Kế hoạch chi tiêu năm mới: Tiết kiệm 40% lương, không uống cafe, không xem phim rạp

03/02/2023 21:33 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Luôn có 1 kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm rõ ràng để chuẩn bị tài chính cho tương lai!

Mỗi người có 1 suy nghĩ riêng về tiền bạc, cũng như có cách của riêng mình để quản lý tài chính cá nhân. Nhiều người lựa chọn ưu tiên tiết kiệm là trên hết, những người khác thì chọn cách đem tiền đi đầu tư, khiến tiền không còn nhàn rỗi mà tự sinh sôi nảy nở. Dù bạn lựa chọn cách nào đi chăng nữa, thì đích đến tài chính cuối cùng, cũng đều là để bản thân có cuộc sống dư giả hơn về tiền bạc.

Tích lũy tiền từ những điều nhỏ nhặt, song hành tiết kiệm và đầu tư

Ngọc Nguyễn (24 tuổi, Nam Định), từng nhận mức lương 5 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn có thể tiết kiệm được 1,5 triệu sau khi trừ hết chi phí: "Ai cũng mong có 1 mức thu nhập cao để cuộc sống được thoải mái. Nhưng thời điểm chưa có kinh nghiệm, cũng chẳng có cơ hội việc làm nào tốt, mình đã phải chấp nhận mức lương 5 triệu, để có việc làm và được học hỏi. Mức sống hồi đó thấp, mà mình vẫn kiên trì với việc tiết kiệm từng đồng.

Qua 2 năm rèn dũa, mình được thăng chức về sở hữu mức lương cao hơn. Nhưng việc tiết kiệm thì vẫn vậy, ít nhất là khoản tiền 40% thu nhập. Mình luôn lo sợ bệnh tật, tai nạn hay thất nghiệp,... Những chuyện đến đột  ngột chẳng ai lường trước. Thế nên, mình chăm chỉ tích lũy hơn để nếu chẳng may xảy ra những chuyện đó, mình vẫn có tiền để lo. Mình quan niệm: Không phải cứ ăn ngon mặc đẹp mới là đáng sống. Mình không thường xuyên mua sắm, cũng hiếm khi ăn ngoài, không bao giờ cafe với bạn bè, hay thậm chí chưa từng đi xem phim rạp. Nói ra những điều này với những người bạn mới, lúc nào mọi người cũng ngạc nhiên, và thốt lên rằng: "Mày ở Hà Nội làm gì trong suốt những năm qua vậy. Chỉ đi học, đi làm rồi về nhà hay sao?". Nhưng mình có bao giờ thấy buồn đâu, và cũng chẳng bao giờ cần mua vui bằng những điều đó. 

Kế hoạch chi tiêu năm mới: Tiết kiệm 40% lương, không uống cafe, không xem phim rạp - Ảnh 1.

Chăm chỉ tiết kiệm để chẳng may xảy ra những rủi ro đột xuất, còn có khả năng lo liệu. (Ảnh minh họa Pinterest)

Mục tiêu xa hơn của mình, là để dành được số vốn nhỏ rồi về quê kinh doanh. Dự án đó được mình ấp ủ từ những ngày còn đi học. Việc tiết kiệm từ rất sớm, cũng là để trong tương lai gần, mình thực hiện được ước mơ."

Còn với Minh Chu (26 tuổi, nhân viên tài chính) rút ra suy nghĩ: "Người biết tiết kiệm là người biết tính toán và có kế hoạch cho tương lai. Còn người chọn cách đầu tư chính là đang làm giàu cho tương lai."

Theo đó, Minh Chu cho biết rằng, anh luôn song hành việc tiết kiệm và đầu tư, chứ không chọn nghiêng về 1 phía nào cả: "Đối với từng khoản tiền, sẽ có một mục đích riêng. Học quản lý tài chính cá nhân từ sớm, giúp mình nhận ra tầm quan trọng của việc tiết kiệm, và sự thần kỳ của đầu tư. Mẹ mình từng rơi vào hoàn cảnh nguy cấp, cần dùng số tiền lớn để chạy chữa bệnh. Thời điểm xảy ra chuyện, mình đã rút hết số tiền tiết kiệm trước đó để lo chữa bệnh, thuốc thang cả tháng trời. Lúc đó cũng phải chăm sóc mẹ, thời gian đi làm bữa được bữa không. Nhưng cũng may, mình luôn chuẩn bị 1 khoản tiền đầu tư, lúc cần cũng có thể rút ra 1 chút lợi nhuận để lo việc. Mình không phải trông ngóng từng đồng tiền lương, và cũng không rơi vào hoàn cảnh phải vay tiền ai. Nhờ sự chuẩn bị tài chính cho những trường hợp rủi ro, bản thân mình không còn quá áp lực nữa."

Nếu không thể gia tăng thu nhập trong thời gian ngắn, hãy nỗ lực tiết kiệm

Ngọc Nguyễn từng rơi vào tình trạng thu nhập thấp kéo dài. Nhưng cô cho biết: Dù ở hoàn cảnh nào, mình cũng có 1 kế hoạch chi tiêu cụ thể!

"Ai cũng muốn gia tăng thu nhập trong thời gian ngắn nhất, nhưng không phải ai cũng làm được điều đó. Nhưng quan trọng nhất, là ở hoàn cảnh nào cũng không ngừng nỗ lực và phấn đấu. Trong quá trình đó, mình chưa từng nghĩ rằng: Nếu thu nhập thấp quá thì không cần tiết kiệm nữa, cứ chi tiêu cho thoải mái rồi kiếm sau. Điều này hoàn toàn sai lầm, nó sẽ khiến bạn rơi vào thói quen không biết chi tiêu kiểm soát.

Hồi mới ra trường, mình sống tại Hà Nội, nhưng khi kể với mọi người nhận mức lương 5 triệu mà vẫn giữ tiết kiệm được 1,5 triệu/tháng - chẳng ai tin. Nhưng mình làm được. Mình đi thuê trọ, chọn căn vừa tiền và ở ghép cùng người khác, tiền phòng hàng tháng chỉ gần 1 triệu đồng. Việc ăn uống cũng tiết kiệm hơn, không chi tiêu lãng phí và thường xuyên ăn uống ở nhà, cũng chỉ tiêu tốn của mình chưa đến 2 triệu. Tính ra vẫn còn hơn 500k cho những việc vặt vãnh phát sinh. Mà khi đó, cũng chẳng thấy khổ gì, vẫn yêu đời và cống hiến hết mình vì công việc.

Sau đó, nhờ việc chăm chỉ và không ngừng cầu tiến, mình leo dần lên chức trưởng nhóm, rồi trưởng phòng, và bây giờ là quản lý riêng 1 đội ngũ. Mức thu nhập cao hơn, cuộc sống cũng tốt hơn, nhưng mình chưa từng có suy nghĩ phung phí tiền bạc, hay chi tiêu cho những thú vui chẳng đáng. 

Trong trường hợp mà việc tìm cách tăng thu nhập còn khó khăn, mình nghĩ tiết kiệm là cách tốt nhất, đối với những người đang có thu nhập thấp. Nhưng bên cạnh đó, phải có ước mơ và mục tiêu của riêng mình, để không ngừng phấn đấu."

Kế hoạch chi tiêu năm mới: Tiết kiệm 40% lương, không uống cafe, không xem phim rạp - Ảnh 2.

Tiết kiệm và đầu tư cực kỳ quan trọng trong tài chính cá nhân. (Ảnh minh họa Pinterest)

Với Minh Chu, anh cũng từng trải qua những ngày tháng chẳng sung sướng gì, để rồi nhận ra việc tiết kiệm và học đầu tư quan trọng thế nào trong tài chính cá nhân. Minh Chu cho biết: "Bạn bè mình rất nhiều người có cuộc sống tốt, họ đi SH, xài iphone, mình cũng chưa từng ganh tị. Nhưng có lần, mình cực kỳ muốn xem 1 bộ phim hay, nhưng chẳng đủ tiền để mua nổi vé để ra rạp xem. Mình tủi thân vô cùng. Đó cũng là động lực, giúp mình không ngừng nỗ lực để kiếm tiền cho đến hôm nay.

Sau này, qua những ngày tháng tự thân phấn đấu, mình đã có tiền để bao nguyên rạp chiếu phim, nhưng lại không còn hứng thú để xem nữa. Vì mình biết dành tiền cho những việc quan trọng hơn. Sếp cũ từng nói: Khi càng mở rộng tầm nhìn, em sẽ không còn thấy những thứ nhỏ nhặt có thể làm phiền đến việc em kiếm tiền và thăng tiến trong sự nghiệp. Mình thấy đúng, và đang nỗ lực tiết kiệm để đầu tư cho tương lai.

Mình mặc kệ những lời nói coi thường của người khác, khi thấy mình từ chối những bữa nhậu, bữa tiệc. Không quan tâm đến lời phán xét khi không mặc đồ hiệu dù thu nhập cao. Mình chỉ luôn suy nghĩ về từng đồng tiền mình tiêu, liệu nó có xứng đáng hay không. Nếu không biết chi tiêu, tiết kiệm đúng cách, bạn sẽ dễ dàng bỏ qua nhiều thời cơ đầu tư tốt. 

Không nên có suy nghĩ làm việc cực khổ, thì phải được hưởng thụ xứng đáng, tiêu tiền để cho sướng bản thân. Mà hãy luôn nghĩ về tương lai, về những rủi ro mình có thể gặp phải, để chừa tiền ra mà giải quyết. Hãy đặt 1 câu hỏi cho bản thân mình: Nếu gặp 1 cơn sóng nhỏ, như việc bố mẹ bị bệnh mà không có tiền chạy chữa, thì việc hôm nay tiêu tiền cho 1 chiếc iphone, ipad liệu có đáng nữa không?"

Nguyễn Quỳnh Trang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm