Góc nhìn 365: 'Để những suy nghĩ cất lên thành lời'

08/06/2023 08:38 GMT+7 | Văn hoá

"Em biết chăng có những lúc tâm tư cần được thể hiện, ước muốn cần được thổ lộ, tình cảm cần được bộc bạch? Nhiều khi suy nghĩ được cất lên thành lời sẽ mang đến sự chia sẻ, cảm thông; sẽ tạo thành mối dây liên kết giữa người với người; sẽ giúp lan truyền những điều tích cực, đẹp đẽ".

Đó là trích đoạn từ bức thư một cô giáo gửi học sinh, nhưng không phải những cô giáo hay học sinh cụ thể. Nó thuộc về câu hỏi số 1 trong đề thi Ngữ văn của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại TP.HCM, diễn ra 2 ngày trước. Và chủ đề chung của câu hỏi ấy: "Để những suy nghĩ cất lên thành lời".

Ở đó, cộng cùng những đoạn dẫn từ nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm về trách nhiệm của tuổi trẻ với đất nước, từ bài thơ Gửi mẹ của Lưu Quang Vũ về những lỗi lầm khi bé dại, từ suy nghĩ độc đáo "Tớ không trở thành ai khác/ Không ai khác có thể trở thành tớ" của cậu bé Nhật Bản Bao Nakashima, phần đề thi này đưa ra các câu hỏi để thí sinh trình bày khả năng cảm nhận, tư duy, phân tích… của mình.

Góc nhìn 365: 'Để những suy nghĩ cất lên thành lời' - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại TP HCM năm 2020. Ảnh: Tấn Thạnh/Báo Người Lao Động

Cách tiếp cận của đề thi lập tức nhận về sự chú ý của dư luận mấy ngày qua, với đánh giá khá tích cực. Ở đó, dù khá "mở" để dành chỗ cho sự sáng tạo trong cảm nhận của các thí sinh 15 tuổi, cũng không khó để các độc giả "người lớn" nhìn ra những thông điệp: Đề cao sự kết nối, chia sẻ giữa mỗi cá nhân; khuyến khích những tình cảm tốt đẹp về tình yêu thương hay ý thức trách nhiệm; tôn trọng bản sắc riêng của mình lẫn những người xung quanh…

Những thông điệp ấy không mới - khi đa phần chúng ta cũng tiếp xúc với những bài học tương tự trong giai đoạn ngồi trên ghế nhà trường. Điều đáng nói ở đây là cách nó được chia sẻ dưới hình thức một bức thư của cô giáo, mang đậm sự chân thành cũng như những khuyên nhủ nhẹ nhàng, thân thiết và giản dị. Để rồi cùng với các ví dụ cụ thể, thí sinh được gợi mở dẫn dắt đến với những giá trị cơ bản của cuộc sống - thậm chí cả những khái niệm lớn lao như lòng yêu nước hay trách nhiệm của thế hệ trẻ.

Cộng thêm cách trình bày khá sáng tạo như một bức thư thật sự - với việc đóng khung, ký tên và có các icon trái tim - có thể thấy rõ dụng ý từ phía ra đề nhằm: Giúp các em cảm thấy gần gũi, thân thiện và bớt chịu áp lực khi tiếp cận với đề bài.

***

Vài năm gần đây, các đề thi môn Văn của học sinh Trung học phổ thông và Trung học cơ sở thường xuyên được dư luận chú ý. Đó không chỉ là hệ quả từ "điểm nóng" giáo dục mà còn gắn với một thực tế: Trong nỗ lực thoát khỏi tư duy cứng nhắc, khuôn sáo từng phổ biến một thời, các đề thi này thường có những tìm tòi, đổi mới nhất định để hướng tới các vấn đề thiết thực, đang được xã hội quan tâm.

Lần này, với đề thi vào lớp 10 tại TP.HCM vừa qua, sự tán đồng của dư luận khiến chúng ta hiểu thêm: Tưởng xưa cũ, nhưng những giá trị cơ bản về tình cảm tự nhiên của mỗi con người vẫn có chỗ đứng trong cuộc sống hiện tại. Chúng vẫn hiển hiện trong cuộc sống hàng ngày, vẫn được cộng đồng đón nhận bởi sự cần thiết cho mỗi con người - miễn là được thể hiện một cách trung thực và tự nhiên, thay cho những áp đặt giáo điều, xưa cũ.

Như thế, dù với những thí sinh 15 tuổi hay phụ huynh của các em, "để những suy nghĩ cất lên thành lời" cũng có nghĩa là để chúng ta có sự tin cậy và trung thực với nhau, khi chia sẻ những cảm xúc tự đáy lòng.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm