Hà Nam: Khai hội Tịch điền - Đọi Sơn

16/02/2013 11:52 GMT+7 | Văn hoá


Sáng 16/2 (tức mùng 7 tháng Giêng), tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam), UBND huyện Duy Tiên đã long trọng tổ chức Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn, một lễ hội truyền thống xuống đồng cày ruộng và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hà Nam, các tỉnh bạn cùng hàng nghìn người dân và du khách thập phương đã tham dự lễ hội.

Lễ hội Tịch điền là một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng, là di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. Ảnh TTXVN

Theo các tài liệu lịch sử và truyền miệng trong dân gian, mùa Xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (tức năm 987), vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, mở ra một trang sử mới cho nền nông nghiệp nước ta. Kể từ đó, Lễ hội Tịch điền trở thành một mỹ tục được các triều đại về sau thực hiện một cách thành kính, trang trọng.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, lễ hội Tịch điền đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng, là di sản văn hóa của dân tộc. Trong nhiều năm trở lại đây, tỉnh Hà Nam đã phục dựng thành công, tái hiện lại truyền thống "Dĩ nông vi bản" để khuyến khích nông nghiệp, tổ chức các nghi thức trang trọng của Lễ hội với quy mô lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.

Mặc dù sáng 16/2 chính thức khai hội nhưng không khí vui tươi của lễ hội truyền thống đã tràn ngập xã Đọi Sơn từ nhiều ngày qua. Từ ngày 14/2, các trò chơi dân gian truyền thống đã được tổ chức. Sân khấu chính được dựng ngay trên bờ ruộng theo kiểu đàn cầu an xưa với lá cờ phướn in các chữ "Thần nông" nổi bật chính giữa lễ đài.

Sau lễ rước linh vị của vua Lê Đại Hành từ chùa Đọi xuống khu hành lễ, lễ hội Tịch điền được cử hành trang trọng theo trình tự với các màn múa rồng, đọc văn trình, kính cáo tổ tiên xin phép tiến hành khai hội và lễ dâng hương thành kính. Tiếp đó, một cụ ông cao niên của xã Đọi Sơn khoác áo long bào, đeo mặt nạ, nhập linh khí quân vương khoan thai đi những đường cày đầu tiên trong tiếng hò reo cổ vũ của đông đảo du khách, tiếp đó là những đường cày thẳng tắp của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Nam và huyện Duy Tiên lật lên những lớp đất nâu sậm, tơi xốp.

Việc tổ chức Lễ hội Tịch điền chứa đựng nhiều phong tục đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam, khơi dậy và giáo dục truyền thống văn hóa của dân tộc cho các thế hệ con cháu, nhắc lại truyền thống tốt đẹp của cha ông, từ vị vua đến người nông dân đều yêu lao động, cần cù lao động trên mảnh đất thân yêu của mình.

Theo Đức Phương
TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm