Gốm Chăm truyền thống lên mạng

27/01/2023 11:00 GMT+7 | Văn hoá

Khoảng 5 năm nay, gốm Chăm truyến thống đã có những bước chuyển biến quan trọng, như cải tiến mẫu mã để hòa nhập thị trường và mở rộng kênh phân phối online. Việc UNESCO vinh danh Nghệ thuật làm gốm Chăm là Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vừa qua là động lực để gốm Chăm phổ cập hơn nữa đến công chúng.

Gốm Chăm hiện diện chủ yếu ở hai làng là Ligok (Trì Đức,  tỉnh Bình Thuận) và Hamu Crok (Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận). Nhưng thị trường hiện nay, người ta biết đến gốm Chăm chủ yếu là gốm Chăm Bàu Trúc. Tồn tại từ khoảng cuối thế kỷ 12 đến nay, Bàu Trúc được xem là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á còn giữ lại cách sản xuất thô sơ từ ngàn xưa.

Thay đổi mẫu mã và đa kênh phân phối

Những cột mốc thị trường đáng nhớ của gốm Chăm Bàu Trúc về thị trường có thể kể đến "cú hích" đầu tiên từ nhà thiết kế Sỹ Hoàng.

Từ một sinh viên mỹ thuật thực tập tại làng Bàu Trúc năm 1986, nhận thấy những giá trị nghệ thuật, văn hóa của sản phẩm – đến năm 1998, nhà thiết kế Sỹ Hoàng đã đưa gốm Chăm mỹ nghệ (chủ yếu là bình, chum mỹ thuật) vào một triển lãm áo dài của anh. Sau đó, năm 2001, một cuộc triển lãm gốm Chăm do anh Sỹ Hoàng tổ chức phối hợp với nghệ nhân Đàng Thị Vệ đã giúp cho công chúng biết đến nhiều hơn. Người đổ về đặt gốm nườm nượp. Giá trị hàng mỹ nghệ tại đây tăng lên. Nhiều nghệ nhân có thể sống tốt với nghề. Bàu Trúc trở thành một địa điểm du lịch thú vị không thể thiếu khi du khách khám phá nét đẹp Ninh Thuận cho đến nay.

Gốm Chăm truyền thống lên mạng - Ảnh 1.

Một hộ làm gốm làng Bàu Trúc nung lộ thiên ven đường

Nhưng do nhiều yếu tố, đặc biệt là thụ động thay đổi mẫu mã, và kém chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh, sau vài năm tình trạng kinh doanh và sản xuất của Bàu Trúc rơi vào thoái trào.

Khoảng năm 2006, tình trạng kinh doanh gốm Chăm rất đìu hiu, khi mẫu mã dậm chân tại chỗ, nguồn thu của làng vẫn chủ yếu kinh doanh tại chỗ (offline) thông qua các tour du lịch, hướng vào một vài cơ sở kinh doanh, nhà trưng bày. Thị trường đầu ra chậm, nhiều thợ gốm sản xuất bước 1 đã phải nghĩ đến những công việc dễ kiếm tiền tươi hơn như đi hái cà phê thời vụ, làm phu hồ,… Những chủ xưởng kinh doanh trước đó từng đóng hàng không ngớt, cũng phải lắc đầu ngao ngán.

Trong hoàn cảnh đó, xuất hiện nhiều người trẻ tuổi tại địa phương (con em của làng gốm) cũng như trong tỉnh Ninh Thuận mày mò đưa gốm Chăm Bàu Trúc lên các trang thương mại điện tử, các fanpage, hội nhóm sở thích về mỹ nghệ đất nung trên mạng xã hội. Từ đó, người mua khắp mọi miền có thể tiếp cận gốm Chăm sỉ và lẻ qua kênh bán online.

Gốm Chăm truyền thống lên mạng - Ảnh 2.

Tượng Phật là một dòng sản phẩm có thị trường tốt của gốm Chăm

Mẫu mã của gốm Chăm Bàu Trúc 5 năm gần đây cũng được cải tiến không ngừng. Hàng điêu khắc không chỉ có vài mẫu tượng văn hóa tâm linh truyền thống như vài năm trước đó như thần may mắn Ganesha, Vũ nữ Apsara hay thần Shiva,… mà các tượng có ý nghĩa khác như linh vật Gajasimha, nghi thần Kinnara, thần khỉ Hanuman, nữ thần Devi,… cũng được nghiên cứu, xuất hiện trên thị trường. Tượng Phật bằng chất liệu gốm Chăm và cách sản xuất nung rơm được xem là phù hợp với nhu cầu thị trường, vốn hiếm xuất hiện trước đó, nay được sản xuất liện tục, lan tỏa nhiều.

Khi đời sống phát triền, nhu cầu thưởng thức về các sản phẩm đất nung mộc mạc tăng mạnh. Khách hàng hiện đại có xu hướng quay lại các sản phẩm bếp truyền thống vốn là thế mạnh của gốm đất nung Chăm như niêu cơm, tộ kho, khuôn bánh căn,… để trải nghiệm. Trên mạng xã hội, gốm Chăm được xem là một dòng sản phẩm có tính mỹ thuật cũng như có hồn bậc nhất trong cộng đồng đất nung.

Nghịch lý thị trường…

Có một nghịch lý thị trường, những sản phẩm gốm Chăm 100% làm tay hiện nay như đồ bếp, bình chum,… lại đang bị "lép vế" về giá khá nhiều so với các sản phẩm điêu khắc in bằng khung bán thủ công. Bên cạnh đó, tâm lý khách hàng hiện nay đa phần vẫn đang không quá chú trọng đến yếu tố 100% làm tay hay làm bán thủ công. Do đó, việc bảo vệ cách làm thuần truyền thống sẽ gặp không ít thách thức.

Gốm Chăm truyền thống lên mạng - Ảnh 4.

Người làm hàng truyền thống 100% handmade đang cần được tiếp sức

Câu chuyện của làng gốm Chăm từ trước đến nay (dù kinh doanh online hay ofline) vẫn là hiện trạng người kinh doanh sản xuất vẫn manh mún, copy mẫu và phá giá lẫn nhau thay vì đi tìm những thế mạnh sản phẩm riêng.

Chất lượng nguồn đất nguyên liệu, giá cả nguyên vật liệu nung tăng kéo theo việc nung gốm trở nên ngắn hơn để tiết kiệm chi phí, dẫn đến chất lượng gốm có phần đi xuống, rủi ro nung cao hơn, khó lòng đáp ứng được các đơn đặt hàng số lượng lớn. Cùng với đó là việc lạm dụng các nguyên liệu tạo màu hay hợp chất tạo men bóng khiến gốm Chăm cũng mất đi phần nào vẻ đẹp mộc mạc vốn là thế mạnh của nó.

XUÂN HUY - Xuân Quý Mão 2023

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm