Phan Gia Nhật Linh với phim về Trịnh Công Sơn: 'Thôi kệ' những lời khen chê!

13/06/2022 07:33 GMT+7 | Giải trí

“Khi làm phim về Trịnh Công Sơn, tôi nghiên cứu nhiều tư liệu về nhạc sĩ và học được nhiều triết lý sống rất hay của ông, một trong số đó gói gọn trong hai chữ: “thôi kệ”! - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh kể. Anh đã cố gắng kể câu chuyện phim hấp dẫn và… cũng “thôi kệ” những lời khen chê.

Những 'review' đầu tiên về phim điện ảnh 'Trịnh Công Sơn' và 'Em và Trịnh'

Những 'review' đầu tiên về phim điện ảnh 'Trịnh Công Sơn' và 'Em và Trịnh'

Tối 7/6, bộ đôi phim Trịnh Công Sơn và Em và Trịnh đã chính thức ra mắt tại TP.HCM. Nghệ sĩ và những khán giả đầu tiên đã có những bình luận về bộ phim.

Hai phim Em và Trịnh Trịnh Công Sơn đã có những suất chiếu sớm kể từ 10/6 và chính thức ra rạp 17/6 tới đây. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về dự án phim điện ảnh tâm huyết với kinh phí lên đến 50 tỷ đồng.

Làm bộ phim để tri ân nhạc sĩ đại tài

* “Em và Trịnh” cùng “Trịnh Công Sơn” đang có những suất chiếu sớm và nhận những phản hồi đầu tiên từ phía người xem. Vẫn có những tranh luận về việc phát hành 2 bản phim cùng lúc về nhạc sĩ họ Trịnh. Từ khi nào anh và ê-kíp đưa ra quyết định này?

- Khi bắt tay vào làm, tôi đã hay đùa rằng phim có thể làm 8 tập, vì có rất nhiều câu chuyện trong đó. Kịch bản ban đầu rất dài và tôi đã cắt dần đi.

Sau khi có bản dựng đầu tiên, nhà sản xuất mới thấy trong bộ phim có hai góc nhìn khác nhau về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và góc nhìn nào cũng xứng đáng đưa ra cho khán giả xem, nên quyết định có hai bản phim cùng lúc.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh

* Làm phim điện ảnh về cuộc đời người nhạc sĩ tài hoa được rất nhiều thế hệ khán giả yêu mến, với anh điều gì là khó khăn nhất?

- Làm phim rất dễ, nhưng làm phim hay thì khó lắm (cười). Mỗi cảnh phim, chi tiết, hình ảnh đặt trong đó đều phải trải qua nhiều sự cân nhắc, tranh luận. Với hai bộ phim này, thời gian chúng tôi làm hậu kỳ dựng phim mất một năm trời.

Làm phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có rất nhiều thử thách. Một trong những thử thách lớn nhất là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông nhẹ nhàng, đầy triết lý, chiêm nghiệm, nhưng không có nhiều kịch tính.

Nếu như mình cố tạo ra kịch tính thì lại không đúng với con người của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cho nên, chúng tôi phải vượt thử thách là phải làm phim không có quá nhiều kịch tính, nhưng vẫn phải hấp dẫn người xem.

* Vì sao anh mạo hiểm tin tưởng các diễn viên trẻ, thay vì mời ngôi sao “bảo chứng” phòng vé?

- Việc chọn diễn viên chiếm 50% thành công vai diễn đó rồi. Khi lựa chọn, tôi đặt niềm tin lớn vào họ và có lẽ tôi may mắn có trực giác tốt. Tôi biết phải làm gì với những gương mặt được chọn, và tôi cũng may mắn khi không chọn nhầm diễn viên nào từ trước tới nay. Các bạn trẻ Bùi Lan Hương, Avin Lu, Hoàng Hà… dù là mới nhưng rất chuyên nghiệp.

Đúng là phim không có ngôi sao đảm bảo doanh thu, nhưng ngay từ đầu chúng tôi thống nhất, ngôi sao của phim chính là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nên tôi chọn những diễn viên hợp với bộ phim chứ không đặt tiêu chí phải là những diễn viên đã được công chúng biết đến nhiều.

Chú thích ảnh
Cảnh trong phim “Em và Trịnh”

* Anh kỳ vọng ra sao về doanh thu của bộ đôi tác phẩm?

- Doanh thu một bộ phim phụ thuộc nhiều yếu tố: tiếp thị, chiến lược bán hàng, thời điểm phát hành… Việc bán phim là của nhà sản xuất và phát hành, không nằm trong tầm kiểm soát của một đạo diễn, nên tôi không đặt kỳ vọng nào cả. Tôi chỉ quan tâm làm sao làm được phim mình mong muốn. Nếu nói ước mơ thì tôi mong phim mình doanh thu… ngàn tỷ (cười).

Tuy nhiên, như tôi nói ngay từ đầu với nhà sản xuất, câu chuyện phim không kịch tính, nên đã bước vào cuộc chơi, chúng tôi thống nhất làm phim để tri ân nhạc sĩ đại tài.

Đừng khắt khe so sánh với sự thật

* Anh sẽ làm gì tiếp sau hai phim Trịnh?

- Tôi có nhiều dự định nhưng chưa thực sự quyết định sẽ làm gì trước. 4-5 năm qua tôi làm 2 phim Trạng Tí phiêu lưu ký, Em và Trịnh ngốn quá nhiều thời gian, tôi cần tái tạo năng lượng.

Có thể tôi sẽ làm Số đỏ và ấp ủ một dự án dark comedy - fantasy (hài đen - giả tưởng) dựa trên kịch bản đoạt giải Liên hoan phim Quốc tế Giả tưởng Bucheon (BIFAN). Dài hơi hơn là dự án phim lịch sử Bạch Đằng Giang, có lẽ phải 10 năm nữa mới có thể làm, nhưng tôi phải bắt đầu từ bây giờ.

Chú thích ảnh

* “Trạng Tí phiêu lưu ký”, “Em và Trịnh”, “Số đỏ”… đều là những dự án chuyển thể. Phải chăng không có kịch bản nào mới sáng tác thuyết phục anh?

- Khi đi học ở Mỹ, tôi thấy Việt Nam mình có nhiều câu chuyện hay, đáng để mình kể. Tôi vẫn luôn khao khát kể những câu chuyện rất Việt Nam.

Với những phim về tuổi trẻ tình yêu, có lẽ nhiều đạo diễn làm tốt hơn tôi, vì các bạn sống với hơi thở thời đại. Tôi đang có cơ hội làm những câu chuyện có chất liệu gắn bó người Việt Nam mình mà không có nhiều người làm.

* Hiện anh đối diện với những lời khen chê tác phẩm của mình như thế nào?

- Làm xong bộ phim là xong rồi, những gì có thể thì tôi đã làm, nên phần còn lại khi phim ra rạp thì thuộc về khán giả. Khán giả luôn đúng, họ khen hoặc chê đều đúng, là cảm xúc của họ, mình không thể đánh giá, phán xét cảm xúc của mọi người.

Đương nhiên, họ khen thì mình cảm động, họ chê thì mình cũng chịu thôi. Khi làm phim về Trịnh Công Sơn, tôi nghiên cứu nhiều tư liệu về nhạc sĩ và học được nhiều triết lý sống rất hay của ông, một trong số đó gói gọn trong hai chữ: Thôi kệ! (cười).

Đây là phim Việt hiếm hoi về một nhân vật có thật. Nhưng tôi vẫn mong khán giả hiểu bộ phim này mang tính hư cấu, là cách người đạo diễn gửi gắm thông điệp nào đó qua câu chuyện.

Đây cũng không phải phim tài liệu, mà là bộ phim kể lại câu chuyện, các nhân vật trong phim cũng mang tính biểu tượng. Khán giả có quyền, nhưng không nên khắt khe so sánh với sự thật, hãy cứ thoải mái tận hưởng bộ phim hư cấu!

* Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Tiểu Phong (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm