"Gỡ lỗi" cha mẹ trong giao tiếp với con - Cuốn sách khiến nhiều phụ huynh giật mình: Không thể tin đã nói với con như vậy

21/03/2023 20:40 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Có bao giờ, trong hành trình làm cha mẹ bạn tự hỏi: Tại sao bạn càng nói, con càng không muốn lắng nghe? Càng muốn sẻ chia con càng thêm tỏ ra xa cách? Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh thường mắc sai lầm trong cách nói chuyện, dạy dỗ khiến trẻ luôn cảm thấy sợ hãi, thậm chí là trốn tránh. 

Chúng ta không bao giờ quên nỗi ấm ức hay tức giận của mình đối với cha mẹ trong suốt quãng đời còn lại. Bạn rất yêu bố mẹ, nhưng chẳng phải đến năm 30 tuổi bạn vẫn thỉnh thoảng nhớ lại những lời chì chiết mà họ đã nói với bạn lúc nhỏ? Có những câu nói ám ảnh bạn hoặc làm chuyển hướng cuộc đời bạn mãi mãi, và có lúc bạn ước gì mình chưa từng phải nghe chúng? Vậy thì bạn đừng làm thế với con mình.

"Gỡ lỗi" cha mẹ trong giao tiếp với con - Cuốn sách khiến nhiều phụ huynh giật mình: Không thể tin tôi đã nói với con như vậy - Ảnh 1.

"Gỡ Lỗi" Cha Mẹ Trong Giao Tiếp Với Con" chia sẻ những kiến thức và hướng dẫn phương pháp thực hành dành cho phụ huynh liên quan tới việc giao tiếp, trò chuyện, ứng xử với con.

Giao tiếp tích cực, cởi mở và hiệu quả rất quan trọng về mặt tâm lý đối với con trẻ. Nó là chìa khóa để con bước vào cuộc sống và hình thành các mối quan hệ xã hội. Hầu hết những người hạnh phúc cũng thường là những người tự tin, tự trọng và biết tôn trọng, có đủ bản lĩnh để đương đầu với muôn vàn khó khăn trong cuộc sống. Và, chính lời nói của cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ hình thành những phẩm chất tốt đẹp đó.

Nếu bạn đang hoang mang liệu mình có mắc lỗi trong quá trình giao tiếp với con; Mình cần làm những gì để giữa cha mẹ với con cái có mối quan hệ lành mạnh, tích cực thì "Gỡ Lỗi" Cha Mẹ Trong Giao Tiếp Với Con" chính là cuốn sách cần thiết cho bạn lúc này.

Được chắp bút bởi Linh Phan - một nhà tư vấn phụ huynh có chứng chỉ Parent Coach chuyên nghiệp, tác giả sách, "Gỡ Lỗi" Cha Mẹ Trong Giao Tiếp Với Con" chia sẻ những kiến thức và hướng dẫn phương pháp thực hành dành cho phụ huynh liên quan tới việc giao tiếp, trò chuyện, ứng xử với con thông qua lời nói trong đời sống hằng ngày và các tình huống cụ thể.

Bạn sẽ biết được những thông tin đơn giản mà cần thiết về các giai đoạn phát triển của trẻ, để từ đó hiểu được cách tác động và giao tiếp với con sao cho hiệu quả nhất. 

4 chương, 18 nguyên tắc trò chuyện với trẻ trước tuổi dậy thì

Cuốn sách được viết với bốn chương, mỗi chương, tác giả sẽ cho người đọc những kiến thức vô cùng cần thiết để nắm bắt, tích lũy trong hành trình làm cha làm mẹ. 

Chương một, Hiểu Con Sao Cho Đúng, bạn sẽ thấy rằng: Ở từng độ tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ, nếu trẻ trải nghiệm cuộc sống càng nhiều thì các khía cạnh thể chất, nhận thức, cảm xúc và xã hội của chúng ngày càng phát triển. Trong chương này, tác giả tập trung tóm tắt các đặc điểm, nhu cầu giao tiếp và cách tác động đối với 3 nhóm trẻ khác nhau: từ 0-6 tuổi, từ 7-11 tuổi và 12 tuổi trở lên. Từng giai đoạn, tác giả sẽ dẫn dắt cha mẹ đến với những đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, từ đó có cách trò chuyện và ứng xử phù hợp.

Chương hai, Nói Sao Cho Con Nghe, đề cập đến 18 nguyên tắc giao tiếp với trẻ để nuôi dưỡng, truyền cảm hứng, giáo dục trẻ.  Đây có thể coi là phần trọng tâm của cuốn sách khi đưa ra những nguyên tắc mang tính chuẩn mực trong giao tiếp với trẻ trước tuổi dậy thì.

18 nguyên tắc, 18 cách ứng xử, cách giao tiếp xoay quanh cuộc sống, suy nghĩ của con, lấy con làm trọng tâm của vấn đề để từ đó, đưa ra những cách ứng xử sao cho phù hợp nhất cho trẻ, để con cảm thấy an toàn, con cảm thấy đang được cha mẹ thấu hiểu, và được cha mẹ tôn trọng, lắng nghe...

18 nguyên tắc, 18 cách ứng xử, cách giao tiếp xoay quanh cuộc sống, suy nghĩ của con, lấy con làm trọng tâm của vấn đề

Chương ba, Không Thể Tin Tôi Đã Nói Với Con Như Vậy, đây chắc sẽ là biểu cảm mà bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng sẽ phải thốt lên khi đọc chương này. Tác giả sẽ cho ta thấy những điều mà cha mẹ nên làm và nên tránh khi nói chuyện với con; la mắng là cách cha mẹ hay sử dụng khi dạy con, vậy khi không có tác dụng giáo dục trẻ, cha mẹ nên làm gì? Thay đổi cách nói mới cho những câu nói cũ cùng sẽ được tác giả đưa ra trong chương này. 

Chương 4: Những đứa trẻ cần được quan tâm đặc biệt sẽ cung cấp cho phụ huynh những thông tin cần thiết về rối loạn giao tiếp, phân loại và triệu chứng. Cha mẹ có thể dựa vào những thông tin này để quan sát biểu hiện của con mình và có hướng xử lý đúng đắn hơn thay vì cứ dán nhãn "khó ưa, khó bảo" cho trẻ.

Học được cách nói mới cho những câu nói cũ

Trải dài qua 4 chương với nhiều nội dung về tâm lý nhưng "Gỡ Lỗi" Cha Mẹ Trong Giao Tiếp Với Con" không bị khô khan, cứng nhắc. Bởi lồng ghép trong cuốn sách là nhiều ví dụ cụ thể từ chính hành trình làm cha mẹ của tác giả Linh Phan, hay những tình huống thực tế mà chị quan sát được từ nhà trẻ, từ cháu gái của mình giúp người đọc dễ hình dung và có sự đồng cảm. 

Chẳng hạn, bạn sẽ làm gì nếu con không thích việt quất nhưng lại phát hiện có việt quất trong chiếc bánh của mình và la hét ầm ĩ? Nếu bạn cũng hét lên thì trong nỗ lực kiểm soát cơn giận, bạn cũng vô tình mâu thuẫn với chính lời nói của mình. Lúc này, bạn có thể áp dụng cách kỷ luật nhẹ nhàng mà hiệu quả được tác giả gợi ý. Bạn sẽ nhận ra, trẻ em thấy xúc động là hoàn toàn bình thường, cha mẹ không cần nói nhiều, chỉ cần nói đúng thời điểm. 

Hoặc, bạn nói "Đến giờ đi ngủ rồi"; "Đến giờ làm bài tập rồi"... nhưng con trả lời "Cho con năm phút nữa". Bạn mệt mỏi vì nói không và không muốn tranh cãi. Nhượng bộ? Nổi cáu? Hay thương lượng? Tác giả sẽ gợi ý cha mẹ nên thay "Không", "Đừng" hoặc câu ra lệnh bằng cách nói khác. Thương lượng cũng cần chọn thời điểm thích hợp hay gợi ý những quy tắc nói Không với trẻ dưới 5 tuổi, 5-10 tuổi... hay những quy tắc ứng xử tương tự theo độ tuổi khác.

"Gỡ lỗi" cha mẹ trong giao tiếp với con - Cuốn sách khiến nhiều phụ huynh giật mình: Không thể tin tôi đã nói với con như vậy - Ảnh 3.

Lồng ghép trong cuốn sách là nhiều ví dụ cụ thể từ chính hành trình làm cha mẹ của tác giả Linh Phan.

Với những kiến thức và hướng dẫn phương pháp thực hành trong cuốn sách, bạn sẽ hiểu hơn về tâm sinh lý của con mình, về những điều mình làm chưa đúng. Bạn có thể đoán tình hình thông qua đôi mắt con; nhận thức được cảm xúc của con và điều quan trọng là biết cách lắng nghe yêu cầu của con mà không phán xét hay sửa chữa nó ngay lập tức. Điều này sẽ tạo cho trẻ có cơ hội để tự biện hộ, tự đánh giá về hành động của mình.

Đặc biệt, bạn có thể học được cách nói mới cho những câu nói cũ. Thay vì nói "Đừng hét nữa" hay "im lặng đi", tác giả khuyên cha mẹ nên thay bằng "Con yêu, con có thể nói nhẹ nhàng hoặc ra đây nói thầm với cha mẹ được không?"... Thay vì nói "Mẹ nói với con lần này là lần thứ mấy rồi, làm ngay đi", bạn có thể thay bằng "Đã đến lúc mình phải đi rồi. Con muốn tự đi giày hay để mẹ giúp nào"... cùng những lý giải cụ thể.

"Gỡ lỗi" cha mẹ trong giao tiếp với con - Cuốn sách khiến nhiều phụ huynh giật mình: Không thể tin tôi đã nói với con như vậy - Ảnh 4.

Bạn có thể học được cách nói mới cho những câu nói cũ.

Giao tiếp với con là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của việc làm cha mẹ. Những gì ta nói hôm nay, để sau này con nhớ tới, nên là lời yêu thương, an ủi, động viên; là thái độ rộng mở, bao dung; là đồng cảm, hiểu biết và tôn trọng. Đó chính là hành trang để con lớn lên với sự tự tin, độc lập và hạnh phúc. 

Tên sách: "Gỡ Lỗi" Cha Mẹ Trong Giao Tiếp Với Con

Tác giả: Linh Phan

Nhà phát hành: SaigonBooks

Hình thức: Bìa mềm, nội dung sách in màu bắt mắt

Đối tượng đọc: Các bậc phụ huynh

Hiểu Đan

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm