Góc nhìn 365: Phố mới của năm mới

03/01/2023 09:22 GMT+7 | Văn hoá

Chúng ta đã bước sang năm mới 2023, với cột mốc là kỳ nghỉ Tết Dương lịch vừa qua. Khá thú vị, đó cũng là thời điểm mà tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông được khai trương để đi vào hoạt động trong các ngày cuối tuần sắp tới.

Có nghĩa, theo một cách nào đó, tuyến phố đi bộ gắn với hồ Thiền Quang và công viên Thống Nhất cũng là món quà năm mới mà thành phố dành cho người dân và du khách, khi nhu cầu thư giãn giải trí của cộng đồng ngày càng phát triển mạnh ở những đô thị lớn.

 Vậy phố đi bộ Trần Nhân Tông có gì trong những ngày hoạt động đầu tiên?

Trung tâm của không gian đi bộ này là đoạn phố Trần Nhân Tông nằm liền kề hồ Thiền Quang, dài khoảng 350 mét. Nhưng nếu tính cả phần đường bao quanh hồ, trục chính của công viên Thống Nhất liền kề, tổng quãng đường dành cho đi bộ lên tới hơn 1.500 mét, tương đương với một vòng đi bộ tại Hồ Gươm.

Bên cạnh những tiện ích cơ bản như cây xanh, ghế nghỉ, đèn chiếu sáng, nhiều gian hàng hội chợ, trò chơi dân gian truyền thống hay diễn xướng múa lân cũng được bố trí để tăng thêm sức hấp dẫn của quần thể này trong dịp khai mạc. Để rồi, dù thời tiết cuối năm khá lạnh, lượng du khách dồn về đây trong những ngày qua vẫn khá đông và tạo nên sự sôi động vốn được trông đợi ở một không gian đi bộ điển hình.

Góc nhìn 365: Phố mới của năm mới - Ảnh 1.

Người dân đến tham quan, trải nghiệm không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Thế nhưng, sau sự háo hức trong dịp khai trương, liệu những du khách từng tới phố đi bộ Trần Nhân Tông có tiếp tục coi đây là một điểm đến vào cuối tuần?

Thẳng thắn, trong những ngày hoạt động đầu tiên, không gian này vẫn chưa thật sự cho thấy những dấu ấn đặc thù - khi đâu đó, người ta vẫn chỉ nhìn thấy một chút bóng dáng của phố đi bộ hồ Gươm, hay một góc của khu chợ đêm trong phố cổ.

Thậm chí, ở một chừng mực, những gian hàng bán đồ ăn, quà lưu niệm, quần áo… được bố trí tại vỉa hè cạnh hồ Thiền Quang lại khiến nhiều du khách khó chịu vì chắn hết tầm nhìn ra phía hồ, trong khi trục phố Trần Nhân Tông nằm giữa hồ và công viên Thống Nhất lại tỏ ra đơn điệu vì không hề có kiến trúc đặc trưng.

Để so sánh, khu phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã được khai trương 1 tuần trước đó vốn tận dụng được hệ thống quán ăn phong phú tại các hộ dân quanh hồ nên không phải dựng thêm quầy hàng để chắn tầm nhìn, đồng thời những góc phố nhỏ tại đây lại được trang trí hệ thống đèn lồng tạo màu sắc khá đặc biệt.

***

Tất nhiên, sẽ bất công, nếu đòi hỏi phố đi bộ Trần Nhân Tông phải hút khách như phố đi bộ Hồ Gươm nằm cách đó chỉ hơn 1 km. Thêm nữa, không gian này cũng cần có thời gian để hoàn thiện kết cấu và cách thức vận hành. Dù vậy, rõ ràng, không gian đi bộ này cần tính thêm về việc tạo dựng bản sắc đặc thù, thay vì chú trọng tới phần diện tích phục vụ kinh doanh.

Chắc chắn, bản sắc cần có ấy phải đến từ công viên Thống Nhất liền kề. Khi hàng rào đã được gỡ bỏ để biến phố đi bộ Trần Nhân Tông thành "mặt tiền" dẫn vào quần thể này, không gian của công viên đủ chứa được một lượng khách khổng lồ có nhu cầu thư giãn, dạo bộ giữa một hệ thống cây xanh mặt nước rộng hơn 50 hecta - điều mà không một khu vực nào ở trung tâm Hà Nội có được.

Thực chất, trước khi có phố đi bộ Trần Nhân Tông, công viên Thống Nhất trong hàng chục năm vẫn là nơi tập thể dụcnghỉ ngơi của cộng đồng xung quanh. Và như nhiều chuyên gia nhận định, gỡ bỏ hàng rào cũng chỉ là bước khởi đầu - trước khi bộ máy quản lý phố đi bộ Trần Nhân Tông tìm được mô hình hợp lý để giữ an ninh, vệ sinh hay thiết lập bãi gửi xe khi tiếp cận với công viên.

 Làm được điều này, chắc chắn lượng du khách tới đây sẽ còn tăng mạnh. Và, hãy cứ hy vọng cụm phố đi bộ mới này sẽ sớm hoàn thiện để tạo lập được sức hút riêng của mình, trong năm 2023 đang chờ trước mặt.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm