Vụ tác quyền đêm diễn Khánh Ly: Đôi bên cùng kêu cứu!

20/08/2014 16:12 GMT+7 | Âm nhạc

Cho đến chiều 19/8, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) và Công ty TNHH Giải trí Đồng Dao - hai đơn vị đang có tranh cãi quyết liệt xung quanh việc thanh toán tác quyền ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho các đêm diễn của ca sĩ Khánh Ly đã đồng loạt có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng để “kêu cứu”.

VCPMC: “Chúng tôi phải ngăn chặn một hành vi xâm phạm luật pháp”

Đó là cách VCPMC lí giải về việc nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm cùng các cộng sự của mình liên tục xuất hiện tại các địa điểm tổ chức biểu diễn của liveshow Khánh Ly tại Hà Nội (2/8) và tại Đà Nẵng (8/8) ngay trước giờ khai cuộc để gây sức ép, buộc BTC chương trình phải thanh toán tác quyền ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Văn bản của VCPMC cho hay, sau một số lần liên hệ và đàm phán không thành với Công ty Đồng Dao, VCPMC đã “nhận thấy những dấu hiệu của việc cố ý trốn tránh nghĩa vụ luật pháp về quyền tác giả và để ngăn chặn một hành vi bất tuân thủ những quy định của luật pháp, nhạc sĩ Phó Đức Phương cùng các cán bộ của VCPMC, với trách nhiệm được ủy thác của các chủ sở hữu quyền, quyết định trước giờ diễn sẽ đến tận địa điểm biểu diễn để yêu cầu các nhà tổ chức nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ luật pháp”.

Theo VCPMC, tối 2/8 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, đại diện Đồng Dao và VCPMC đã đạt được sự thống nhất về mức tác quyền và cùng kí vào một biên bản, theo đó, Đồng Dao sẽ đến trụ sở của VCPMC để làm thủ tục thực thi nghĩa vụ quyền tác giả. Cam kết này đã không được Đồng Dao thực hiện nên ngày 8/8, nhạc sĩ Phó Đức Phương tiếp tục có mặt tại cung Tiên Sơn, Đà Nẵng để “ngăn chặn hành vi trốn tránh nghĩa vụ luật pháp” của Đồng Dao. Tuy nhiên, Đồng Dao tiếp tục từ chối thanh toán tác quyền ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với lí do “hợp đồng ủy thác quyền của Trịnh Vĩnh Trinh (em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn –P.V) với VCPMC chưa có công chứng, chưa hợp pháp”.

Cũng trong văn bản của mình VCPMC cho rằng: “Dù đã được cấp giấy phép biểu diễn nhưng những nhà tổ chức hoạt động này vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ luật pháp về quyền tác giả (mặc dù có cam kết bằng văn bản việc thực hiện nghĩa vụ này - P.V)… VCPMC không thể không làm tròn nhiệm vụ của mình.

Cực chẳng đã phải ra tận thực địa để đấu tranh, yêu cầu thực thi luật pháp, ngăn chặn một hành vi xâm phạm luật pháp và xâm phạm tài sản của chính mình. Đây thực sự là một hành động quyết liệt, đúng đắn và đầy trách nhiệm. Nếu không vì ý thức trách nhiệm trước sự nghiêm minh của pháp luật, VCPMC đâu có phải nhọc nhằn như vậy?” là câu hỏi được VCPMC đặt ra để kết thúc bản báo cáo của mình.

Cty Đồng Dao: “Tại sao không xử lý vi phạm của chúng tôi tại tòa án?”

Câu hỏi đã từng được Công ty TNHH Giải trí Đồng Dao đặt ra cho VCPMC khi tranh cãi về tác quyền xảy ra giữa hai bên mà chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng tiếp tục được ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty Đồng Dao đặt ra một lần nữa trong đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương và ông Ngọc Sơn trong buổi làm việc tối 8/8 tại Đà Nẵng. Ảnh: Vnexpress

Ông Sơn cho biết: “Chúng tôi đã liên hệ với VCPMC để đàm phán về phí tác quyền. Vào ngày 1/8, nhân viên của chúng tôi đã đến trụ sở VCPMC để đóng phí tác quyền, tuy nhiên, Trung tâm đã phản hồi và đưa ra mức phí quá cao so với thực tế.

Trong những ngày cuối cùng của giai đoạn chuẩn bị cho đêm diễn của Khánh Ly tại HN, VCPMC đã đưa thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng với những cách thức giải quyết rất khắc nghiệt và không theo bất kỳ thủ tục pháp lý nào.

Đặc biệt, ngay tại buổi tối ngày 2/8/2014, Giám đốc VCPMC đã đe dọa đổ máu ngay tại đêm diễn để yêu cầu chúng tôi thanh toán phí tác quyền”. Trước đó, trong bài trả lời phỏng vấn Báo Văn Hóa số ra ngày 16/8, luật sư đại diện của Công ty Đồng Dao cũng khẳng định: “Trong tình thế không thể thay đổi được, để bảo vệ đêm diễn và những khán giả đã bỏ tiền mua vé, chúng tôi chấp nhận các hình thức xử phạt tại tòa án vì những sai phạm của mình”. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao nhạc sĩ Phó Đức Phương luôn từ chối phương án khởi kiện tại tòa án mà lại chọn cách đe dọa “đổ máu” để bảo vệ luật pháp về quyền tác giả?

Lý giải về việc chưa thanh toán tác quyền ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Công ty Đồng Dao khẳng định: “Chúng tôi không từ chối việc thanh toán tác quyền cho các tác giả. Cụ thể, Đồng Dao đã liên hệ trực tiếp và thực hiện nghĩa vụ tác quyền với 6 tác giả có ca khúc được sử dụng trong chương trình, trong đó có 2 nhạc sĩ đang định cư ở Canada và Mỹ. Riêng với nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, VCPMC yêu cầu chúng tôi thanh toán tác quyền khi họ chưa có đủ các văn bản chứng minh tư cách đại diện hợp pháp”.

Theo Đồng Dao, cung cấp các giấy ủy quyền hợp lệ của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm có trong chương trình là việc tối thiểu mà VCPMC phải làm trước khi yêu cầu đơn vị sử dụng tác phẩm đàm phán và ký kết các hợp đồng sử dụng tác quyền hợp pháp. Tuy nhiên, cho đến ngày 4/8, VCPMC chỉ cung cấp được Hợp đồng ủy quyền và thư xác nhận của bà Trịnh Vĩnh Trinh khẳng định mình là đại diện cho cả gia đình mà không có văn bản hợp pháp nào chứng tỏ rằng bà Trịnh Vĩnh Trinh được những người đồng thừa kế gia sản của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khác ủy quyền cho bà làm đại diện.

Cho đến 20h ngày 8/8, khi có mặt tại cung Tiên Sơn để gây sức ép yêu cầu BTC thanh toán tác quyền, VCPMC cũng chỉ đưa ra được bản copy văn bản có chữ ký của 3 trong số 7 người thừa kế của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. “Về mặt pháp lý, văn bản này không hợp pháp vì chỉ là bản sao mà không có bản chính đối chiếu; bản sao này có một dấu hiệu kỳ lạ là có dấu công chứng giáp lai mà không có dấu chính thức, không có chữ ký của công chứng viên, không đọc được tên phòng công chứng”.

Đồng Dao cũng cho rằng công thức tính tác quyền theo trung bình giá vé và quy mô chương trình mà VCPMC đang áp dụng là không chuẩn xác với Nghị định 61 và cũng không phù hợp với tình hình thực tế, đã tạo nên gánh nặng rất lớn cho các đơn vị tổ chức biểu diễn. “Chúng tôi cam kết sẽ thực hiện việc thanh toán tác quyền theo đúng tinh thần mà pháp luật đã quy định tại Nghị định 61: “Việc trả nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất phải đảm bảo lợi ích của người sáng tạo, nhà sử dụng và công chúng hưởng thụ, phù hợp với thực tiễn của đất nước”, ông Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định.

Cuối cùng, Đồng Dao gửi lời xin lỗi chân thành các nhạc sĩ, cơ quan quản lí và công chúng vì đã để xảy ra những sự việc đáng tiếc và đưa ra mong muốn: “Nếu các đơn vị tổ chức biểu diễn vi phạm về tác quyền thì VCPMC nên xử lý sự việc theo đúng pháp luật là khiếu nại về hành vi vi phạm trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại tòa án”.

Công ty này cũng kiến nghị các cơ quan chức năng có chỉ đạo kịp thời để VCPMC xem xét áp dụng mức phí tác quyền âm nhạc phù hợp với thực tế, để các đơn vị tổ chức biểu diễn có thêm động lực thực hiện các chương trình ca nhạc có chất lượng nghệ thuật phục vụ nhân dân”.

Theo Nguyễn Đỗ
Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm