Ra mắt MV xẩm về Biển Đông 'Tiễu trừ cướp biển'

25/07/2014 18:01 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Thể hiện tinh thần dân tộc trước sự kiện biển Đông với loại hình nghệ thuật truyền thống Xẩm (Xẩm Sai), nhóm xẩm Hà Thành vừa ra mắt MV xẩm Tiễu trừ cướp biển vào sáng 25/7 tại Đình Kim Liên, Hà Nội.

Với lối hát có lúc như mắng chửi, có lúc “lèo nhèo” như kẻ say, có lúc “chua ngoa” như “mẹ đốp”, nhưng có lúc rất mạnh mẽ, khẳng khái của ba nghệ sĩ hát chính nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, ca sĩ Mai Tuyết Hoa, nghệ sĩ Trần Đình Dũng, MV xẩm Tiễn trừ cướp biển tạo được màu sắc âm nhạc hấp dẫn, hóm hỉnh, vừa mỉa mai, vừa thể hiện được sức mạnh, sự đồng tâm, đồng sức của toàn dân trước sự kiện biển Đông. Trong khi đó, ca từ là những lời lẽ hết sức khẳng khái như “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”, “Hoàng Sa là của Việt Nam, đem quân ra cướp rồi tự bảo của nước mình”…


Tuy là nghệ thuật truyền thống nhưng thế mạnh của xẩm chính là luôn phản ánh vấn đề thời sự của thời đại một cách thẳng thắn, trực diện mà cũng vô cùng hấp dẫn bởi ca từ dân gian và lối diễn dí dỏm, nghe như buôn chuyện ở làng quê. Và với điệu xẩm Sai -  một làn điệu phù hợp để phản ánh những vấn đề nóng của cả đất nước hoặc thời điểm xã hội đang có những vấn đề bức bối mà cả xã hội quan tâm, đã được “trưng dụng” qua nhiều thế hệ. Có thể kể đến xẩm Tiễn trừ giặc dốt ở thời kì bình dân học vụ đã được cố nghệ nhân Hà Thị Cầu thể hiện hay Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy Âm nhạc dân tộc cũng đã có những bản xẩm Sai phản ánh về tệ nạn tham nhũng.

Với xẩm Tiễu trừ cướp biển, đây không chỉ là một sản phẩm nghệ thuật trọn vẹn cả hình ảnh và âm nhạc, phản ánh nội dung cấp thiết, thời sự mà hơn thế, cách trình diễn trong MV rất ấn tượng. Thực tế, MV không chỉ thể hiện riêng nghệ thuật xẩm, mà còn có đồng dao, phú, ngâm thơ, hịch nhưng được các nghệ sĩ, nghệ nhân trình bày một cách sáng tạo. Đặc biệt, là việc tăng cường lối hát nói, tạo những âm hưởng rất gần gũi với rap, để làm sao những người trẻ cũng có thể nghe được nghệ thuật truyền thống nhưng hoàn toàn sử dụng âm nhạc đã có trong dân gian. Đây cũng chính là mong muốn của ê-kíp thực hiện MV: tôn vinh những cái hay cái đẹp của nghệ thuật truyền thống và được những con người của thế hệ trẻ đón nhận.

Tiễu trừ cướp biển có cách trình diễn ấn tượng

Nhà nghiên cứu, lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết, MV thực hiện thực sự không tốn kém về kinh phí vì mọi người đều tham gia tự nguyện nhưng kỳ công bài vở. Anh chia sẻ: “Xẩm là loại hình nghệ thuật truyền thống có ngôn ngữ hóm hỉnh, thú vị, âm nhạc lại đa màu sắc và lợi thế là có thể đề cập tới mọi vấn đề xã hội được nhiều người quan tâm. Nhưng cái khó là khai thác âm nhạc thế nào để mọi người thấy được nhạc truyền thống của ta cũng hết sức thú vị và ko hề lỗi thời”.

Tại buổi ra mắt MV, GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cho biết, ông hết sức bất ngờ trước sự sáng tạo của nhóm Xâm Hà Thành khi đã biết gắn nghệ thuật dân tộc với câu chuyện thời sự nóng bỏng của ngày hôm nay. Đây chính là con đường ngắn nhất, gần nhất để xẩm mang hơi thở thời đại và đi vào lòng công chúng đặc biệt là đến với các bạn trẻ. Đây cũng chính là con đường cần thiết để giữ gìn, bảo tồn và phát huy xẩm trong thời đại ngày nay.

Lam Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm