Khi cộng đồng cùng 'chia sẻ ký ức'

01/03/2023 19:00 GMT+7 | Văn hoá

Làm thế nào để những di sản tư liệu có thể phát huy tối đa giá trị, gắn với đời sống hiện nay, là câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra, cùng nhau đi tìm lời giải đáp. Đây cũng là nội dung chính của buổi tọa đàm Chia sẻ ký ức - Phát huy di sản vừa diễn ra tại Hà Nội.

Buổi tọa đàm do Trung tâm Lữu trữ Quốc gia I tổ chức, với sự tham gia của các diễn giả: Bà Trần Thị Mai Phương (Giám đốc Trung tâm), PGS-TS Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), nhà sử học Dương Trung Quốc (Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), ông Đặng Thanh Tùng (Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước), ông Phạm Định Phong (Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa), ông Hoàng Việt Trung (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Cố đô Huế).

Khuyến khích cộng đồng chia sẻ di sản

Tại tọa đàm, các diễn giả bày tỏ niềm trăn trở khi hiện nay không ít người xem nhẹ giá trị từ tư liệu do bản thân hay gia đình mình tạo ra, nên đã vô tình vứt bỏ những bức thư, những tấm ảnh, những cuốn sổ tay...

Trước thực trạng này, PGS-TS Nguyễn Văn Huy kiến nghị, người làm công tác lưu trữ cần giúp mọi người nhận thức được rằng, tư liệu thuộc về mỗi cá nhân, mỗi gia đình, không chỉ là bằng chứng về sự nghiệp, những mốc son trong cuộc đời họ, mà ở đó còn phản ánh một thời kỳ lịch sử của đất nước, của dân tộc. Để rồi họ biết trân trọng hơn giá trị từ những tư liệu, ký ức mình đang lưu giữ.

Khi cộng đồng cùng 'chia sẻ ký ức' - Ảnh 1.

Các diễn giả, từ trái sang: Nhà sử học Dương Trung Quốc, PGS-TS Nguyễn Văn Huy, bà Trần Thị Mai Hương (Giám đốc Trung tâm Lữu trữ Quốc gia I)

"Từ khi công tác ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho đến khi chuyển sang Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tôi có nhiều dịp thực hiện các hoạt động khuyến khích cộng đồng chia sẻ tài liệu, hiện vật, kinh nghiệm và ký ức của mình. Từ đó, tôi đúc rút ra rằng, việc làm này cần có trọng tâm, trọng điểm thông qua các chủ đề, vấn đề cụ thể được nêu ra, mới có thể khuyến khích cộng đồng tham gia mạnh mẽ" - ông Nguyễn Văn Huy nói.

Ông cho biết thêm: "Chúng tôi ưu tiên vận động những người cao tuổi trước, vì ở họ, việc giữ gìn di sản là vô cùng mong manh. Cùng với đó, có thể tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau như website, fanpage, các ấn phẩm báo chí, truyền hình… Thậm chí kiên trì đến tận nơi, vận động từng cá nhân, từng gia đình".

Những tài liệu nằm trong kho lưu trữ tuy dồi dào là thế, song đó vẫn chỉ là một phần trong tổng thể các di sản ở nước ta, mà phần lớn hiện vẫn đang được bảo quản, lưu giữ bởi các cá nhân. Vì thế, vận động, khuyến khích cộng đồng chia sẻ tài liệu, ký ức là việc làm rất quan trọng.

Bên cạnh đó, không thể đồng nhất khái niệm chia sẻ di sản với hiến tặng di sản. Không đồng tình với ý kiến phải hiến tặng di sản mới dễ dàng lan tỏa giá trị tới nhiều người hơn, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, chia sẻ, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, có nhiều cách thức để các cá nhân, gia đình hay đơn vị sở hữu di sản thuộc quản lí tư nhân có thể đưa những di sản mình đang lưu giữ đến gần hơn với công chúng, thông qua các ứng dụng mạng xã hội, các trang web…

Khi cộng đồng cùng 'chia sẻ ký ức' - Ảnh 2.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, phát biểu tại tọa đàm

Hoặc như đề xuất của ông Huy, cá nhân, đơn vị sở hữu di sản cũng có thể mang hiện vật gốc đến trưng bày tại các cuộc triển lãm, sau khi kết thúc sẽ mang về cơ sở của mình, hoặc chia sẻ bằng hình thức scan…

Cũng theo ông Tùng, khó để đi đến kết luận để di sản cho các cá nhân, đơn vị tư nhân hoặc đơn vị công lập lưu giữ thì tốt hơn. Thay vì tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi nan giải này, hãy chú ý tới khó khăn đáng để các đơn vị lưu giữ di sản, đặc biệt là các đơn vị tư nhân lưu tâm, là phải đáp ứng đủ điều kiện bảo quản, cơ sở vật chất, công trình trưng bày… Bởi di sản không chỉ bảo tồn trong vòng 1- 2 năm, hoặc chục năm, mà chúng phải được giữ gìn nó qua nhiều thế hệ. Về vấn đề bảo quản, các đơn vị chuyên trách có hệ thống, kinh nghiệm và được đào tạo bài bản hẳn nhiên sẽ đảm bảo cho di sản tư liệu được lưu trữ trong điều kiện tốt hơn.

Song song với việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng, cần vận động họ tham gia hiến tặng, chia sẻ các di sản, kỷ vật, thì chính những đơn vị tiếp nhận di sản cũng cần xây dựng và củng cố được lòng tin từ người trao tặng.

Từ góc độ của một đơn vị tiếp nhận những di sản, bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lữu trữ Quốc gia I, cho biết, bản thân bà cùngTrung tâmluôn trân trọng tất cả những tư liệu, câu chuyện quý giá được chia sẻ từ mỗi người, nhằm góp phần làm dày dặn thêm cho kho lưu trữ, cũng như làm phong phú thêm những chuyên đề triển lãm. Đồng thời, sau mỗi cuộc triển lãm trực tuyến lẫn trực tiếp, Trung tâm đều lắng nghe, ghi nhận, tiếp thu những ý kiến góp ý từ người xem, để tổ chức những cuộc triển lãm sau hấp dẫn, đặc sắc hơn.

Khi cộng đồng cùng 'chia sẻ ký ức' - Ảnh 3.

Các diễn giả, từ trái sang: Phạm Định Phong, Đặng Thanh Tùng, Hoàng Việt Trung

Chia sẻ làm sao để công chúng đón nhận?

Vấn đề tiếp theo mà các diễn giả chú trọng tới là làm sao để việc chia sẻ tài liệu, tiếp cận gần hơn với đông đảo công chúng, nhất là thế hệ trẻ, qua đó giáo dục tình yêu di sản, lịch sử, tạo tiền đề cho việc giáo dục tình yêu quê hương, đất nước.

Từ kinh nghiệm của mình, ông Huy mong muốn Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và những đơn vị khác có thể chọn lọc, tập hợp lại từ vốn di sản tư liệu hiện cóthành những chuyên đề riêng biệt, tổ chức những sự kiện triển lãm gắn với những vấn đề mang hơi thở của đời sống đương thời. Bởi vì càng gắn bó với đời sống đương thời, chuyên đề càng thu hút sự quan tâm từ công chúng, dễ đạt hiệu quả giáo dục cao hơn.

Khi cộng đồng cùng 'chia sẻ ký ức' - Ảnh 4.

PGS-TS Nguyễn Văn Huy phát biểu tại tọa đàm

Có thể kể đến vấn đề hiện nay được nhiều người Hà Nội quan tâm là tại sao những con sông xưa kia vốn đầy ắp nước dần trở nên cạn kiệt, hoặc bị ô nhiễm nghiêm trọng, tại sao đường phố cứ sau những trận mưa lớn là lụt... Từ đây, cách thức quản lý đô thị, quản lý hệ thống sông ngòi trong quá khứ được người ta chú ý hơn bao giờ hết. Vậy tài liệu lưu trữ có thể cho ta cái nhìn như thế nào về những vấn đề sinh thái môi trường nóng bỏng này, cho ta biết người Pháp đã từng xây dựng và quản lý đô thị thế nào, hệ thống cống ở Hà Nội hoạt động ra sao…

Song song với đó, theo ông Huy, các chuyên đề trưng bày của trung tâm lưu trữ dù ít hay nhiều, cũng nên kết nối với các bảo tàng, đặc biệt với những nhân vật có liên quan đến chủ đề định giới thiệu. Có sự "gắn kết" này, chúng ta sẽ cùng chia sẻ và đón nhận sự chia sẻ tư liệu, ký ức từ các đơn vị đồng nghiệp, từ những người cùng hướng tới một đề tài, lý tưởng chung.

Cũng cần phải kể đến các cuộc hợp tác, trao đổi tư liệu giữa 2 đơn vị công lập và ngoài công lập. Điển hình như Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên thời gian qua đã tiếp nhận từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III những bản scan các văn bản, tài liệu liên quan sự nghiệp cố GS-TS Nguyễn Văn Huyên, như: Quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Quyết định tham dự Hội nghị Fontainebleau (1946)… Việc liên kết giữa các đơn vị với nhau trong trưng bày di sản là một tín hiệu đáng mừng, bởi qua đây, giá trị di sản càng được lan rộng tới nhiều người hơn.

Kết lại, PGS-TS Nguyễn Văn Huy nhận định, sức sống của mỗi cuộc triển lãm nằm ở chính những nhu cầu đôi khi rất giản dị, những mối quan tâm đôi khi rất đời thường của con người. Nếu người làm công tác lưu trữ nắm bắt được tâm lý này, chắc chắn các chuyên đề trưng bày sẽ được tổ chức thành công và việc lan tỏa giá trị di sản sẽ có ý nghĩa hơn gấp nhiều lần.

"Di sản ở xung quanh chúng ta. Đừng đi tìm đâu xa! Hãy bắt đầu nhận diện di sản từ những người bình thường nhất, gần gũi chúng ta nhất, chính họ là những người nắm giữ tư liệu, kinh nghiệm, ký ức ta cần. Hãy thuyết phục họ chia sẻ, kể chuyện về chính họ" - PGS-TS Nguyễn Văn Huy.

Nguyễn Phúc Nam Dương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm