Phim 'Quả tim máu': Thua nguyên tác kịch nói

12/02/2014 15:12 GMT+7 | Phim


(Thethaovanhoa.vn) - Sau mấy phim liên tục thành công, Victor Vũ trở thành đạo diễn đắt show bậc nhất hiện nay, với cát-sê cao ngất. Thế nhưng khi phim kinh dị Quả tim máu chiếu ra mắt báo chí vào tối 10/2 tại TP.HCM, tình thế có vẻ đã thay đổi phần nào.

Phim và kịch có ngôn ngữ, thủ pháp riêng nên rất khó để so sánh với nhau, nhưng nếu xét về cảm giác thụ hưởng trọn vẹn câu chuyện nơi người xem thì trong trường hợp này, kịch đã làm tốt hơn rất nhiều. Quả tim máu của Thái Hòa gọn gàng, thu hút, cân bằng được yếu tố rùng rợn và hài hước. Quả tim máu của Victor Vũ dù được đầu tư tốt về mọi mặt, nhưng câu chuyện còn khá gượng gạo, chất ma quái chưa thuyết phục.

Victor vũ bị “tiếng sét” Thái Hòa

Vở kịch Quả tim máu lên sàn diễn từ năm 2008, còn được gọi là “hậu” Người vợ ma, vì Kịch Hồng Vân có vở cùng tên rất ăn khách, cả hai đều do Thái Hòa đạo diễn, đến nay vẫn còn sáng đèn.


Bối cảnh chính của phim, ngôi biệt thự, có bề ngoài (ảnh trên) hoang tàn nhưng bên trong lại khá bề thế

Sau sự cố bị cho là “đạo phim” với Giao lộ định mệnh (2010), Victor Vũ có thời gian thảnh thơi đi xem kịch Quả tim máu, ngay lập tức anh bị “tiếng sét”, nên chia sẻ với bạn bè là muốn chuyển thể kịch bản này. Không biết tâm trạng của Thái Hòa lúc ấy thế nào, vì anh miễn bình luận, nhưng chắc có phần khấp khởi giữa vui và lo, nên chính Thái Hòa đã có lúc đánh tiếng mình sẽ chuyển thể kịch bản này thành phim.

Nay so sánh hai kịch bản thì phim tập trung vào bối cảnh tại chỗ nhiều hơn, nơi các nhân vật dường như đã có quan hệ sẵn với nhau, trong khi kịch thì nhiều yếu tố tình cờ, nên hấp dẫn hơn. Mỗi câu chuyện có cách tiếp cận quả tim được hiến tặng theo kiểu riêng, nhưng kịch nói thì chặt chẽ, hợp lý hơn, còn phim hơi khiên cưỡng, và có tính “mặc nhiên đúng”. Đặc biệt nhân vật Hù, trong kịch có đường dây và gốc tích rõ ràng, trong phim cực kì mờ nhạt và gượng gạo, dù là vai quan trọng.

Nhưng nói gì thì nói từ “tiếng sét” kia, nay phim đã được ra mắt bài bản, Thái Hòa là một vai chính trong đó, xem như “duyên” đã thành, một kết cuộc đẹp. Cũng xin nói thêm, trước đó, khi làm xong Chuyện tình xa xứ (2009), Victor Vũ cũng từng ấn tượng mạnh với vở kịch Cánh đồng gió của Đỗ Đức Thịnh, cũng từng có ý định chuyển thể như vậy.

Thiếu cái duyên làm phim kinh dị

Trong Quả tim máu của Victor Vũ, việc vợ chồng Linh (Nhã Phương và Hoàng Bách đóng) đến ở ngôi biệt thự ma theo chỉ dẫn trong những giấc mơ là một hành động gắng gượng. Thủ thuật đánh lừa bàn thờ chính với bàn thờ phụ (cất trong tủ) rất gượng ép, và phi lý, bởi yếu tố ma quái lại đến từ ảnh thờ của chính người sống.

Ngôi nhà này có “mâu thuẫn” kì lạ, bên ngoài thì hoang tàn, bên trong thì sạch đẹp, bề thế. Chủ nhân có một trang trại hoa đẹp như mơ, vậy thì chẳng có lý do gì một gia đình giàu có, biết chăm chút lại để ngôi nhà của mình kì dị đến như vậy. Đó là chưa nói, bí mật chính và cũng là nòng cốt của tội ác lại diễn ra ở một nơi khác, nên ngôi biệt thự này càng không cần thiết phải bệ rạc và ma quái đến như vậy. Đây có lẽ điểm phi lý lớn của kịch bản, chính vì vậy mà phim có vẻ phức tạp, nhưng lại rời rạc, khó lôi cuốn.

Cái kết cuối cùng càng gượng ép và bế tắc hơn, khi mà cả trung đội cảnh sát cơ động đang dàn trận, còi hụ inh ỏi thì hung thủ bị một xe tải đâm trúng, hoàn toàn ngẫu nhiên. Sự ngẫu nhiên thái quá này làm cho cái kết hoàn toàn “trần tục”, chẳng còn được chất ma quái, khiến cả phim trở thành một cuộc “làm màu” kinh dị suông, chẳng liên quan gì với nhau.

Victor Vũ thần tượng bậc thầy đạo diễn phim rùng rợn, ly kì là Alfred Hitchcock (1899-1980), nên luôn ôm ấp các kịch bản dạng này để thực hiện. Bộ phim dài đầu tiên của anh là Oan hồn (2004) cũng theo đuổi chủ đề này nhưng không thành công. Bộ phim Thế giới huyền bí (tập 1, 2006) cũng vậy.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm