Góc nhìn 365: 15 năm cho một tình yêu

06/10/2022 07:12 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái

Chúng ta có ngạc nhiên, nếu nói rằng có những tình yêu kéo dài tới 15 năm - mà tại đó, người trong cuộc đều đặn mỗi năm chỉ gặp nhau có một ngày?

Hướng tới Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 15 - 2022: Cuộc hồi sinh của dòng 'tranh đỏ'

Hướng tới Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 15 - 2022: Cuộc hồi sinh của dòng 'tranh đỏ'

Những gì gắn với cuốn sách "Tranh dân gian Kim Hoàng" (NXB Thế giới - Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, 2022) của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa là thành quả của một dự án đặc biệt: Khôi phục và tôn vinh dòng tranh cổ Hà Nội, từng thất truyền sau gần 70 năm.

Có thể, câu chuyện ấy khó gặp ngoài đời thật. Nhưng với giải thưởng mang tên danh họa Bùi Xuân Phái, mọi thứ lại rất đơn giản và dễ hiểu: Phía sau lễ trao giải được tổ chức thường niên vào dịp 10/10 hàng năm luôn là hàng trăm, hàng ngàn ngày bình thường của những cá nhân đã dành tình cảm, suy nghĩ và tâm lực cho Hà Nội. Và, việc được đề cử - hoặc vinh danh - trong lễ trao giải, chính là cột mốc cho dòng chảy đặc biệt ấy.

Bởi thế, Lễ trao Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) luôn được những người yêu Hà Nội trông đợi như một ngày đặc biệt trong năm. Tại đó, họ có thể trao đổi với những người bạn cũ vốn có cùng tâm nguyện, có thể gặp gỡ những người bạn mới - để rồi trở thành bằng hữu hoặc đối tác trong những dự định sắp tới về Hà Nội. Và cũng rất có thể, mọi thứ chỉ đơn giản là chung vui và chia sẻ với những người sự đồng điệu, ở một khoảnh khắc trong cuộc đời mình.

Chú thích ảnh
Bức ảnh Trần Chính Nghĩa chụp họa sĩ Bùi Xuân Phái trước bức tranh “Phố”, được đặt tên là “Thiên vấn” (Hỏi trời) thuộc số những hình ảnh đẹp nhất về danh họa

Ra đời vào năm 2008, Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội đã có một hành trình đặc biệt, khi đồng hành với Thủ đô trên mọi lĩnh vực đời sống - văn hóa - xã hội. Ở đó, chúng ta nhìn thấy những “cây đại thụ” đã trở thành tương đài trong văn hóa Hà Nội như nhà văn Tô Hoài, nghệ sĩ guitar Văn Vượng, nhạc sĩ Phú Quang… và cả những gương mặt còn rất trẻ nhưng đã say mê, mày mò tìm hướng tôn vinh Hà Nội bằng những sáng tạo của mình.

Chúng ta xúc động bắt gặp những người con xa xứ nhưng vẫn nặng lòng hướng về Hà Nội trên trang viết như Lê Minh Hà, Mai Lâm - và cả những người nước ngoài theo thời gian đã hồn nhiên yêu, hồn nhiên đóng góp cho mảnh đất này bằng sự nhiệt tâm, trong sáng.

Chúng ta hồ hởi trước những những hành động mang tính thời sự cấp bách để “giải cứu” một không gian xưa cũ, một di chỉ khảo cổ, một đại dịch đe dọa cộng đồng Hà Nội - và cả những ý tưởng vô cùng lãng mạn, bay bổng cho tương lai của thành phố này.

Và cũng không thể bỏ qua một cột mốc thú vị: Giải thưởng mang tên Bùi Xuân Phái ra đời vào năm 2008 - thời điểm Hà Nội chính thức mở rộng và sáp nhập với tỉnh Hà Tây. Để rồi, trong dòng chảy đó, đều đặn, những tác phẩm, hành động, ý tưởng… gắn với văn hóa của vùng đất này cũng dần xuất hiện trong những hạng mục của giải thưởng Bùi Xuân Phái những năm gần đây, như một điều tất yếu.

Hóa ra, mấy chữ “tình yêu Hà Nội” tưởng đơn giản lại luôn phong phú và nhiều sắc màu hơn so với những gì mỗi người có thể tưởng tượng. Và, khi một tình yêu luôn khiến chúng ta cảm thấy hấp dẫn, mới lạ, cuốn hút bởi cảm xúc nhận về, chẳng có gì lạ khi nó ngày càng thêm bền chặt theo thời gian để bước sang tuổi thứ 15.

Hãy cùng chờ những nét mới của giải thưởng này ở lần thứ 15, và rồi ở các cột mốc 20 năm, 25 năm và hơn thế nữa, với sự trân trọng và tự hào về những người đã yêu Hà Nội bằng những tác phẩm, ý tưởng, việc làm và cả cuộc đời mình. Bởi giải thưởng mang tên danh họa Bùi Xuân Phái không phải là một cuộc thi đặt nặng sự so sánh, mà là một cuộc bình chọn hết sức vô tư, trong sáng, đề cao những tấm lòng, những tình yêu đúng nghĩa dành cho Hà Nội.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm