửa nhà vệ sinh nữ, hét lên gọi chồng ở nhà vệ sinh nam đối diện đến giúp sức, buộc cô gái kia phải xin lỗi.

Vụ việc đang một lần nữa làm dấy lên cuộc tranh luận trên mạng về việc liệu có nên cho bé trai vào nhà vệ sinh nữ không. Nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ khi người mẹ đưa cậu con trai đã 6 tuổi vào nhà vệ sinh nữ. "Sao người bố không đưa đứa trẻ vào nhà vệ sinh nam đi? Có lẽ vì bà của cậu bé cũng đang đưa ông bố vào nhà vệ sinh rồi", một người dùng Weibo nói đùa.

Một số khác nêu ý kiến cho rằng việc sử dụng nhà vệ sinh không đúng giới tính có thể gây hại cho nhận thức của trẻ. Những ý kiến khác kêu gọi nên có nhiều phòng vệ sinh dành cho gia đình hơn ở các cơ sở công cộng.

Không cho bé trai 6 tuổi vào WC nữ, cô gái bị mẹ cậu bé lăng mạ 20 phút vì "trẻ con không biết gì?" - Ảnh 3.

Có nên cho trẻ dùng nhà vệ sinh tùy tiện, không cần quan tâm đến giới tính - Ảnh: SCMP

'Con nít mà, có biết gì đâu'

Thời gian gần đây, câu chuyện liên quan đến việc trẻ em làm sai nhưng phụ huynh một mực bênh vực đã xảy không ít. Hầu hết, mọi người đều cho rằng, tư tưởng bao che, đổ lỗi cho tuổi tác ấy không giúp ích trong việc giáo dục, hình thành tính cách tốt ở trẻ. Câu cửa miệng "trẻ con có biết gì" của các bậc cha mẹ như một sự ngầm đồng ý, thừa nhận để những lỗi sai không ngừng lặp lại và ngày càng nghiêm trọng hơn.

Có câu nói rất hay, "Dạy dỗ trẻ em dễ dàng hơn là giáo dục lại một người trưởng thành với đầy lỗ hổng trong tính cách", phần nào đó thể hiện được hậu quả khôn lường khi cha mẹ chỉ biết mặc định con mình luôn đúng.

Ở một số quốc gia châu Á, điển hình như Hàn Quốc, họ đã đặt giới hạn độ tuổi của trẻ em ở các quán cafe để tránh gây ồn ào và đem lại trải nghiệm tốt cho những khách hàng khác.

Theo đó, "No kids zone" bắt nguồn sau hàng loạt vụ việc gây tranh cãi về cách cư xử của trẻ em ở nơi công cộng vào năm 2011-2014.

Năm 2011, một bé gái bị bỏng nước sôi khi đi ăn lẩu cùng cha mẹ. Hai năm sau, tòa án địa phương yêu cầu chủ nhà hàng và nhân viên phục vụ phải bồi thường 41 triệu won cho gia đình bé gái.

Năm 2012, một trường hợp tương tự xảy ra. Trong khu ẩm thực ở Seoul, một nhân viên đã làm đổ nước nóng lên người bé trai 9 tuổi. Người mẹ lên mạng kêu gọi sự giúp đỡ và đòi tẩy chay nhà hàng.

Tuy nhiên, đoạn phim từ CCTV cho thấy bé trai đã liên tục chạy nhảy và va vào người nhân viên phục vụ khiến đồ ăn bị đổ.

Không cho bé trai 6 tuổi vào WC nữ, cô gái bị mẹ cậu bé lăng mạ 20 phút vì "trẻ con không biết gì?" - Ảnh 4.

Nhiều nhà hàng, quán cafe ở các quốc gia đặt ra giới hạn không nhận khách hàng là trẻ em

Đến năm 2014, các nhà hàng, quán cà phê treo biển "No kids zone" để cấm trẻ em bắt đầu xuất hiện ở Hàn Quốc. Các chủ cơ sở kinh doanh ăn uống cho biết họ không muốn chịu trách nhiệm với những đứa trẻ vô ý thức cùng phụ huynh thiếu trách nhiệm.

Bất chấp sự phản đối của các bậc phụ huynh, theo khảo sát của Embrain, gần 75% người trẻ xứ củ sâm ủng hộ việc hạn chế trẻ em ở một số nơi công cộng. Hơn 66% đồng ý việc các nhà hàng và quán cà phê không tiếp nhận trẻ nhỏ.

70% người nói rằng việc không phục vụ trẻ em ở một số nhà hàng không liên quan đến vấn đề phân biệt đối xử vì các bậc phụ huynh vẫn có thể lựa chọn những nơi trẻ em thực sự được chào đón. Hơn 75% người trẻ chưa kết hôn nghĩ rằng họ có quyền thưởng thức một tách cà phê mà không bị những đứa trẻ quấy phá.

Tại một số nước châu Âu, Mỹ, mô hình quán cà phê, nhà hàng "Adult-only", dành riêng cho người trưởng thành, cũng được ưa chuộng trong thời gian gần đây. Một số nơi thậm chí treo biển: "Screaming children will NOT be tolerated" (tạm dịch: Những đứa trẻ la hét sẽ KHÔNG được chấp nhận).

Alan Andrews, chủ sở hữu của Old Barracks Coffee Roastery ở Ireland, cho biết quán của anh cấm trẻ em bởi anh muốn tạo ra không gian thoải mái, nơi người lớn có thể thưởng thức cà phê mà không phải bận tâm đến trách nhiệm làm cha mẹ.

"Mặc dù một số người không đồng tình với quan điểm này, những khách hàng khác lại hứng thú trải nghiệm môi trường thư giãn, yên tĩnh mà tôi tạo ra", Alan chia sẻ.

Khi trẻ em hành hạ động vật: Biểu hiện tâm lý cần quan tâm nhưng đa phần bị phụ huynh bỏ qua

Nguyễn Phượng (theo SCMP)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm