Tùng Dương khôn khéo trong cuộc 'phân thân' hoá giải 'Bộ tứ sông Hồng'

06/06/2018 13:00 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Níu chân khán giả đến tận thời khắc nửa đêm, nhất lại vào một tối ngày thường, âm nhạc đương đại Việt Nam mấy ai làm được như Tùng Dương với “Bộ tứ sông Hồng”?

Liveshow hát "bộ tứ sông Hồng", một “giấc mơ” không chỉ Tùng Dương hay bao giọng ca khác, mà cả bốn vị “lão làng” của  nền âm nhạc Việt Nam từng ấp ủ. Nhạc sĩ Phó Đức Phương từng mạnh miệng khẳng định: “Chỉ trừ khi… mất điện toàn thành phố, còn không thì đêm nhạc này sẽ thành công”.

Lẽ dĩ nhiên, không khó để dự đoán trước được sức hút của Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng. Bản thân bốn cái tên: Trần Tiến, Dương Thụ, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường đứng cạnh nhau đã đủ tạo nên một thứ “chất kích thích” khó cưỡng. Cái người ta chờ đợi chỉ là xem Tùng Dương sẽ “pha chế” ra sao, liệu đó sẽ là một “cơn say” dễ chịu hay phản tác dụng để rồi gây…“sốc” hoặc “trơ”.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Trần Tiến trong đêm nhạc "Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng"

Hà Nội đêm qua đã không mất điện. Và Tùng Dương, thật đáng ca ngợi khi năng lượng sáng tạo và nhạc cảm tinh tế trong anh vẫn chạy trơn tru ở một đêm mà mọi nhạc mục cũng như ý tưởng đều được đặt để vừa đủ đúng chỗ.

Tùng Dương mào đầu liveshow bằng lời khẳng định khéo léo: “Đêm nhạc này không phải của Dương mà là của 4 vị nhạc sĩ đang ngồi dưới đây”. "Chàng quái" cũng nhiều lần tự nhận mình chỉ là "thằng oắt con" trước "các bố, các chú" ngồi dưới. 

Có lẽ vì lòng ngưỡng vọng ấy mà đêm qua nam ca sĩ đã có phần “tiết chế” cái tôi của mình xuống. Thay vì một sân khấu nặng về tạo hình cho Tùng Dương thoải mái “lên đồng” như ở Trời và Đất hồi cuối năm ngoái, thông điệp “Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng” được chuyên chở theo kênh nhìn với một thiết kế tinh gọn, tiết chế nhưng vẫn đủ lớp lang và điểm nhấn rất “đắt”.

Để rồi tất cả cảm xúc, tất cả những vùng vẫy thể nghiệm của Tùng Dương đọng lại trong chính âm nhạc. Đề bài về “bộ tứ sông Hồng” cũng cung cấp cho nam ca sĩ đủ chất liệu để như anh từng chia sẻ, “phân thân”. Một sự phân thân có ý đồ rõ ràng trên nền tảng thông điệp nhân văn.

Chú thích ảnh
Với chất liệu nhạc của Bộ tứ sông Hồng, Tùng Dương thoải mái "phân thân"

Bốn nhạc sĩ, mỗi người một phong cách, một cá tính. Thêm cá tính của Tùng Dương nữa là 5. Tất cả được nam ca sĩ xâu chuỗi theo một cốt truyện xuyên suốt hài hoà về bước đi của một chàng “tráng sĩ sông Hồng”, từ những ngày thơ ấu vụng dại đến khi trưởng thành là một người con đất Việt.

Tuổi thơ có lời ru tha thiết với Thênh Thênh Ook ơi (Nguyễn Cường), có cả khoảng trời bình yên với Quê nhà, Sắc màu (Trần Tiến). Chàng “tráng sĩ” lớn dần với những hỉ nộ ái ố cuộc đời (Chị tôi, Sao em nỡ vội lấy chồng (Trần Tiến), Vẫn hát lời tình yêu (Dương Thụ)…), với sự thổn thức với quê hương (Một thoáng Tây Hồ, Chảy đi sông ơi (Phó Đức Phương), Hà Nội tôi (Nguyễn Cường)…).

Tùng Dương song ca với Bằng Kiều ca khúc "Chảy đi sông ơi" của nhạc sĩ Phó Đức Phương

Và đặc biệt, như nhạc sĩ Trần Tiến từng viết trong ca khúc Một mình: “Con người chỉ lớn lên với nỗi cô đơn”, chùm tác phẩm khắc hoạ nỗi buồn cô độc nhưng không tuyệt vọng được Tùng Dương đưa vào như một phần trong mạch phát triển của chương trình. Với chủ đề này không ai phù hợp hơn nhạc sĩ Dương Thụ, người nhạc sĩ luôn trầm mình trong nỗi lạc lõng với giấc mơ được yêu thương với Bài hát ru mùa đông, Bóng tối ly cafe hay Im lặng.

Đồng hành với Tùng Dương và Bộ tứ sông Hồng đêm qua là hai ca sĩ khách mời Bằng Kiều và Hà Trần. Nếu như ở sân khấu như thế này, Hà Trần là "người quen" và hơn hết còn là cháu gái nhạc sĩ Trần Tiến, thì với Bằng Kiều, dù không phải nam ca sĩ chưa từng hát nhạc "bộ tứ sông Hồng" nhưng sự xuất hiện của giọng ca trữ tình trong liveshow của một "divo" vẫn gây không ít tò mò. 

Bằng Kiều không giấu diếm cảm giác "run từ cánh gà run ra" và có thể thấy giọng ca "Trái tim bên lề" đã có phần tiết chế khi đứng cạnh Tùng Dương, đứng trước "bộ tứ sông Hồng". Đây là lần đầu tiên Bằng Kiều và Tùng Dương song ca, và có lẽ sẽ cần thêm thời gian (nếu giả dụ hai ca sĩ có tiếp tục muốn) để sự kết hợp này được khán giả đón nhận một cách hoàn hảo nhất.

Chú thích ảnh
Bằng Kiều chia sẻ cảm giác hồi hộp khi hát với Tùng Dương

Sau tất cả, chàng “tráng sĩ” đã trưởng thành cũng tương ứng với phần kết chương trình. Và nếu như ở các phần trước, Tùng Dương đã mặc vest hát tình ca thì đến đây, anh mới trở lại là một Tùng Dương “điên” và “quái”. Và cũng không ai phù hợp hơn nhạc sĩ Nguyễn Cường để “lên đồng” cùng anh.

Đêm nhạc níu chân khán giả đến tận phút cuối cùng chính bởi sự bất ngờ như vậy. Một sự khôn ngoan của Tùng Dương khi càng gần đến cuối, anh lại càng “bung” ra những “chiêu trò” khó lường với sự bùng nổ của dàn nhạc kết hợp với nghệ thuật múa đương đại. Vài khán giả “nhấp nhổm”, đứng lên rồi lại ngồi xuống, ngần ngại giờ khuya xong cũng cố nán lại để xem “chàng quái” sẽ làm gì tiếp.

"Mái đình làng biển" qua giọng ca Tùng Dương

Nhưng cũng thật đáng tiếc khi phải đến tận phút cuối cùng, người ta mới được chứng kiến khoảnh khắc thân thiết duy nhất của 4 vị nhạc sĩ khi họ cùng đứng trên sân khấu, điều mà có lẽ nhiều khán giả đã trông đợi. Khó trách ekip, chỉ riêng dung lượng âm nhạc trĩu nặng đã buộc chương trình kéo dài đến gần nửa đêm.

Lần thứ hai áp dụng công thức "Tùng Dương + bộ tứ", và một lần nữa, Tùng Dương bằng tài năng thuộc dạng "của hiếm" cùng sự cầu toàn đến "cực đoan" trong sáng tạo nghệ thuật đã tiếp tục chứng minh với khán giả, với "các bố, các chú" rằng lòng tin của họ đã đặt đúng người. 

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

 

Nhạc sĩ Trần Tiến: Tùng Dương làm được điều 'Bộ tứ sông Hồng' chưa thể làm

Nhạc sĩ Trần Tiến: Tùng Dương làm được điều 'Bộ tứ sông Hồng' chưa thể làm

Nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ, ông cùng 3 người bạn khác trong 'bộ tứ sông Hồng' luôn muốn làm chung 1 liveshow nhưng "càng già càng đuối". Và tới đây, Tùng Dương với bản lĩnh và sức trẻ sẽ thay 4 ông hiện thực hoá khao khát đó.

Đông Hà
Ảnh và Video: Hòa Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm